Quản lý, bảo vệ rừng: Lỏng ngay tại gốc.

Thứ sáu - 09/06/2017 02:54
Mục tiêu quản lý, bảo vệ rừng (BVR) tại gốc ở Hà Tĩnh sau nhiều năm “phấn đấu” nay vẫn chỉ là... mục tiêu. Sự lỏng lẻo ngay tại các chủ rừng khiến hành trình đến mục tiêu trên vẫn đang xa vời vợi. Gỗ, động vật rừng... vẫn không ngừng “lên đường” về xuôi, ra phố. Cháy rừng vẫn cứ xảy ra mỗi năm vài chục vụ...
Quản lý, bảo vệ rừng lỏng ngay tại gốc nên rừng chỉ còn...gốc! Ảnh: Thăng Long, Trí Thức (chụp tại Vườn QG Vũ Quang)

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy(BCH) Các vấn đề cấp bách trong BVR - PCCCR tỉnh Hà Tĩnh, năm 2012, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 646 vụ vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng. Theo đó, tịch thu: trên 981 m3 gỗ các loại; gần 5 tấn động vật rừng; 56 phương tiện các loại; tháo dỡ 141/244 xưởng chế biến lâm sản không đủ điều kiện, không đúng quy định. Báo cáo trên còn cho biết thêm, năm 2012 trên địa bàn Hà Tĩnh để xẩy ra 22 vụ cháy rừng; diện tích rừng bị cháy gần 95 ha; diện tích rừng thiệt hại do cháy gần 39 ha...Địa phương để xẩy ra cháy rừng nhiều nhất là Hương Sơn(9 vụ); kế đến là Hương Khê(6 vụ, tại TK 226 thuộc địa bàn xã Lộc Yên)...Chủ rừng để xẩy ra cháy rừng nhiều nhất là Ban Quản lý RPH Ngàn phố- Hương Sơn(7 vụ); tiếp đến là Ban Quản lý RPH Nam Hà Tĩnh(2 vụ)...

Đáng bàn là 550/646 vụ vi phạm lâm luật được phát hiện và xử lý trong năm là của lực lượng kiểm lâm, còn lại là của các lực lượng chức năng khác. Lâm sản các chủ rừng trên địa bàn bắt giữ, chuyển kiểm lâm xử lý chỉ...36 vụ! Một con số thấp đáng ngạc nhiên! Phân tích các con số trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, tại Hội nghị tổng kết công tác BVR - PCCCR năm 2012 vừa diễn ra cuối tháng 2/2013, đã đặt câu hỏi: Quản lý, BVR tại gốc ở đâu?. Theo phân tích của vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khi Kiểm lâm đã phát hiện và xử lý thì cũng đồng nghĩa với việc rừng đã bị đốn hạ và đang “lên đường” ra phố, về xuôi... ”Điều đó cho thấy, sự quản lý của các chủ rừng là quá lỏng lẽo, thiếu trách nhiệm...”, ông Sơn, kết luận.

Nhìn chung, công tác quản lý, BVR tại gốc ở các chủ rừng, nhất là các chủ rừng lớn, chủ rừng Nhà nước trên địa bàn trong những năm qua vẫn chưa cho thấy có sự chuyển biến đáng kể nào. Ngược lại, các chủ rừng lớn như: Vườn Quốc gia Vũ Quang, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Chúc A, BQLRPH Ngàn phố..., hàng năm đều để lại điều tiếng trong thực thi nhiệm vụ chính trị của mình. Nhiều năm trở lại đây, rừng ở Vườn QG Vũ Quang luôn bị “lâm tặc”“xẻ thịt” mà không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả nào. Báo chí Trung ương và địa phương đưa tin, phát hình nhưng đâu lại vào đó! Hơn thế, thời gian qua, Hà Tĩnh còn được biết đến qua vụ án xử trên chục lâm tặc “triệt hạ” cả trăm m3 gỗ ở xã Sơn Hồng. Dư luận phẫn nộ bởi tình trạng khai thác rừng trái phép trên đã kéo dài trong nhiều năm trước đó mà không bị phát hiện với sự thông đồng của nhiều cán bộ kiểm lâm và bảo vệ rừng biến chất. Rừng do BQLRPH Ngàn phố Hương Sơn mỗi năm cháy từ 7- 9 vụ...

Trên 500 m3 gỗ được tịch thu trong vụ phá rừng Sơn Hồng

Nhiều người có trách nhiệm, cho rằng, nguyên nhân để xẩy ra tình trạng trên đã được nhận thấy từ nhiều năm nay, không có gì mới. Bên cạnh những yếu tố khách quan như lực lượng mỏng, thiếu kinh phí, diện tích rừng được giao quản lý lớn..., điều không khó để nhận thấy đầu tiên là, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu một số chủ rừng đã không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Có người đã phải thốt lên: ”Chúng tôi đã cố hết sức mình nhưng vẫn không quản lý nổi rừng...”.

Đáng phải lưu tâm nữa là, đã và đang có không ít người trong lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng và kiểm lâm địa bàn đã từng “ăn chia”với “lâm tặc”. Bằng chứng “thông đồng”không chỉ được làm rõ qua vụ án kể trên mà mới đây, lực lượng chức năng Hương Khê cũng đã bắt được xe chở gỗ lậu sau nhiều lần theo dõi.

Nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã thực sự đã trở thành vấn nạn

Thêm nữa, vai trò của chính quyền địa phương chưa thực sự được phát huy. Nhiều địa phương ở cơ sở vẫn coi công tác quản lý, BVR là của chủ rừng, của Kiểm lâm, từ đó, thiếu sự phối hợp. Điều dễ nhận thấy khác là trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng đã có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ...

Và quan trọng hơn là, phương án PCCCR hàng năm của hầu hết các chủ rừng được xây dựng và triển khai thực hiện “chưa có tính phòng ngừa cao, chủ yếu là hình thức...”, Phó Chủ tịch Lê Đình Sơn, nói. Điều này được thể hiện rõ qua những đợt kiểm tra thực tế của lãnh đạo chính quyền, ban, ngành các cấp. Qua đó cũng thể hiện, công tác phê duyệt phương án của ngành chức năng, chính quyền địa phương là qua quýt, thiếu trách nhiệm.

Và đây là bằng chứng sự "nổi giận" của thiên nhiên khi rừng bị con người tàn sát dã man!

Công tác BVR - PCCCR nói chung, quản lý, BVR tại gốc nói riêng trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua dù đã có những bước chuyển ban đầu, nhất là trong công tác điều tra, xử lý, nhưng theo chúng tôi cần có sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện hơn nữa. Một giải pháp đồng bộ, mạnh tay... được chỉ đạo từ tỉnh xuống tận cơ sở mới hy vọng tạo được bước chuyển tích cực đối với nhiệm vụ được xem là vô cùng khó khăn này.

Theo Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây