Ông Phạm Đức Hướng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc xác nhận: "Từ lâu, đã có hàng chục người dân tại thôn Chiến Thắng bị nhiễm chất độc DDT&666 và chết dần. Con số này ngày có thể còn càng tăng lên khi nhiều người khác cũng đang mang mầm mống căn bệnh ung thư...".
Theo người dân địa phương thì nguyên nhân có nhiều người mắc bệnh ung thư, chết dần như vậy là do xuất phát từ ngọn đồi giữa thôn. Trước đây, khoảng những năm 1965, một kho hóa chất thuốc bảo vệ thực vật DDT&666 với diện tích khoảng 20m2 được bảo quản tại đây trong hệ thống nhà tranh tre không kiên cố. Sau đó, do chiến tranh ác liệt, Bệnh viện H. Can Lộc được chuyển về đóng tại ngọn đồi này và dựng nền ngay trên kho thuốc để thuận tiện cứu chữa cho bộ đội và dễ dàng di tản lên núi. Khi đất nước thống nhất, bệnh viện di dời đi nơi khác, kho thuốc trên nằm lại trong khu dân cư và dần phát tán theo không khí, ngấm xuống nước ngầm gây bệnh cho người dân sống xung quanh.
"Hiện nay vẫn còn hai hầm sâu trước đây đựng thuốc 666 chưa lấp kín, vào những ngày động trời, mùi thuốc bốc lên nồng nặc, tất cả các giếng nước, mẫu đất trong vùng đều bị ô nhiễm...", ông Nguyễn Thành, một người dân thôn Chiến Thắng cho biết.
Cũng theo người dân, loại thuốc này độc đến nỗi, những năm trước đây người dân chỉ cần dùng nước giếng để gội đầu là chấy rận chết hết. Muỗi vắt trong nhà chỉ cần một tí bột thuốc là không còn bóng dáng một con. Thuốc độc ăn dần theo thời gian đã giết dần giết mòn những người dân sống trong khu vực. Theo ông Trần Xuân Bình, Chủ tịch UBMTTQ VN xã Vĩnh Lộc thì toàn thôn Chiến Thắng có 143 hộ/530 nhân khẩu. Từ khoảng thời gian năm 2000 đến nay, trong thôn đã có 23 người/20 hộ gia đình bị chết do bệnh ung thư. Ngoài ra, những người đang sống bị nhiễm bệnh vẫn chưa thể thống kê hết và đầy đủ được. Con số này trước đây không hề có và cũng không có ở những thôn khác trong xã Vĩnh Lộc. "Chỉ riêng trong năm nay, trong thôn đã có 3 người chết vì ung thư, con số này chưa dừng lại mà vẫn tiếp tục có nguy cơ tăng", ông Bình cho biết.
Những giếng nước đã nhiễm độc nặng từ kho thuốc bị bỏ hoang. |
Mới đây, ông Nguyễn Đình Quyền (62 tuổi) cũng đã qua đời sau một thời gian phát hiện bệnh ung thư gan. Bà Nguyễn Thị Mận (62 tuổi) vợ ông Quyền nói: "Nhà tui ở gần kho thuốc, không những mùi thuốc nồng nặc bay vào quanh năm mà nguồn nước giếng cũng bị ô nhiễm. Chồng ung thư chết rồi còn tui cũng đang có triệu chứng. Con cái tui phải di tản đi nơi khác kiếm sống cả, không biết chúng có bị sao không nữa khi từ nhỏ đã sống ở đây rồi".
Phía dưới dốc đồi, ông Phạm Đức Luân (56 tuổi) cũng đang bị ung thư thực quản giai đoạn cuối. Còn các bà Phạm Thị Đào, Phạm Thị Mận (ở cùn xóm) bị ung thư dạ dày cũng đang phải ra Hà Nội điều trị không biết có qua khỏi được không...
Chính quyền khẩn cầu...
Mặc dù từ những năm 2000, nhiều đoàn điều tra của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh đã về khảo sát và cho thấy nồng độ chất độc chết người ở đồi Chiến Thắng rất cao. Tuy nhiên những biện pháp đã đưa ra vẫn chưa hạn chế được hẳn sự hủy diệt của chất độc đang nằm im trên đồi này.
Ông Phạm Đức Hướng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc cho biết: "Trước tình trạng kho thuốc DDT&666 gây ô nhiễm nghiêm trọng, năm 2000, tỉnh đã đầu tư xây dựng 2 hầm bê-tông (thể tích gần 100 m3) để gom thuốc và đất nhiễm thuốc chôn vào đó, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm không khí và đất xung quanh chưa hết độc vẫn ảnh hưởng nặng đến sức khỏe người dân".
Mang bệnh ung thư giai đoạn cuối, ông Phạm Đức Luân không còn điều kiện kinh tế chữa chạy. |
Để hạn chế thấp nhất sự tiếp xúc với chất độc, tại thôn Chiến Thắng, chính quyền đã cho xây dựng hệ thống cấp nước sạch từ năm 2004. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã cho di dời khoảng 13 hộ gia đình ra xa khỏi khu vực đồi Chiến Thắng. Tuy nhiên, rất nhiều người còn ở lại vẫn đang tiếp tục chịu ảnh hưởng của chất độc. Những người dù đã di dời nhưng đã bị nhuốm bệnh từ thuốc và không có khả năng kinh tế chữa trị nếu một mai bệnh bộc phát.
"Chúng tôi mong muốn làm sao các ngành chức năng tạo điều kiện cải thiện môi trường trong khu vực bị ô nhiễm tối đa nhất để hạn chế sự ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và cho cả thế hệ sau này. Đồng thời, mong được hỗ trợ kinh phí xây dựng hoàn thiện hơn để nâng cấp hệ thống nước sạch phục vụ người dân. Bên cạnh đó, xã Vĩnh Lộc là xã nghèo, chúng tôi mong muốn được các cấp trên tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân được cấp thẻ BHYT để được khám chữa bệnh hằng năm nhằm phát hiện và chữa trị bệnh ung thư đang phát tán...", Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc mong mỏi!
Theo V.Tuân Công an Đà Nẵng