Những chuyện khó tin ở bản Dốc Mây, kỳ 1: Băng rừng theo tiếng hú

Chủ nhật - 25/06/2017 15:33
Bản Dốc Mây (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh - Quảng Bình) được biết đến là nơi xa xôi, hẻo lánh và biệt lập với thế giới bên ngoài.

Bản Dốc Mây nằm giáp với biên giới 2 nước Việt-Lào, tách biệt với bên ngoài, không có đường đi vào. Để đến với bản, chúng tôi phải đi bộ xuyên qua rừng, lội qua suối, vượt qua các dốc đá cheo leo với quãng đường hơn 20km.

Những phóng viên và thành viên thiện nguyện vượt đá gùi hàng vào với Bản Dốc Mây.

Đi bằng ý chí

Vào với người dân Bản Dốc Mây, chúng tôi đã lên kế hoạch cụ thể từng chi tiết nhỏ nhất. Công việc liên hệ với địa phương và Đồn Biên phòng Làng Mô về lịch trình đi vào Bản được sắp xếp đầy đủ. Ngoài việc vào tìm hiểu cuộc sống và văn hóa, con người dân bản, chúng tôi mang theo quà của các tổ chức và cá nhân tặng bà con như sách vở giáo khoa tiểu học, bánh kẹo, quần áo và thuốc men.

Đúng hẹn, chúng tôi xuất phát từ TP Đồng Hới lên xã Trường Sơn (hơn 60km), vào đường Hồ Chí Minh Đông rồi theo đường tỉnh 563 để lên đường Hồ Chí Minh Tây. Từ đây, chạy theo phía Tây-Nam khoảng 20km đến trung tâm xã Trường Sơn.

Đồn Biên phòng Làng Mô sát cạnh UBND xã Trường Sơn, nơi chúng tôi chuyển hàng bằng ô tô lên gửi lại để chuyển vào bản Dốc Mây. Chúng tôi làm các thủ tục đăng ký vào Khu vực biên giới với Đồn Biên phòng xong, trò chuyện với đoàn, đồng chí thiếu tá Đinh Như Triêm-Chính trị viên đồn sơ qua về đặc điểm người dân và cuộc sống của họ cũng như nhiệm vụ của công tác của Đồn.

Bản Dốc Mây không có đường vào, tiến về phía trước theo lối mòn nhỏ.

Thấy trong đoàn chúng tôi có 9 người thì 3 người là nữ, đồng chí chính trị viên ái ngại “vào Bản Dốc Mây không có đường, phải đi bộ xuyên rừng, leo núi đá, trèo dốc cao. Bộ đội biên phòng đi mất 4 giờ, còn các bạn thì đi phải tầm 5 tiếng rưỡi đấy. Phải đi bằng ý chí mới vượt qua được, không thì không vào đến nơi đâu”.

Anh Ngô Thanh Long (PV Báo Quảng Bình) người đã từng 2 lần vào Dốc Mây năm 2009 và 2011 cho biết trên đường đi, chỉ chai nước nhỏ mang theo người cũng không muốn mang nữa, giờ mình mang theo hàng thiện nguyện thì phải chia nhỏ ra từng túi, rồi thay nhau gùi vào.

Mọi vật dụng cá nhân chúng tôi đều gửi lại để giảm trọng lượng mang vác dù nhỏ nhất. Mỗi người chỉ mang ít bánh làm thực phẩm và chai nước nhỏ cùng chiếc điện thoại để ghi lại hình ảnh.

Lãnh đạo Đồn Biên phòng Làng Mô cử thêm 2 đồng chí đi cùng hỗ trợ và dẫn đường cho chúng tôi. “Đường nhưng thực ra là lối men theo, cứ mỗi lần có mưa là lối đi lại thay đổi. Dân bản ít khi đi ra, trừ khi cần thiết lắm họ mới ra trao đổi hàng hóa. Nên đường đi dễ bị lạc, nếu không quan sát kỹ” đồng chí thiếu tá Hồ Tiến Dũng-cán bộ Đội vận động quần chúng cho biết.

Chúng tôi mỗi người mang một ba lô hàng hóa, con trai thì mang thêm gùi hàng sau lưng. Tiếp tục đi xe máy về thôn Long Sơn, từ đây xe máy được gửi lại nhà dân và chúng tôi bắt đầu hành trình đi bộ 20km vào Dốc Mây.

Qua những nương sắn, rừng keo của người dân, chúng tôi vượt qua con suối và những mỏm đá cheo leo dựng đứng. Người dân nhiều chỗ họ bắc những thanh gỗ nhỏ để liên kết các mỏm đá với nhau để đi lại.

Vượt qua những đoạn đá cheo leo.
Hết đá núi lại luồn vào rừng sâu

Đoạn đường đầu tiên là những đồi núi dẫn vào dòng suối Biệt Kích. Suối Biệt Kích là tên địa phương đặt theo sự kiện trong lịch sử chống Mỹ, quân và dân ta đã bắt sống 1 tên và tiêu diệt 1 tên biệt kích Mỹ sống và hoạt động trong hang đá bên dòng suối này.

Đoạn qua dòng suối Biệt kích dài 7-8 km, trong đó có đến 4 km là luồn lách qua những khe đá, trèo lên những tảng đá trùng điệp nối tiếp nhau. Trên đá cứ tìm hướng thuận lợi nhất để đi về phía trước. Dấu chân trên đá bị những trận mưa rừng xóa sạch, tất cả như lần đầu có người đặt chân đến.

Qua Khe biệt kích, chúng tôi đi luồn qua những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, với những cây gỗ to sừng sững nhiều người ôm. Đây là đoạn đường luồn lách trong rừng và chúng tôi phải leo những quả đồi đất dốc dựng đứng.

Những tiếng hú trong rừng

Vừa đi chúng tôi vừa thay đổi các gùi hàng cho nhau để đỡ mệt. Nước mang theo uống hết, lại được lấy từ suối. Những đoạn xa không có suối, đồng chí Dũng thông báo để mọi người lấy nước dự trữ.

Người dân bản Dốc Mây trong một lần ra bên ngoài gùi bàn ghế vào để mở lớp xóa mù chữ.

Đoàn lúc đầu đi còn tương đối gần nhau, sau đó những người mang hàng nặng gắng đi trước để nghỉ chờ các chị em theo sau. Đồng chí Dũng dặn “khi đi không thấy người phía trước hay phía sau tầm 200-300m là phải gọi lên tiếng. Khi không nghe tiếng hú trả lời là phải quay lại chỗ cũ, không được đi tiếp vì sẽ bị lạc xa hơn”.

Bởi vậy dù có tiếng chim muông hót vang rừng, tiếng nước suối rốc rách, thi thoảng lại vang lên những tiếng hú gọi nhau và tiếng hú đáp trả của những thành viên trong đoàn.

Ở nơi rừng sâu, không đường, không sóng điện thoại này, cây cối che tầm nhìn thì tiếng hú gọi nhau là cách liên lạc trong phạm vi ngắn hiệu quả để khỏi lạc nhau. Đây là việc mà bà con đi rừng vẫn sủ dụng như một tín hiệu để thông tin cho nhau” -  Anh Hồ Tiến Dũng chia sẻ.

Khi đoàn ngồi nghỉ, thấy có cái am thờ bằng gỗ nhỏ bên bờ suối, thượng úy Hồ Manh- đội trưởng đội vận động quần chúng kể lại “cái am người dân lập để thắp hương cho ông Hồ Lệ, ngày trước ông Lệ đi ra ngoài bản một mình, nhưng không may bị trượt chân ngã xuống, đầu đập vào đá, bị thương nặng không về được chết ở đây. Mấy ngày sau người nhà đi tìm thấy xác. Nhưng họ phải rốc thịt bỏ lại, chỉ gùi được xương về chôn cất thôi. Mỗi lần đi qua đây, mọi người vẫn gọi vị trí này là mộ ông Lệ”.

Thượng úy Hồ Manh là người Vân Kiều, anh gắn bó với người dân ở đây hơn 3 năm và là một trong những người ra vào Dốc Mây nhiều nhất. Hồ Manh đi đường nhanh hơn, nên chúng tôi bị bỏ lại phía sau. Mỗi lần như thế, Hồ Manh lại cất tiếng gọi để chờ chúng tôi đáp trả. Những lần không nghe tiếng hú trả lời, Hồ Manh phải dừng lại đợi 10-15 phút, nếu không thấy thì Hồ Manh vừa quay lại vừa gọi liên tục để tìm chúng tôi.

"Mộ ông Lệ”, nơi có am thờ ông Lệ-người bị trượt ngã trong một lần đi ra ngoài để mua lương thực, mấy ngày sau người nhà mới đi tìm thấy xác và rốc xương gùi về chôn cất.

Khi đến Dốc Sơn Gù (tên địa phương đặt) chúng tôi ra khỏi lối mòn mò mẫm trong rừng, bởi từ đây vào bản mới có con đường mở dang dở để thi công dự án điện mặt trời cho bản Dốc Mây sắp tới. Đường mới mở bắt đầu từ đường Hồ Chí Minh Tây rẽ vào từ ngoài Bản Rình Rình. Đường công vụ này xa và chỉ có các loại ô tô gầm cao 3 cầu mới vào được. Các phương tiện khác thì không thể qua lại được trên con đường này.

Dốc Sơn Gù là đoạn đường lên và xuống một ngọn đồi lớn và dốc dựng đứng. Chiều dài của con dốc Sơn Gù khoảng 7 km. “Ngày trước chúng tôi phải đi vòng dưới chân quả đồi này để vào Bản, nên xa hơn nhiều. Giờ có đoạn đường công vụ nên rút ngắn được rất nhiều” thiếu tá Dũng cho biết.

Trời mùa hạ nắng như đổ lửa, nhưng mỗi đám mây qua bầy trời cũng làm chúng tôi phải lo lắng “Chúng ta đang đi trong rừng nằm giữa hai dãy núi cao thuộc dãy Trường Sơn. Rừng nơi biên giới này thường có những trận mưa rào trút xuống. Nếu có mưa, suối nước lên nhanh, vắt bọ sẽ ra nhiều, chúng ta sẽ gặp muôn vàn khó khăn” anh Hồ Manh vừa đi vừa trò chuyện.

Không có đường đi, nên việc giao lưu, buôn bán của người dân Bản Dốc Mây với thế giới bên ngoài hầu như rất ít, các cán bộ Biên phòng, các thầy cô giáo cắm bản, hay cán bộ xã mới là những người luồn rừng, vượt đá núi cheo leo nhiều nhất để mang con chữ và văn hóa, pháp luật đến cho bà con.

Còn tiếp kỳ 2: Những chuyện khó tin ở bản Dốc Mây: Bản “Bốn Không” giữa đại ngàn

Theo Thanh Hà Infonet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây