Giây phút anh Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng mắt trực tiếp lấy giác mạc của bé gái 7 tuổi tại nhà riêng của cháu.
Người mẹ trẻ đứng lặng bên giường con, nỗi đau quá lớn như hóa đá, như đông đặc trái tim chị. “Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé”, chị dịu dàng nói rồi khẽ cúi xuống hôn con, cô con gái bé bỏng như thiên thần nhỏ vừa ra đi trên tay chị vì bạo bệnh. Bé đã hiến tặng giác mạc của mình và giờ em đang bình yên trong giấc ngủ vĩnh hằng!
Tôi vừa đọc những dòng chữ này. Chỉ vài dòng giản dị cho một nghĩa cử lớn lao. Bé gái 7 tuổi đẹp đẽ như thiên thần đã đồng ý hiến giác mạc trước giờ lâm chung. Và người mẹ nữa. Một thầy thuốc - người mẹ, đau đớn - mất mát - hy sinh. Từng ngày từng giờ bên con chiến đấu với tật bệnh hiểm nghèo. Và tuyệt vọng khi một ngày nụ cười thiên thần vụt tắt. Đôi mắt ngây thơ trong veo khép lại.
Lá xanh đã rụng. Có lẽ chẳng có nỗi đau nào bằng nỗi đau sinh ly tử biệt, huống chi đó là đứa con mình. Nhưng chị và gia đình đã lựa chọn một cách thức để đôi mắt ấy không mãi khép lại: Tặng lại ánh sáng cho những đứa trẻ khác.
Một việc làm giản dị hơn mọi lời đao to búa lớn. Nghiêng mình là phải thôi. Trước một nghĩa cử. Một sự hy sinh.
Nhưng hôm nay, khi viết những dòng chữ này, tôi vừa tự đặt cho mình một câu hỏi “Nếu như”...
Nếu như chúng ta ở vị trí của cô bé! Nếu như chúng ta là người cha người mẹ!
Rất khó để đồng ý... như thói quen, tập tính, suy nghĩ, tâm lý đang diễn ra trong thực tế, với những lý do cũng không thể phản bác.
Chúng ta nghiêng mình trước nghĩa cử. Nhưng trong những trường hợp cụ thể, lại từ chối để được... nghiêng mình.
Cũng như câu chuyện thời sự là cái tệ đốt vàng mã vậy thôi.
Không biết vì sao! Không rõ thế nào! Thuần túy là đốt tiền đúng nghĩa, chỉ vì từ bé chúng ta nhìn thấy điều đó, chỉ vì những người xung quanh “ai cũng vậy”. Chúng ta lên án “đám đông” xúm xít thắp hương cúng bái một con cá trồi lên rồi lặn xuống, và rồi chiều đó mang tiền đi đốt thậm chí chẳng buồn suy nghĩ.
Mỗi năm, riêng Hà Nội, người dân tốn kém đến 400 tỷ VND cho vàng mã. Ai cũng thấy rất vô lý, rất lãng phí, nhưng rồi ai cũng nghĩ đó là chuyện của.. .hàng xóm, khi thói quen thì không dễ bỏ.
Mỗi điều đẹp đẽ có được nhân lên hay không, những hủ tục, tệ nạn oái oăm vô lý lãng phí có được dần được dẹp bỏ hay không phụ thuộc vào chính chúng ta chứ không phải việc của Phi Châu, không phải chỉ là điều không hay từ hàng xóm.
Theo Lao Động
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn