TP Hà Tĩnh: Các cửa hàng “bắt tay” nhau làm giá xe máy?

Thứ ba - 06/06/2017 17:16
Thời gian qua, Thời báo Doanh nhân nhận được nhiều thông tin của bạn đọc ở Hà Tĩnh phản ánh về việc, một số cửa hàng kinh doanh xe máy trên địa bàn lợi dụng dịp Tết đã “bắt tay” ấn định giá bán hàng hóa gây thiệt hại cho người tiêu dùng, vi phạm luật cạnh tranh, và nghiêm trọng hơn, có thể có hành vi trốn thuế.
Các cửa hàng xe máy đang bắt tay nhau?

Trong vai người mua, Phóng viên đã đến cửa hàng Phú Tài có địa chỉ tại số 9 Trần Phú, TP. Hà Tĩnh, hỏi mua một chiếc xe máy Honda Vision, một nhân viên tại đây cho biết: “Giá bán thực tế là 36 triệu đồng, nhưng nếu khách hàng đồng ý mua cửa hàng sẽ giảm một triệu”, (cao hơn giá niêm yết của Công ty Honda lên tới 6 triệu), chúng tôi thắc mắc thì nhân viên ở đây giải thích: “Các anh đến cửa hàng nào thì giá cũng thế thôi, đi cho mất công”, nhân viên này nói.

Rời cửa hàng xe máy Phú Tài, nhóm Phóng viên đã tìm đến các cửa hàng xe máy khác trên địa bàn TP.Hà Tĩnh để tham khảo, tuy nhiên đến đâu cũng được báo giá là 36 triệu đồng.

Tương tự, giá công bố Honda Lead loại 125CC. Phiên bản Cao cấp có giá là 38.490.000 (VND), Phiên bản tiêu chuẩn giá chỉ 37.490.000 (VND), giá đã có thuế GTGT, nhưng tại các cửa hàng lại đôn giá lên bán tới gần 42 triệu đồng.


Hóa đơn của một số khách hàng ghi sai so với thực tế thu

Trước những thắc mắc về giá cả của khách hàng, một nhân viên cửa hàng xe máy Bình Thủy lại phân trần: “Các cửa hàng trên địa bàn đều có giá bán giống nhau, các anh đi hỏi cũng mất công tốn sức mà thôi”.

Sau một thời gian thâm nhập điều tra, nhóm Phóng viên có thể khẳng định những thông tin của người tiêu dùng phản ánh về tình trạng một số cửa hàng bán xe máy trên địa bàn TP.Hà Tĩnh bắt tay thỏa thuận nâng giá là hoàn toàn có cơ sở.

Trước khi mua chiếc xe máy Honda Lead cho vợ tôi đã vào trang website của Công ty Honda Việt Nam và thấy công bố giá là 38.490.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, khi đến các cửa hàng, nhân viên báo giá xe 41 triệu đồng.

Điều lạ là không chỉ một mà nhiều đại lý xe máy trên địa bàn đều đưa ra mức giá đấy”. Anh Dương Tiến Dũng, xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc cho biết.

Không dừng lại ở việc “ăn chênh” giá của khách hàng lên đến hàng triệu đồng, thậm chí gần chục triệu đồng, các cửa hàng này còn gian lận trong việc viết hóa đơn đỏ để “trốn thuế”.

Cụ thể, như trường hợp của anh Dương Tiến Dũng, xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc mua chiếc xe máy Honda Lead tại cửa hàng Phú Tài với giá 41 triệu đồng, tuy nhiên trong hóa đơn đỏ cửa hàng này lại ghi 37.500.000đồng.

Số tiền ghi trên hóa đơn là rất thấp, tuy nhiên khi đi nộp thuế trước bạ thì cơ quan thuế vẫn đánh thuế cho người tiêu dùng bằng giá xe trên thị trường, chứ không hề căn cứ vào giá bán xe ghi trên hoá đơn. Người tiêu dùng thắc mắc và đặt câu hỏi thì chẳng ai có câu trả lời thoả đáng, chỉ biết người bán được lợi lớn nhất từ việc ghi hoá đơn “ảo” kiểu trên.


Hóa đơn của một số khách hàng ghi sai so với thực tế thu

Trước đó, Tổng cục Thuế đã có công văn yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thanh tra tại các cửa hàng, đại lý bán xe máy toàn quốc về thông tin bán xe không đúng giá quy định, ghi hoá đơn thấp hơn giá bán thực tế.

Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu truy thu thuế và xử phạt hành chính nếu phát hiện có sai phạm. Tuy nhiên, đi ngược lại sự chờ đợi của người dân về công bằng, cho đến thời điểm này thị trường xe máy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang “loạn” giá.

Trên thực tế, đây không phải là vấn đề mới, đã có trường hợp bị xử phạt, điển hình là vụ 19 công ty bảo biểm phi nhân thọ cuối năm 2008 ký thỏa thuận nâng mức phí bảo hiểm tiêu chuẩn vật chất cho xe ô tô từ 1,3% lên 1,56%/năm chưa tính thuế GTGT, với lý do “nhằm hạn chế tình trạng cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh tỷ lệ bồi thường cao”.

Dư luận phản ánh, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã kết luận đây là hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh. Năm 2010, cơ quan quản lý có quyết định về mức phạt áp dụng cho các DN là 0,025% tổng doanh thu năm 2007, tương đương 1,7 tỷ đồng. Năm 2008 cũng diễn ra vụ các DN trong Hiệp hội Thép “bắt tay” để giữ giá bán thép không dưới mức 13,7 – 14 triệu đồng/tấn đã bị dư luận phản đối và phải dỡ bỏ…

Việc các đại lý xe máy trên địa bàn Hà Tĩnh “bắt tay” nâng giá xe, phóng viên Thời báo Doanh nhân đã liên hệ với Chi Cục quản lý thị trường (Đơn vị trực thuộc Sở Công Thương Hà Tĩnh) có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thương mại đối với các tổ chức, cá nhân, tuy nhiên đơn vị này lại đẩy lên Sở Công Thương.

Việc “đá quả bóng” của những người có trách nhiệm trên địa bàn Hà Tĩnh đang khiến người tiêu dùng bị “móc túi” hàng ngày! Vấn đề trên trách nhiệm thuộc về ai?

Thời Báo Doanh Nhân sẽ tiếp tục tìm hiểu, thông tin tới bạn đọc.

theo Thời báo Doanh nhân

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây