Quyết định thu hồi nhà báo của bà Lê Phương Dung
Quyết định của Bộ TT&TT nêu rõ, thu hồi thẻ nhà báo số ITT 02914 thời hạn 2011 - 2015 đã cấp cho bà Lê Phương Dung công tác tại Tạp chí Công thương do bà Dung chưa có trình độ đại học nhưng khai không trung thực khi xét cấp thẻ.
Quyết định được đưa ra dựa trên những điều trong Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí; Thông tư của Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn về thu hồi thẻ nhà báo và dựa vào quyết định của Cục trưởng Cục Báo chí.
Theo Quyết định này, Tạp chí Công thương có trách nhiệm thu hồi thẻ nhà báo của bà Lê Phương Dung nộp về Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Cục Báo chí) theo đúng các quy định của pháp luật về báo chí.
Khai man bằng Đại học thậm chí khai man cả bằng cấp 3
Bà Lê Phương Dung đã làm việc tại Tạp chí Thương mại, sau này là Tạp chí Công thương (thành lập trên cơ sở hợp nhất Tạp chí Thương mại và Tạp Chí Công thương) gần 20 năm. Lý lịch của bà Dung lưu tại Tạp chí Công thương là đã tốt nghiệp Khoa tiếng Nga - Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (niên hạn 1977-1982). Nhưng trong hồ sơ lưu của bà Dung không có bằng trên.
Tháng 9/2014, Tạp chí Công thương nhận được công văn của Thanh tra Bộ Công thương có liên quan đến văn bằng của bà Lê Phương Dung, Ban trị sự của Tạp chí Công thương đã kiểm tra hồ sơ cá nhân của bà Lê Phương Dung thì không thấy bằng đại học. Đồng thời, Tạp chí Công thương có gửi công văn tới Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội xác minh về bằng Đại học của bà Lê Phương Dung.
Ngày 01/10/2014, Trường Đại học Ngoại ngữ có công văn trả lời xác định bà Lê Phương Dung không có thông tin trong khóa học 1977-1982 và không có tên trong sổ cấp bằng cho sinh viên tại trường. Tạp chí Công thương đã gửi giấy mời yêu cầu bà Lê Phương Dung mang bằng tốt nghiệp Đại học sao y, bằng gốc đến Tạp chí Công thương để đối chiếu và bổ sung hồ sơ nhưng bà Dung không mang lên.
Ngày 14/10/2014, bà Lê Phương Dung có làm việc với Tạp chí Công thương về nội dung bằng đại học nhưng không xuất trình bằng Đại học. Tạp chí Công thương kết luận: bà Lê Phương Dung đã khai man tốt nghiệp đại học Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội trong sơ yếu lý lịch là đúng theo đơn tố cáo.
Trong quá trình xác minh, Tạp chí Công thương cũng đã nhận được văn bản của cơ quan Công an xác định: Bà Lê Phương Dung không có tên trong danh sách tốt nghiệp cấp III (hệ 10/10) của Trường Phổ thông cấp III Long Châu Sa, Việt Trì, Phú Thọ, khóa 1974-1976 và không có tên trong danh sách thi tốt nghiệp Khoa tiếng Nga, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, giai đoạn 1977-1982.
Tháng 11/2014, Tạp chí Công thương thành lập Hội đồng kỷ luật đối với bà Lê Phương Dung. Tuy nhiên, xét thấy bà Lê Phương Dung đã đến tuổi nghỉ hưu (tháng 11/2014) nên Tạp chí Công thương không kỷ luật.
Nhận định về vụ việc dưới góc độ pháp luật, Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong các ngạch công chức thì có nhiều chức danh, công việc không nhất thiết phải có bằng Đại học, nhưng nếu là Chuyên viên thì phải có bằng Đại học theo quy định của Luật Công chức và các văn bản liên quan từ trước tới nay.
“Việc khai man lý lịch, bằng cấp sẽ do cơ quan chủ quản xử lý theo nội quy và cơ cấu tổ chức của cơ quan, nếu việc mạo nhận gây hậu quả thì phải bị xử lý nghiêm. Đối với Đảng viên, nếu khai man lý lịch còn bị xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng”, Luật sư Thiệp cho biết.
Sự thiếu thận trọng, chưa chặt chẽ trong tuyển dụng công chức
Trước đó, ngày 28/8/2015, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng đã ký Quyết định số 1439 về việc thu hồi thẻ nhà báo đã cấp cho ông Nguyễn Hồng Lực, công tác tại Tạp chí Công thương do ông Lực chưa có trình độ đại học nhưng khai không trung thực trong quá trình xin cấp thẻ.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ TTT&TT đã phải ra hai quyết định thu thẻ nhà báo thuộc hai nhân sự của Tạp chí Công thương do liên quan đến khai man bằng cấp. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn về quy trình kiểm tra, xác minh lý lịch trong quá trình tuyển dụng nhân sự tại Tạp chí Công thương nói riêng và Bộ Công thương nói chung.
Liên quan đến vấn đề tuyển dụng công chức, lao động tại Bộ Công thương, ngày 5/1, thanh tra Bộ Nội vụ đã có kết luận về việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức và quản lý biên chế công chức của Bộ này từ ngày 1/8/2011 đến 31/8/2014, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm của các tổ chức thuộc Bộ này.
Theo kết luận thanh tra, trong khoảng thời gian trên, Bộ Công thương và các đơn vị đã tổ chức 16 kỳ thi tuyển dụng công chức, nhưng có tới 11 kỳ thiếu một số nội dung; thông báo tuyển dụng của 6 kỳ thi không được công khai. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng của 4 kỳ thi không đúng quy định; có trường hợp bằng cấp chuyên môn không phù hợp với vị trí dự tuyển nhưng vẫn được dự thi và trúng tuyển.
Hình thức thi đối với một số môn thi ở nhiều kỳ thi không đúng quy định như 7 kỳ thi có hình thức thi vấn đáp thay cho trắc nghiệm môn nghiệp vụ chuyên ngành; 3 kỳ thi không thực hiện việc miễn thi ngoại ngữ và tin học với các thí sinh đủ điều kiện; 5 kỳ thi không thực hiện quy định về việc thí sinh ngồi gần nhau không được sử dụng đề thi giống nhau với bài trắc nghiệm; 3 đề thi không có thang điểm chi tiết; 2 đề thi dự phòng không có thang điểm và đáp án đề thi tuyển công chức loại D được xây dựng như loại C.
Trong năm 2013, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển của Bộ Công thương không thành lập Ban phúc khảo kỳ thi nhưng vẫn tổ chức chấm phúc khảo với bài thi của thí sinh có đơn.
Kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ cũng chỉ ra, trong kỳ thi tuyển công chức năm 2011 do Cục quản lý cạnh tranh tổ chức đã không lập danh sách và không thông báo công khai kết quả thi tuyển và dự kiến người trúng tuyển. Đến kỳ thi năm 2013 đơn vị này tổ chức có lập danh sách và thông báo công khai kết quả thi tuyển nhưng không dự kiến người trúng tuyển.
Kết quả kiểm tra hồ sơ, tài liệu kỳ thi tuyển công chức năm 2013 do Cục quản lý thị trường tổ chức cho thấy, đề thi- đáp án được để trong phong bì, có dấu niêm phong, nhưng theo văn bản của Cục An ninh kinh tế tổng hợp thì kỳ thi này không đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc tuyển dụng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chỉ tiêu tuyển dụng sau khi có kết quả thi tuyển của Cục này là không đúng quy định.
Từ những sai phạm trên, thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Bộ trưởng Công thương xem xét, không công nhận kết quả của kỳ thi tuyển dụng công chức năm 2013 do Cục Quản lý thị trường tổ chức. Thanh tra Bộ Nội vụ cũng đề nghị thành lập hội đồng để kiểm tra, đánh giá với công chức được tuyển dụng qua các kỳ thi tuyển có hình thức thi không đúng quy định; chỉ đạo thu hồi quyết định tuyển dụng với người không đáp ứng yêu cầu và thông báo cho Bộ Nội vụ kết quả trong tháng 3/2015. Người đứng đầu Bộ Công thương cần tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với các vi phạm đã được kết luận và xử lý theo đúng pháp luật.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn