Các thành phố Nhật Bản tràn ngập sắc màu của những bộ Kimono truyền thống hôm 8/1 khi lễ Seijin no Hi diễn ra. Seijin no Hi là lễ trưởng thành dành cho những người Nhật Bản đủ 20 tuổi trước ngày 31/3, được tổ chức vào ngày thứ 2, tuần thứ 2 của năm mới theo dương lịch. Ảnh: Reuters.
Các thiếu nữ trong trang phục Kimono truyền thống ngồi kín một toa tàu. Lễ Seijin no Hi có nguồn gốc từ các gia đình Samurai dưới thời phong kiến tại Nhật Bản. Ngày nay, lễ trưởng thành được tổ chức trên toàn xứ sở Mặt Trời mọc và mọi thanh niên đến tuổi 20 đều tham gia vào ngày lễ này. Ảnh: AP.
Các thiếu nữ Nhật tham dự nghi thức thanh tẩy tại đền Meiji, Tokyo. Tại Nhật Bản, người đủ 20 tuổi được công nhận là người trưởng thành và được hưởng đầy đủ quyền công dân. Nghi lễ trưởng thành, vì vậy, được tổ chức để nhắc nhở các nam nữ thanh niên về trách nhiệm với bản thân và xã hội. Ảnh: China News.
Các thiếu nữ 20 tuổi người Nhật ghi những lời cầu chúc cho tương lai an bình, thành công vào những miếng gỗ tại đền Meiji, Tokyo. Trong ngày lễ trưởng thành, người Nhật Bản tham gia các nghi lễ tôn giáo như cầu nguyện, xin bùa, làm lễ thanh tẩy tại các đền thờ Thần đạo. Ảnh: China News.
Các thiếu nữ Nhật Bản tham gia hoạt động bắn cung trong ngày lễ trưởng thành tại một đền thờ Thần đạo tại Kyodo. Lễ trưởng thành cũng là dịp để các thiếu nữ Nhật Bản diện những bộ Kimono sặc sỡ nhất trước khi phải chuyển dần sang các tông màu nhẹ nhàng hơn. Trong văn hóa Nhật Bản, độ tuổi người phụ nữ quyết định màu sắc bộ Kimono. Phụ nữ càng lớn tuổi, Kimono sẽ càng tối màu. Ảnh: Japan Times.
Người Nhật cũng tham gia nhiều hoạt động vui chơi tại các công viên giải trí. Bước sang tuổi 20 cũng đồng nghĩa với được sử dụng đồ uống có cồn hợp pháp, vì vậy nhiều thanh niên Nhật Bản sẽ kết thúc ngày lễ bằng một đêm tiệc tùng tại các câu lạc bộ đêm. Ảnh: AFP.
Lễ trưởng thành là ngày nghỉ lễ cuối cùng trước khi đất nước Nhật Bản trở lại với nhịp sống bận rộn khắc nghiệt. Ảnh: AFP.
Năm nay, nước Nhật đón 1,23 triệu thanh niên chính thức trở thành người trưởng thành, không thay đổi nhiều so với năm 2017. Tuy nhiên, nếu so với năm 1970, con số này chỉ còn chưa tới 50%, minh chứng cho tình trạng già hóa dân số ngày càng trầm trọng tại Nhật Bản. Ảnh: AFP.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn