Ngay từ sáng sớm ngày 11/2, đông đảo nghệ nhân, vận động viên, nhân dân từ các địa phương tấp nập đổ về, tề tựu tại địa điểm diễn ra Hội xuân. Tuyến đường vào bon N’Jriêng nhộn nhịp, đông vui, ai nấy đều phấn khởi với không khí của ngày hội.
Tại Hội xuân, phần thi tài nào cũng cuốn hút người xem. Ở phần thi giã gạo nấu cơm nhanh, thi ẩm thực, tiếng chày giã gạo, sàng gạo, tiếng reo hò, những tràng pháo tay hòa quyện vào nhau làm cho không khí thêm náo nhiệt, đầy hứng khởi.
Ai cũng cố gắng mang về cho đội mình kết quả nhanh nhất, hiệu quả nhất. Sau một giờ nỗ lực, những mâm cơm với đầy đủ các món ăn đặc trưng của đồng bào như cơm lam, thịt nướng, canh thụt, cá nướng… được bày biện một cách bắt mắt, hấp dẫn. Cách đó không xa, hàng trăm người dân, du khách vây quanh sới vật và sàn đấu đẩy gậy.
Các món ẩm thực của đồng bào chế biến như cơm lam, thịt nướng, canh thụt... hấp dẫn, cuốn hút người xem
Tại Khu trưng bày các gian hàng giới thiệu các sản vật của tỉnh cũng như các địa phương cũng nô nức không kém. Các đơn vị tham gia mang đến những sản vật, hiện vật văn hóa của địa phương mình. Một số đặc sản được mang đến giới thiệu tại Hội xuân như khoai lang Tuy Đức, ổi Đắk Glong, ca cao, cà phê Đức Lập (Đắk Mil), gạo Buôn Choáh, nấm Linh Chi (Krông Nô)… Một số loại rau, củ quả sạch trồng theo tiêu chuẩn VietGap cũng được trưng bày và bán tại các gian hàng.
Gian hàng chung của tỉnh trưng bày các hình ảnh văn hóa, con người của tỉnh Đắk Nông, với các ấn phẩm như: đĩa DVD “Đắk Nông điểm đến huyền thoại", “Đắk Nông tiềm năng và cơ hội đầu tư”, “Cẩm nang du lịch Đắk Nông”, “Du lịch Đắk Nông hoang sơ và quyến rũ”... được in bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau (Việt - Anh - Campuchia) để du khách nghiên cứu, tìm hiểu.
Cuốn hút nhất là đêm khai mạc với phần mở màn là Lễ hội đường phố của các đoàn già làng, nghệ nhân, khách mời, các đoàn tham gia đêm hội. Những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống sặc sỡ hoa văn, họa tiết làm bừng sáng cả Hội xuân. Âm thanh cồng chiêng rộng ràng, ngân nga tô điểm thêm sắc màu cho lễ hội. Tiếp đó là Lễ đón bạn được diễn ra theo đúng phong tục của người Mạ gồm hát đối đáp hỏi thăm khách, mời trầu, rượu, nước…
Tâm điểm của Hội xuân là tái hiện Lễ Iun Jông (Lễ gắn kết tình thân) giữa đồng bào Mạ ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) và đồng bào Mạ ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Bên ánh lửa bập bùng và âm thanh vang dội của cồng chiêng, những chàng trai, cô gái M’nông, Mạ, Ê đê, cùng các dân tộc anh em khác tay trong tay nối rộng vòng xoang làm cho đêm hội thêm huyền ảo.
Thi vật truyền thống thu hút sự quan tâm, theo dõi của mọi người
Đối với các nghệ nhân, vận động viên, Hội xuân Liêng Nung diễn ra là cơ hội để được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và cùng nhau tìm hiểu văn hóa đặc trưng của các dân tộc anh em khác.
Chị Thị Ai ở bon Bu Koh, xã Đắk R'tíh (Tuy Đức) cho biết: “Tôi rất vui khi đại diện cho đồng bào M’nông ở Tuy Đức tham gia thi dệt thổ cẩm nhanh và đẹp. Ngoài việc thể hiện khả năng của mình, chúng tôi có dịp giao lưu, học hỏi các dân tộc khác và giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của người M’nông đến bạn bè gần xa. Điều mà tôi vui nhất là mọi người đã quan tâm, hỏi han đến kỹ thuật dệt thổ cẩm của người M’nông và tôi tự hào về điều đó. Hy vọng, sau Hội xuân, thổ cẩm M'nông sẽ được nhiều người biết đến hơn”.
Bên cạnh những người tham gia các hoạt động, thì người đi xem, cổ vũ Hội xuân cũng hết sức phấn chấn. Chị Nguyễn Thị Phúc - một du khách đến từ tỉnh Quảng Nam cho hay: "Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến lễ hội truyền thống cũng như những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nên cảm thấy rất thú vị". Ông Hà Trọng Nam đến từ tỉnh Lâm Đồng cũng vui vẻ nói: “Tôi rất mê văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa Trường Sơn - Tây Nguyên. Theo dõi qua báo chí, thấy tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội xuân Liêng Nung với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc nên tôi tìm đến tham quan, tìm hiểu".
Không khí, ý nghĩa của Hội xuân đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh: Hội xuân Liêng Nung là một trong những hoạt động văn hóa có ý nghĩa quan trọng, là dịp để đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh được gặp gỡ, giao lưu, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc. Qua đây, đoàn viên thanh niên phát huy vai trò xung kích, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của 40 dân tộc anh em đang sinh sống trên mảnh đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ, quê hương của anh hùng N’Trang Lơng. Hội xuân còn khẳng định sức sống mãnh liệt, trường tồn của văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung và của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông nói riêng và là dịp thu hút du khách, các nhà đầu tư đến với Đắk Nông, góp phần đẩy mạnh du lịch, phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn lâu dài các giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa cho các thế hệ tương lai.