Trước ý kiến băn khoăn mức phạt tiền từ 200 nghìn đồng tới 1 triệu đồng đối với hành vi “đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác”, trong Dự thảo của Bộ Tư pháp, là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyên Anh) cho biết, mức phạt trên đã được nâng lên gấp đôi so với Nghị định năm 2001 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Hôn nhân và gia đình. Luật sư cũng khẳng định: “Mức phạt tiền ở đây không thể xảy ra hiện tượng người vi phạm sẵn sàng bỏ ra nộp phạt nhiều lần để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm được. Nếu người vi phạm tiếp tục vi phạm thì sẽ có căn cứ để xử lý bằng các qui định của Bộ luật hình sự”.
Cụ thể, theo Điều 147 Bộ Luật Hình sự năm 1999, quy định: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Mặt khác, nếu phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Tuy nhiên, Luật sư Thơm cũng thừa nhận: trên thực tế khó khăn trong việc xử lý hành chính và đặc biệt là rất ít khi các cơ quan tố tụng phải xử lý hình sự những vụ việc vi phạm chế độ một vợ một chồng.
Cũng vì ít khi phải xử lý những hành vi này nên có thể một số người chưa có điều kiện quan tâm đến hoặc chưa hiểu rõ bản chất của hành vi vi phạm như thế nào mới phải xử lý theo các qui định của pháp luật.
Luật sư Thơm lý giải: “Cần phải hiểu rõ phạm vi điều chỉnh của điều 46 trong Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Nghị định chỉ qui định hành vi người đã có vợ hoặc chồng nhưng vẫn “sống như vợ như chồng” với người khác và “chưa gây hậu quả nghiêm trọng” mới bị xử phạt hành chính. Dự thảo cũng không có qui định xử phạt hành vi như thế nào là gọi là “ngoại tình”.
Mặc dù khó khăn khi xử lý nhưng theo Luật sư Thơm, qui định này không thể không có. “Nếu không có qui định này thì sẽ không có sự răn đe, phòng chống các hành vi làm băng hoại các giá trị đạo đức, gia đình, xã hội và làm rối lọan các quan hệ xã hội đã được pháp luật bảo vệ và quan trọng là Nghị định này làm căn cứ để xử lý về mặt hình sự”, ông nói.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn