1. Vụ đánh bom ở Boston, Mỹ
Ngày 15/4, nước Mỹ bàng hoàng trước vụ tấn công khủng bố khi 2 quả “bom bẩn” tự chế phát nổ trước vạch đích cuộc đua Marathon Boston (Mỹ) làm 3 người chết và 282 người khác bị thương. Nghi phạm Tamerlan Tsarnaev thiệt mạng khi bị cảnh sát truy đuổi, còn em trai hắn là Dzhokhar bị bắt khi đang ẩn nấp trong chiếc thuyền ở khu vườn của một người dân Boston.
Quả bom phát nổ tại vạch đích cuộc đua Marathon Boston
Trong phiên tòa diễn ra vào hồi cuối tháng 4, Dzhokhar bị buộc tội sử dụng và âm mưu sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt để giết người và hủy hoại tài sản và có thể sẽ phải đối mặt với án tử hình. Hiện mức án của bị cáo này vẫn chưa được tuyên.
Vụ tấn công này gây chấn động nước Mỹ bởi 2 nghi phạm đều là những công dân sinh ra và lớn lên tại Mỹ, hưởng thụ nền văn hóa và giáo dục Mỹ nhưng lại mang tâm lý chống Mỹ nặng nề, đánh dấu sự xuất hiện của một "thế hệ khủng bố" mới ngay trong lòng nước Mỹ.
2. Giáo hoàng Francis nhậm chức
Ngày 13/3, Mật nghị Hồng y diễn ra ở Vatican đã bầu Hồng y Jorge Mario Bergoglio trở thành Giáo hoàng mới thay thế cho Giáo hoàng Emeritus Benedict XVI vừa mới thoái vị. Ông là Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ Latinh, đồng thời cũng là Giáo hoàng đầu tiên không đến từ châu Âu trong suốt hơn 1200 năm qua.
Giáo hoàng Francis
Tạp chí Time danh tiếng đã bình chọn Giáo hoàng Francis là người có ảnh hưởng lớn nhất với thế giới trong năm 2013 vì “hiếm có khi nào một người mới xuất hiện trên trường quốc tế lại giành được nhiều sự chú ý nhanh đến vậy, từ người trẻ đến người già, từ người theo đạo đến người không theo đạo”, theo lời tổng biên tập tạp chí Time Nancy Gibbs.
Giáo hoàng Francis nổi tiếng với phong cách giản dị khi ông từ chối không ở trong cung điện xa hoa của Vatican, sử dụng chiếc thánh giá cũ trong lễ đăng quang, lựa chọn chiếc nhẫn biểu tượng cho Giáo hoàng bằng bạc thay vì bằng vàng. Ông cũng là người rất gần gũi với người dân nghèo, đồng thời kịch liệt lên án lòng tham vô độ của chủ nghĩa tư bản.
3. Quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống dân cử Mohammed Morsi
Ngày 3/7, Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi đã bị quân đội nước này lật đổ trong một cuộc đảo chính, và quân đội đã lập ra một chính phủ lâm thời, viết lại hiến pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập. Ông Morsi đã trúng cử Tổng thống Ai Cập 1 năm trước đó sau cuộc cách mạng Ai Cập lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak.
Người biểu tình chống Morsi và Anh em Hồi giáo đụng độ dữ dội ở Cairo
Tuy nhiên chính quyền của ông Morsi với sự hậu thuẫn của phong trào Anh em Hồi giáo đã không nhận được sự ủng hộ của dân chúng Ai Cập, dẫn tới những cuộc biểu tình và đụng độ đẫm máu trên đường phố cho đến lúc cuộc chính biến xảy ra.
Việc ông Morsi bị lật đổ và phong trào Anh em Hồi giáo bị đàn áp đánh dấu sự trở lại của một thế lực khét tiếng ở Ai Cập, đó là Bộ Nội vụ, cơ quan điều hành cảnh sát và lực lượng an ninh của nước này, nổi tiếng với phong trào đàn áp dưới thời ông Mubarak.
4. Hoàng tử George chào đời
Ngày 22/7, Hoàng gia Anh thông báo Công nương Catherine xứ Cambridge đã sinh hạ cậu con trai đầu lòng. Vị “hoàng tử bé” xếp thứ 3 trong danh sách kế thừa ngai vàng vương quốc Anh này được đặt tên là George Alexander Louis.
Hoàng tử George cùng gia đình chuẩn bị đón Giáng sinh đầu đời
Đây là sự kiện rất được mong chờ ở nước Anh và nhiều quốc gia trên thế giới, và hàng ngàn người đã xếp hàng trước cổng bệnh viện St Marry ở thủ đô London để chào đón lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng của Hoàng tử George.
5. Cuộc khủng hoảng ở Syria
Giữa tháng 8, Mỹ và các quốc gia phương Tây cáo buộc quân đội của Tổng thống Syria Bashar Assad đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công vào dân thường ở ngoại ô thủ đô Damascus khiến 1.300 người thiệt mạng. Mỹ đã huy động nhiều tàu chiến đến Địa Trung Hải sẵn sàng cho một cuộc tấn công trừng phạt vào Syria bất chấp sự phản đối của Nga và của dư luận trong nước.
Tàu chiến Mỹ đổ về Địa Trung Hải sẵn sàng tấn công Syria
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một nước cờ “tài tình” khi đề nghị Syria giao nộp kho vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế để tiêu hủy theo lộ trình. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chấp thuận đề nghị này của Nga, hóa giải nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ và Syria, mở đường cho các thanh sát viên quốc tế vào Syria để tiêu hủy vũ khí hóa học theo kế hoạch.
Với động thái này, Tổng thống Putin đã khẳng định được vị thế và ảnh hưởng của nước Nga trên trường quốc tế, giúp cho đồng minh Bashar Al Assad tiếp tục giữ vững quyền lực bất chấp việc phe nổi dậy không ngừng nhận được sự hỗ trợ của phương Tây.
6. Thảm sát ở Sở chỉ huy Hải quân Mỹ
Ngày 16/9, tại tòa nhà Sở chỉ huy Hải quân Mỹ ở Washington, Mỹ đã xảy ra một vụ thảm sát kinh hoàng chấn động nước Mỹ khiến 13 người thiệt mạng. Nghi phạm Aaron Alexis đã mang theo súng săn và súng ngắn đột nhập vào Sở chỉ huy Hải quân rồi xả súng bừa bãi, sát hại 12 người tại tòa nhà Bộ Chỉ huy các hệ thống biển.
Hình ảnh của Alexis được camera giám sát ghi lại
Alexis đã thiệt mạng trong cuộc đọ súng với lực lượng cảnh sát sau đó. Nghi phạm được xác định là có vấn đề về thần kinh và đã từng phục vụ trong lực lượng Hải quân Mỹ.
Vụ việc này đã khiến các cơ quan an ninh Mỹ phải rà soát lại quy trình kiểm tra nhân thân đối với các nhân viên phục vụ trong lực lượng vũ trang vốn có nhiều sơ hở của mình.
7. Vụ tấn công khủng bố trung tâm thương mại West Gate, Kenya
Ngày 22/9, những tay súng thuộc tổ chức khủng bố Al Shabaab của Somali mang theo cả súng máy đã tràn vào một khu mua sắm ở thủ đô Nairobi của Kenya, sát hại ít nhất 39 người và làm bị thương hơn 150 người khác.
Các nạn nhân gào khóc khi bị bọn khủng bố tấn công tại trung tâm thương mại
Quân đội Kenya đã bao vây, tấn công suốt nhiều ngày và thậm chí phải đánh sập một góc trung tâm thương mại mới bắt giữ được 4 đối tượng khủng bố. Một số binh sĩ Kenya bị tố cáo lợi dụng tình hình hỗn loạn để hôi của và vơ vét tài sản, tiền bạc trong trung tâm thương mại.
8. Siêu bão Haiyan hủy diệt miền trung Philippines
Ngày 10/11, siêu bão Haiyan mạnh nhất thế giới với tốc độ gió lên tới 320 km/h đã đổ bộ vào miền trung Philippines, tàn phá một khu vực rộng lớn và gây ra thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất năm 2013. Khoảng 6000 người đã thiệt mạng trong cơn bão này, trong đó có nhiều người vẫn chưa tìm thấy xác. Thành phố Tacloban đã bị hủy diệt hoàn toàn khiến hàng chục ngàn người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, không có thức ăn, nước uống trong nhiều ngày liền.
Cảnh hoang tàn ở thành phố Tacloban dưới sức hủy diệt của siêu bão Haiyan
Cộng đồng quốc tế đã nỗ lực hết sức mình để cùng chính phủ Philippines thực hiện chiến dịch cứu trợ cho các nạn nhân của bão Haiyan. Mỹ cũng đã điều cụm tàu sân bay USS George Washington tới Philippines để hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân vượt qua thời điểm vô cùng khó khăn sau siêu bão.
9. Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời
Ngày 5/12, Nelson Mandela, Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, biểu tượng của phong trào chống phân biệt chủng tộc đã qua đời ở tuổi 95 sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh viêm phổi. Nelson Mandela từng bị cầm tù 27 năm vì chống lại chế độ phân biệt chủng tộc cho tới khi được thả vào năm 1990. Bốn năm sau đó, ông trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc của người da trắng.
Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela
Nam Phi đã long trọng tổ chức quốc tang cho ông Mandela trong suốt 10 ngày, và gần 100 nguyên thủ đến từ các nước trên thế giới đã đến tham dự lễ viếng của ông. Thi hài ông được chôn cất tại quê nhà Qunu vào ngày 15/12.
Năm 2013 còn chứng kiến sự qua đời của nhiều nhân vật vĩ đại khác trên thế giới, trong đó có cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Ông Chavez qua đời ở tuổi 58 sau một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư, trong khi “Bà đầm thép” Thatcher mất vì đột quỵ, thọ 87 tuổi.
10. Triều Tiên xử tử Jang Song-taek
Ngày 8/12, Triều Tiên tuyên bố đã bắt giữ cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Jang Song-taek, nhân vật số 2 đầy quyền lực ở đất nước này với tội danh “chống đảng, phản cách mạng” và âm mưu đảo chính lật đổ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Vài ngày sau, ông Jang Song-taek đã bị xử tử sau khi bị đem ra xét xử trước tòa án binh.
Hình ảnh cuối cùng của Jang Song-taek trước khi bị xử tử
Nhiều nhà phân tích nhận định đây là một động thái củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tuy nhiên Mỹ, Trung Quốc và các nước láng giềng với Triều Tiên đã tỏ ra lo ngại với diễn biến này. Dư luận lo ngại rằng Triều Tiên sẽ trở nên cứng rắn hơn sau khi ông Jang bị thanh trừng, bởi ông này là người theo đường lối cải cách kinh tế và ôn hòa.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn