Đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam có những nét văn hóa vô cùng đặc sắc. Ảnh minh họa, nguồn: VF/ CAND
Chẳng hạn, để nói về sự thượng võ của người H’mong, anh kể, có lần dạo chợ Bắc Hà, anh nhìn thấy một thanh niên H’mong mang theo mình một con dao quắm rất đẹp. Nổi hứng tò mò, anh tiến lại chào, và mời người thanh niên uống rượu ngô. Sau khi đã uống vài chén “sương sương”, tiến sĩ dân tộc học mới ngỏ lời đề nghị được xem con dao quắm. Người thanh niên H’mong hơi sững lại, nhưng rồi vẫn lấy dao cho anh bạn tôi xem.
Đó là một con dao bằng thép rất tốt, lưỡi sắc lẻm, cán bằng sừng trâu đã lên nước bóng loáng. Xem một hồi, anh bạn tấm tắc khen, rồi trả lại. Lúc đó, chậm rãi một cách bình thản, người thanh niên H’mong mới giải thích rằng, đây là con dao săn của dân tộc anh, nó đã được cầu khấn làm phép với lời chú: hễ rút dao ra thì phải dính máu. Anh bạn tôi tái mặt, không biết phải làm sao, thì người thanh niên kia đã đưa lưỡi dao lên, cứa vào tay mình một vết, rồi mặc máu chảy, lại nâng chén mời người bạn mới quen uống rượu. Vậy đó, người thanh niên H’mong có thể giải thích về chuyện con dao trước khi rút ra, nhưng anh đã không làm vậy, bởi không muốn bạn mất hứng.
Những em bé H'mong rạng rỡ trước hiên nhà. Ảnh: Michael Siy
Những người sống dưới xuôi, những người kinh-thành-thị, thường tự cho rằng mình hiểu biết rõ về đồng bào dân tộc thiểu số, và giữ nhiều định kiến về lối sống, về văn hóa của họ. Định kiến không dựa trên sự hiểu, mà dựa trên sự biết - biết những thông tin ít ỏi và phiến diện.
Gần đây, trên internet lan truyền một đoạn video clip được cho là cắt ra từ 1 chương trình phổ biến pháp luật của một đài truyền hình. Nội dung đoạn hình này là một phiên tòa lưu động (được dàn dựng), xét xử một thanh niên H’mong phạm tội hiếp dâm. Người đóng vai can phạm cố tình nói một thứ tiếng Kinh lơ lớ, với những câu hỏi đáp rất ngô nghê với chánh án. Anh ta nhất định xưng “mình” dù chánh án nhiều lần yêu cầu phải xưng là “bị cáo”, anh ta lập luận “Tôi làm chuyện đó lúc trời nắng, vậy phải nói là hiếp nắng chứ sao lại gọi là hiếp dâm”… Cứ như vậy, cù cưa, nhằm gây cười.
Hình ảnh "bị cáo" trong clip đang lan truyền chóng mặt trên mạng. Ảnh chụp màn hình
Đoạn hình có nội dung lố bịch (mà kịch bản dựa trên những chuyện cười truyền miệng nhiều người biết), nhưng như một món giải trí lạ miệng, được hàng nghìn người chia sẻ, với những lời bình phẩm vô văn hóa, xúc phạm đồng bào dân tộc thiểu số, đầy thiển cận và chia rẽ. Rất nhanh chóng, những sinh viên, công chức, nhà nghiên cứu… có điều kiện tiếp cận internet và xem đoạn video clip này, đã bày tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ. Cuộc tranh luận vẫn đang tiếp tục kéo dài, và người ta đang tìm cách xác minh, đó có thực sự là nội dung đã được phát sóng trên truyền hình hay không?
Đó là một câu chuyện rất buồn lòng, phản ánh một thực tế buồn lòng. Dù một bộ Luật chống kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn đang ở giai đoạn bàn thảo, nhưng trong các luật chuyên ngành của Việt Nam cũng có một số điều liên quan đến kỳ thị và phân biệt đối xử, mức độ chi tiết có khác nhau giữa các văn bản pháp luật khác nhau. Ví dụ, trong Nghị định về công tác dân tộc (NĐ Số: 05/2011/NĐ-CP), ở khoản 1 điều 7 có ghi: “Mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử, chia rẽ, phá hoại đoàn kết các dân tộc bị nghiêm cấm”. Tuy nhiên, không có giải thích rõ ràng thế nào là hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, không có những danh mục hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử bị nghiêm cấm. Và vì thế, những người dàn dựng, phát tán, và bày tỏ quan điểm tiêu cực về đoạn video clip nêu trên, hiện vẫn rất khó để xử lý theo một khung hình phạt nào.
Ở một mức độ nhẹ hơn, nhưng lại khá phổ biến, đó là sự xúc phạm văn hóa vì thiếu hiểu biết. Tháng 4/2014, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt Đài Truyền hình Việt Nam 15 triệu đồng, vì phát sóng một chương trình giải trí, trong đó có phần thi hát mà thí sinh dùng khăn Piêu – một biểu tượng văn hóa nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thái – để làm… khố.
Tình trạng áp đặt định kiến về đồng bào dân tộc thiểu số trên các phương tiện truyền thông đại chúng phổ biến đến mức, hồi đầu tháng 3/2016, PGS.TS dân tộc học Nguyễn Văn Chính đã công bố một nghiên cứu nhỏ trên tạp chí Tia Sáng có tựa đề “Định kiến tộc người trên truyền thông đại chúng”. Bài báo đưa ra con số đáng lo ngại: “Khi phân tích ngôn từ được trình bày trong 373 bài báo đã thu thập từ bốn tờ báo lớn (Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong và Công An Nhân Dân), chúng tôi nhận thấy có tới 284 bài viết (gần 66%) sử dụng các thuật ngữ thuộc nhóm có ngụ ý tiêu cực. Hình ảnh tiêu biểu mà các bài báo này mang đến cho người đọc là tình trạng tồn tại phổ biến của những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thói quen lười biếng và ỷ lại vào nhà nước, lối nghĩ bảo thủ và tình trạng ngu dốt”.
Báo chí chính thống còn như vậy, sao có thể trách được mạng xã hội và những kênh thông tin dạng “truyền mồm” khác?
Có một điều thú vị, đó là hầu hết các dân tộc thiểu số đều có truyền thuyết về sự ra đời của dân tộc mình, mà trong đó, tất cả các dân tộc Việt Nam đều là anh em. Tương tự như truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ đẻ trăm trứng, nở trăm con, chia nhau lên rừng xuống biển khai phá non sông bờ cõi. Những quả trứng, những dân tộc anh em sinh ra bình đẳng, lớn lên bình đẳng, và đóng góp bình đẳng, nhưng với sự hạn chế của nhận thức và truyền thông, đang xót xa buồn, lăn lóc rớt rơi xa lạ nhau.
Đó hẳn nhiên là trách nhiệm của giáo dục và truyền thông, một vấn đề cần đặt ra nghiêm túc và nhân văn, không phải tùy tiện như sáng tác một hoạt cảnh chọc cười.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn