Xăm trổ là “đẳng cấp” của dân giang hồ
Gặp được H., một tay anh chị đã giải nghệ và học mót được nghề xăm hình sau bao lần đi tù như đi chợ, do đó, tôi được mục sở thị màn xăm hình kì công và cũng không kém phần đau đớn của giang hồ Hà Thành.
Có được nhìn tận mắt và nghe “tâm sự” của những người “trong nghề” như H. mới hiểu được hết những gì mà xã hội vẫn đang kì thị về xăm trổ.
|
Trong giới đao búa Hà Thành, xăm hổ là một trong những linh vật không phải ai cũng có thể xăm |
Nhà H. ở trong một ngõ, ngách, rồi hẻm sâu ở Mỹ Đình, nếu không đi theo một người chỉ đường chắc mình tôi mất nửa ngày mới mò vào được đến nơi song cũng không nhớ nổi đường ra.
Mặc dù, trước khi đến, bạn tôi có nói trước là nên cẩn thận trong từng câu hỏi vì đây là dân anh chị nên “rất thính” mùi. Chưa kể đến việc H. có ngoại hình khá bặm trợn cùng rất nhiều hình xăm cổ quái có thể gây “sốc” với tôi nhưng khi gặp H. tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên vì tại sao lại có người xăm trổ nhiều hình kỳ quái đến vậy.
Tôi gặp H. khi đang anh ta đang cắm cúi cầm máy xăm hình một con rồng đen to tướng ở giữa lưng cho một gã khách đầu trọc lốc, trên cổ đeo một chiếc dây chuyền vàng, có lẽ phải gọi là… xích vàng mới đúng.
|
Xăm rồng là biểu tượng của sức mạnh và quyền uy |
Ấn tượng đầu tiên với “nghệ nhân” chuyên xăm hình cho giới giang hồ Hà Thành này là một con hổ màu đỏ rất to ở bắp chân và vô số các hình thù hoa lá rất tinh vi ở bắp tay, trên cổ, leo lên đến tận mang tai.
Ban đầu, H. tỏ ý dò xét nhưng may là người bạn của tôi có quen H. và cũng đã xăm hình của H. nên mối nghi ngờ được giải tỏa phần nào. Với cái cớ đến để xăm hình nhưng còn đang cân nhắc nên H. lập tức thay đổi thái độ ngay. Sau đó, H. còn “tư vấn” cho tôi rất tận tình khi tôi chăm chú xem tác phẩm con rồng đen to đùng đã hoàn thành trên lưng gã khách đầu gấu kèm với những tiếng rên khe khẽ vì đau và tê của gã.
Với một người từng vào tù ra tội, nay chọn con đường đi xăm trổ cho những tay anh chị ở Hà Thành kiếm sống như H. thì chẳng có gì về hình xăm và những người đến xăm trổ là H. không biết.
H. tiết lộ, đến nay không nhớ nổi đã xăm cho bao nhiêu người. "Cửa hiệu” của H. cũng nằm chính ở căn nhà cấp bốn đang thuê trọ. Đa phần, những khách hàng của H. đều là những tay anh chị và H. rất được tin tưởng bởi tay nghề “điêu luyện”. Cộng với khả năng sáng tạo rất giỏi nên hầu hết các tay anh chị đều rất ưng ý khi H. hoàn thành hình xăm.
|
Nhìn thì hầm hố nhưng chó sói chưa phải cái gì quá ghê gớm |
Thông thường, một ngày H. “trị” cho độ vài ca, mỗi ca xăm trổ đơn giản có giá khoảng 300.000 đồng. Nếu khách quen thì giá sẽ được giảm đôi chút còn 200.000 đồng. Tuy nhiên, có những vị khách đặc biệt phải xăm đến cả tháng vì độ phức tạp của hình xăm thì giá có thể lên đến chục triệu đồng là bình thường.
Sau khi hỏi vòng vo về đủ thứ liên quan đến việc xăm trổ, khi tôi đả động về chuyện xăm trổ (sau khi gã khách đầu trọc đã ra về) chỉ dành cho các tay anh chị còn người bình thường xem ra vẫn rất e ngại, H. không ngần ngại “tâm sự” rằng, đúng là những vị khách của H. đều là dân trong giới đao búa nhiều hơn là người bình thường.
"Đa phần, những hình xăm được ưa thích vẫn là những hình ảnh mang ý nghĩa đe dọa, hầm hố như rồng cuộn, hổ nhe nanh, đại bàng xõa cánh... như chực nuốt chửng đối phương thì người bình thường ít ai dám xăm", H. cho biết.
Tuy nhiên, theo H., gã cũng đã từng làm cho một số “ca” là người bình thường chỉ vì thích xăm mà mò đến. Nhưng những người như vậy là rất ít và hình xăm cũng chỉ là hoa, lá.
H. còn nói, bình thường khi nhìn thấy những người xăm trổ, mọi người sẽ nghĩ ngay đó là đầu bò, đầu bướu. Điều này cũng không sai, không có lửa làm sao có khói. Đã là dân giang hồ thì phải có hình xăm mới là “đẳng cấp” và đương nhiên nó có ý nghĩa như việc có “số má” chứ không đơn giản chỉ là xăm chơi hay xăm cho đẹp.
Có những tay anh chị xăm cả con hổ, con rồng to đùng lên lưng với nhiều chi tiết phức tạp phải mất khá nhiều thời gian và đau đớn những vẫn quyết tâm xăm vì hình xăm càng to, càng hầm hố thì càng được “đàn em”… nể hơn.
Theo H, trong giới giang hồ thứ thiệt có máu mặt, đặc biệt là với những kẻ từng vào tù ra khám nhiều lần như đi chợ thì hình xăm đích thị là một thứ dấu hiệu để nhận biết xuất xứ và đẳng cấp ở những trại đã được “nằm”.
Nhiều tên “tiểu yêu” hay “ong” đang tập tọe rất ưa thích những hình xăm hơi “sến” với những câu slogan kiểu như: “Hận đời”, “Hận”, “Đời là bể khổ”… hay những hình xăm trên mu bàn tay, thanh kiếm dài ở cánh tay…
Mỗi hình xăm đều có “quyền uy” riêng
H. tiết lộ, thực chất, không phải đã là "dân giang hồ" thì muốn xăm hình gì và xăm ở đâu cũng được.
Rất nhiều những tên giang hồ nửa mùa mới tập tọe muốn lấy “số má” theo cách xăm cọp, xăm beo hay bê nguyên hình đầu lâu xương chéo in lên giữa ngực như ám chỉ sự “nguy hiểm” của mình… Nhưng với H. thì đó chỉ là những tên giang hồ “vớ vẩn” chưa biết mùi giang hồ thứ thiệt, không sớm thì muộn cũng được “dạy” cho đến nơi đến chốn về “văn hóa” ở chốn giang hồ.
H. nói thêm, một tên tuổi nào đó từng được đám đàn em tôn làm đại ca thì chưa chắc đã là "đại ca" mà còn phải được những "đàn anh, đàn chị" trong giới thừa nhận. Thực chất, trong giới giang hồ chỉ tồn tại một thứ luật duy nhất đó là “luật rừng” - cũng giống như giữa các loài thú trong một khu rừng với nhau, đều có đẳng cấp mạnh, yếu rõ ràng.
Nghe H. kể về giới anh chị từng đến chỗ H. để xăm hình, tôi tò mò hỏi về ý nghĩa của các hình xăm trên cơ thể như rồng, hổ, báo… Trái hẳn với sự dò xét ban đầu, có vẻ như tôi đã chạm vào đúng “dây” của một “nghệ nhân” xăm trổ, H. nói và giải thích rất say sưa về các hình xăm.
H. cho biết, trong giới giang hồ không chỉ ở Hà Thành và còn ở nhiều nơi khác, con rồng là thể hiện chí khí của đàn ông như con rồng vùng vẫy ngoài biển khơi.
Xăm hổ là biểu thị sức mạnh, sự liều lĩnh, xả thân. Nó là biểu tượng của đẳng cấp chiến binh. Tuy hổ là chúa tể rừng xanh, nhưng cũng chỉ là thú hoang trong rừng sâu. Hung tợn mà không nham hiểm, khỏe mạnh nhưng không có cơ mưu, những người xăm hổ thường là những kẻ hữu dũng vô mưu xếp hàng Trương Phi.
Với những kẻ có số có má, tuy chưa xếp vào diện chiếu trên nhưng cũng thuộc hàng có vị thế nhất định trong giới giang hồ thường chỉ dám xăm bọ cạp, cá sấu, rắn, rết, chó sói... tuy là là loài thú dữ, hoặc mang chất độc chết người nhưng chỉ dừng ở mức “tầm thường” như chính những con vật mà họ mang trên mình chứ chưa được xếp hàng “khủng” như hổ, sư tử, gấu, đại bàng…
Tuy nhiên, cho đến nay, trong giới giang hồ Việt Nam dù có xăm trổ ghê gớm đến mấy với đủ loại hình hổ báo dữ tợn vẫn chỉ sợ một chữ đó là chữ… “Nhẫn”.
Theo H. thì trong thế giới ngầm, chữ “Nhẫn” không phải ai cũng có thể xăm lên mình khi bước chân vào giới đao búa.
Chữ “Nhẫn” theo giải thích của H., có trên bộ “đao”, dưới bộ “tâm”, thể hiện sự mạnh mẽ, nguy hiểm nhưng không ai có thể đoán định được. Kẻ mang chữ “Nhẫn” trên mình không chỉ vượt trên cả cấp có “số má” thông thường trong giới giang hồ mà còn biết ân oán phân minh và có đông đảo đàn em được giới giang hồ thừa nhận, kính nể…
Theo (GDVN)