“Luật pháp tốt là một chuyện nhưng việc thi hành luật lại là một vấn đề khác. Tôi nghĩ các nhà đầu tư trong một lĩnh vực kinh doanh nên được đối xử bình đẳng để tạo ra một sân chơi công bằng”.
Ông Indronil Sengupta, Tổng giám đốc Việt Nam của Tata Sons Limited. Ảnh: Minh Phương
Với kinh nghiệm gần 6 năm trải nghiệm ở Việt Nam cùng với khá nhiều thăng trầm trong việc theo đuổi dự án thép quy mô 5 tỷ đô tại tỉnh Hà Tĩnh, ông Indronil Sengupta, Tổng giám đốc Việt Nam của Tata Sons Limited đã dành cho BizLIVE buổi trò chuyện khá thú vị về cơ hội cũng như môi trường đầu tư ở Việt Nam hiện nay.
Trước hết xin chúc mừng ông và Công ty Tata với những tín hiệu thuận lợi nhất định của dự án Nhiệt điện Long Phú 2 tại tỉnh Sóc Trăng.
Cảm ơn các bạn, tính đến thời điểm hiện tại, có thể nói dự án gặp nhiều thuận lợi và chúng tôi cảm thấy hài lòng trong việc hợp tác cùng Bộ Công thương và tỉnh Sóc Trăng.
Chúng tôi vừa ký kết với Bộ Công thương vào ngày 13/11 vừa qua dưới sự chứng kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Sau đó, chúng tôi đã nhanh chóng triển khai công tác thăm dò kỹ thuật và khảo sát đất.
Hiện tại, Tata đang làm mọi cách để đẩy nhanh tiến độ của dự án so với dự kiến ban đầu và sớm đưa dự án vào thi công.
Đây là một dự án do Chính phủ Việt Nam kêu gọi đầu tư, Tata trúng thầu và thực hiện, mọi việc đều được triển khai nhanh do chúng tôi chỉ tuân theo Luật Đầu tư và không đòi hỏi thêm quyền lợi gì.
Quy mô của dự án nhiệt điện Long Phú 2 ra sao, thưa ông?
Long Phú 2 là một dự án nhiệt điện chạy than công suất 1.200 MW được Tata đầu tư theo hình thức BOT.
Chúng tôi sẽ nâng công suất lên 1.320 MW bằng việc sử dụng hai siêu nồi nấu có công suất 660 MW/nồi, cùng nhiệt kỹ thuật tiên tiến tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.
Nguyên liệu than sẽ được Tata nhập khẩu từ Indonesia. Tổng khoản đầu tư dự án từ 1,8 tỷ USD – 8 tỷ USD. Theo kế hoạch, dự kiến dự án sẽ đi vào hoạt động vào năm 2018.
Tôi không cố ý khơi lại chuyện cũ nhưng liệu ông có thể chia sẻ vài điều về việc rút lui khỏi dự án tỷ đô tại Hà Tĩnh?
Với dự án tại Hà Tĩnh, Tata hết sức nghiêm túc và đã dành ra hơn 5 năm theo đuổi. Chúng tôi tin tưởng nếu thành công, dự án này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cán cân thương mại hiện đang thâm hụt của Việt Nam.
Bởi lẽ, theo thiết kế, dự án sẽ sử dụng hoàn toàn nguyên liệu trong nước, từ đó làm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào việc nhập khẩu.
Đồng thời, Việt Nam đã có thể tiết kiệm được khoảng 2 tỷ USD ngoại hối mỗi năm nếu đem so sánh với một dự án nhập khẩu toàn bộ vật liệu.
Đây là dự án đầu tiên kiểu này tại Việt Nam và chúng tôi rất hào hứng. Nhưng chúng tôi gặp phải nhiều vấn đề như khai thác, địa lý, hóa chất…
Vậy nên, mặc dù nỗ lực hết sức, chúng tôi vẫn không thể triển khai dự án này như mong muốn. Tata khá thất vọng sau khi đã dành ra một khoảng thời gian và tiền bạc cũng như nguồn lực nhưng không thành công.
Cùng với việc nghiêm túc theo đuổi dự án gần 6 năm, quãng thời gian đó đã tiêu tốn của Tata bao nhiêu tiền?
Trong suốt thời gian theo đuổi dự án, chúng tôi đã bỏ ra khoảng 18 triệu USD, trong đó có một mô hình đường dẫn để thăm dò khả năng tiếp cận mỏ sắt Thạch Khê cũng nhiều nghiên cứu khác trong thời gian 6 năm.
Như ông đã nói, mặc dù vấp phải khá nhiều khó khăn cũng như tốn kém về tài chính, vậy điều gì khiến Tata theo đuổi dự án trên lâu như vậy?
Có thể nói, chúng tôi đã hết lòng với dự án này và Tata đã thử rất nhiều thứ. Chúng tôi cũng là người đầu tiên nghĩ ra các ý tưởng; dành 14 tháng để thử nghiệm, để cải tiến, đã làm những dự án mini để thử nghiệm, có thể nói là chúng tôi đã cố gắng hết sức.
Nhưng vấn đề chính mà chúng tôi đã gặp phải là kỹ thuật. Mỏ sắt Thạch Khê được tìm thấy 30 - 40 năm về trước nhưng vì gặp phải những khó khăn về địa lý và hóa chất, mỏ không được khai thác.
Chúng tôi là công ty đầu tiên tìm ra được giải pháp về kinh tế-kỹ thuật. Đây là dự án đầu tiên kiểu này ở Việt Nam và Tata rất hào hứng để đóng góp công sức.Nếu thành công, dự án này có thể tạo ra 30.000 – 35.000 việc làm cùng nhiều lợi ích để cải thiện thâm hụt thương mại bằng việc giảm nhập khẩu hàng tỷ USD mỗi năm.
Với kinh nghiệm của một nhà đầu tư nước ngoài, ông đánh giá gì về hành lang pháp lý và môi trường đầu tư ở Việt Nam?
Chúng tôi nghĩ hệ thống pháp luật Việt Nam đang mang lại một môi trường đầu tư khá thuận lợi. Tuy nhiên, như các đất nước đang phát triển khác, có nhiều điểm cần được cải thiện trong hành lang pháp luật.
Tuy nhiên luật tốt là một chuyện nhưng việc thi hành luật lại là một vấn đề khác. Tôi nghĩ mọi nhà đầu tư trong một lĩnh vực kinh doanh nên được đổi xử bình đẳng để tạo ra một sân chơi công bằng.
Thất bại ở Hà Tĩnh cũng qua chưa lâu, Tata lại ngay lập tức đầu tư vào Sóc Trăng với một dự án cũng không hề nhỏ, điều gì ở Việt Nam đã hấp dẫn các ông đến vậy?
Niềm tin vào Việt Nam của chúng tôi vẫn không bị lung lay, mặc dù thất bại một lần, chúng tôi vẫn tin tưởng vào Việt Nam. Chúng tôi tin vào tiềm năng của Việt Nam và hơn hết là sức sáng tạo của thế hệ trẻ.
Chúng tôi không phải kiểu công ty đến đầu tư rồi lại rút đi luôn trong thời gian ngắn. Tất cả những dự án của chúng tôi tại các nước đều kéo dài từ 30 – 40 năm, thậm chí cả 100 năm. Chúng tôi muốn đóng góp điều gì đó cho đất nước nhận đầu tư.
Năm 2007, chúng tôi đã coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng. Chúng tôi cũng có đầu tư tại Lào, Campuchia, nhưng Việt Nam là điểm đầu tư được Tata đánh giá là quan trọng cùng với Indonesia.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn (BizLIVE)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn