Đối với xã Kỳ Lợi, theo kế hoạc có 1235 hộ dân phải di dời đến nơi ở mới và đến ngày 30.3.2014 toàn bộ việc di dời phải được hoàn tất. Tuy vậy, đến 8.2014 vẫn còn 158 hộ dân tại thôn Đông Yên không chấp nhận các chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng và không chấp nhận di dời.
Và để gây sức ép với chính quyền địa phương, các hộ dân này đã đồng loạt không cho con em mình đến lớp. Dẫn đến hệ lụy là 119 em (trong đó có 82 em học sinh Tiểu học và 37 em học sinh THCS) có nguy cơ thất học.
THCS Kỳ Lợi, nơi các em đã từng học. |
Đến vận độn học sinh đến trường, thầy cô bị phụ huynh chửi bới, hành hung!
Trước sự việc nghiêm trọng này các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như ngành giáo dục địa phương đã rất nỗ lực để vận động người dân, hỗ trợ sách vở, quần áo... Và thậm chí, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định chi ngân sách, hợp đồng nhiều xe ô tô đưa đón miễn phí các em học sinh đến điểm trường mới nhưng vẫn không thể lay chuyển được “ý chí sắt đá” của người dân và vì vậy, việc đến trường của các em học sinh vô tội ở Đông Yên vẫn chỉ là một giấc mơ...
Ông Lê Xuân Vượng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi cho biết: “Địa phương luôn tạo điều kiện và sẵn sàng hỗ trợ để các cháu đến trường nhưng bà con không cho đi. Họ lấy lí do đường xa nên chưa lên... Họ muốn con em được học tại trường THCS Kỳ Lợi, tuy nhiên ngôi trường này không thể đáp ứng về điều kiện cơ sở vật chất cũng như giáo viên đứng lớp. Bởi vì mọi cái đã bố trí ở khu TĐC rồi”.
Thậm chí, trong quá trình đến vận động người dân cho trẻ đến trường, các cán bộ và thầy cô giáo của thị xã Kỳ Anh còn bị người dân chửi bới, xúc phạm và hành hung gây thương tích.
Ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Kỳ Anh nhớ lại: “Cuộc vận động được bắt đầu từ tháng 7.2015, gồm cán bộ Phòng GD và toàn thể giáo viên dạy học tại Kỳ Lợi. Khi bước vào năm học mới, giáo viên phải đi dạy, Sở GD-ĐT chỉ đạo lấy cán bộ phòng GD và toàn bộ Phó hiệu trưởng các trường Tiểu học, THCS và Mầm Non tham gia chia làm 8 tổ”.
Trao đổi về cách thức tổ chức cuộc vận động, vị Trưởng phòng chia sẻ: “Toàn đội có 149 cán bộ, giáo viên, chia làm 25 nhóm, mỗi nhóm 3 - 5 người chịu trách nhiệm vận động 5 -7 hộ dân. Tất cả đều miệt mài không kể sớm chiều, mưa nắng, ngay cả ngày khai giảng năm học mới mà nhiều thầy giáo, cô giáo vẫn không rời “trận địa”. Đặc biệt, cô Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Hưng vì phải hoàn thành nhiệm vụ này mà lỡ mất lần khai giảng cuối cùng trong cuộc đời vì sang năm cô đã nghỉ hưu”.
Một thầy giáo tham gia vận động các học sinh thôn Đông Yên tâm sự: Vì động cơ cá nhân, vì muốn gây sức ép với chính quyền mà nhiều phụ huynh “đánh mất” truyền thống Tôn sư trọng đạo ngàn đời của dân tộc. Họ không tiếc lời chửi bới, xúc phạm, lăng mạ, mạt sát khi thầy cô xuất hiện. Nghiêm trọng hơn, người dân còn đe dọa, ném đá gây thương tích cho đoàn vận động. Cụ thể, cô Trần Thị Hương, Phó hiệu trưởng Trường Mầm Non Kỳ Phương bị dội cả chậu nước rửa cá lên đầu; cô Võ Thị Sáu, Hiệu phó Trường Mầm Non Kỳ Hoa bị ném đá vào đầu chảy máu, phải can thiệp bằng y tế.
Vi phạm pháp luật
Việc người dân nhiều nơi không đồng thuận với chính quyền về chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, lâu nay đã là việc phổ biến. Từ đó, phát sinh các mâu thuẫn, khiếu kiện... cũng đã xảy ra khá nhiều. Vì vậy, xin không bàn thêm về việc này. Tuy nhiên việc người dân thôn Đông Yên xã Kỳ Lợi, vì mâu thuẫn trong việc di dời, đền bù mà đang tâm tước đoạt quyền được đến trường của chính con em mình thì quả là một việc không thể chấp nhận!
Ông Lê Xuân Vượng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi cho biết: “Địa phương luôn tạo điều kiện và sẵn sàng hỗ trợ để các cháu đến trường nhưng bà con không cho đi. Họ lấy lí do đường xa nên chưa lên". |
Không thể vì chưa “đòi” được quyền lợi về kinh tế với chính quyền mà có thể bắt con em mình làm “con tin”, biến con em mình thành những đứa trẻ thất học! Đây là một việc làm vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo đức, rất đáng phải lên án!
Cũng cần nói thêm rằng việc làm của người dân Đông Yên đối với những đứa con của chính mình rất có thể là do bột phát, thiếu hiểu biết. Và sự việc đó, lẽ ra sẽ được giải quyết đơn giản nếu họ được tuyên truyền, tư vấn, vận động một cách đúng đắn, vừa đúng với pháp luật vừa phù hợp với đạo đức xã hội. Nhưng rất tiếc rằng, có nhiều phần tử lại lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để gây rối, làm phức tạp hóa vấn đề.
Đơn cử là gần đây có một số người đến Đông Yên vận động người dân để mở các lớp học với danh nghĩa là “dạy học miễn phí” cho các em học sinh ở đây.
Về hình thức, việc làm này tưởng chừng như là việc tốt, vô hại, nhưng trong thực tế, nhóm người này lại thực hiện những việc làm rất sai trái so với quy định của pháp luật về nhà trường, về lớp học v..v.
Đã vậy, một số phần tử khác lại còn tìm cách để tung hô những người này như là “những người anh hùng”.
Nói về việc này, ông Nguyễn Hữu Sum khẳng định: “Theo quy định của Luật giáo dục và Điều lệ Trường Tiểu học, THCS thì việc mở lớp dạy học mà không được sự cho phép của chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan, đặc biệt là sử dụng đội ngũ chưa đủ tiêu chuẩn để lên lớp là vi phạm pháp luật”.
Quyền được đến trường của trẻ em là quyền được hiến định và luật định. Trẻ em ở thôn Đông Yên xã Kỳ Lợi chắc chắn phải được đến trường. Đó là điều không phải bàn cãi. Và chắc chắn rằng chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã có các phương án, biện pháp phù hợp để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các em.
Điều đáng bàn là các cơ quan hữu quan của tỉnh Hà Tĩnh cần sớm điều tra để có những biện pháp xử lý thích đáng đối với các phần tử lâu nay có các hành vi vi phạm pháp luật, gây xáo trộn và bất ổn xã hội tại địa phương.