Thiếu kịch bản chuyên nghiệp, tiếng cười nhạt dần
Tính đến thời điểm này thị trường đĩa hài miền Bắc đã có một số số đĩa hài Tết được ra mắt như: “Đại gia chân đất 2016”, “Làng ế vợ”, “Tiền đồ”, sắp tới là đĩa hài “Chôn nhời 3”, “Trở lại”…
Đa phần các đĩa hài Tết năm nay đều tiếp nối lối khai thác truyền thống đó là những câu chuyện dở khóc dở cười phía sau luỹ tre làng. Dựa trên bối cảnh làng quê nông thôn Việt Nam, các đĩa hài tập trung đi sâu vào khai thác những câu chuyện về thói hám danh - hám lạ của những kẻ “trưởng giả học làm sang” (Đại gia chân đất), hoàn cảnh tréo ngoe của một anh chàng “phi công trẻ” lỡ lái “máy bay bà già” (Làng ế vợ) nhưng không có tiền cưới hỏi nên đành phải trở thành trùm xã hội đen bất đắc dĩ; sự đổi thay đến chóng mặt của một vùng quê trước cơn ảo mộng làm giàu hoặc thói sính lễ nghĩa của những kẻ rởm đời; câu chuyện về những ông quan tham tìm mọi cách vơ vét của công (Chôn nhời 3); hành trình trở lại với cội nguồn, trở về với đúng con người thật của mình để chấp nhận cuộc sống vốn dĩ muôn vàn éo le (Trở lại)...
Ngoại trừ hai đĩa hài “Chôn nhời 3” và “Trở lại” thì các đĩa hài khác có nội dung tương đối nhạt nhẽo và nhảm nhí. Những câu chuyện mà họ đề cập đến không mang tính điển hình cho làng quê hiện nay hoặc tiếng cười được tạo nên mang tính khiên cưỡng. Thêm vào đó, sự lặp đi lặp lại của một cách khai thác duy nhất từ đĩa hài này qua đĩa hài khác tạo nên sự nhàm chán cho người xem.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này chính là sự khan hiếm kịch bản hài được viết nên bởi những tay viết chuyên nghiệp. Vì không có người viết kịch bản các nhà sản xuất buộc phải để đạo diễn phải tự biên tự diễn bằng cách lên một kịch bản khung rồi đắp “da”, đắp “thịt” trong quá trình quay. Sự thiếu chuyên nghiệp này khiến cho các tiểu phẩm hài trở nên chắp vá, vụn vặt và thiếu sự xuyên suốt. Ngoài ra, các tình tiết, câu chuyện, lời thoại… không có sự đầu tư nên không có sự ý nhị, đắt giá.
Đạo diễn Trần Bình Trọng, “cha đẻ” của “Đại gia chân đất” và “Làng ế vợ” chia sẻ, tất cả phim hài Tết do anh làm đạo diễn đều do anh viết kịch bản. Và anh thường làm trong tâm thế “hên xui” như người đi câu cá bởi không thực sự nắm rõ thị hiếu của người xem.
“Nhiều kịch bản viết xong mình thấy ổn nhưng khán giả lại không thích, cái mình đang lo lắng lại được khán giả ủng hộ nhiệt tình. Việc dung hoà giữa yếu tố giải trí với nghệ thuật chân chính là một điều khó”, đạo diễn này nói.
Bản thân đạo diễn Bình Trọng thừa nhận, làm phim hài rất vất vả, có thời gian anh chỉ ngủ được có 3 tiếng…Và điều đáng sợ nhất là khi làm phim xong khán giả không cười. Nguyên nhân của sự lo sợ này chính là vấn đề kịch bản. Vị đạo diễn này cũng bật mí rằng, năm nay, nếu “Đại gia chân đất” và “Làng ế vợ” không được khán giả hưởng ứng, năm sau anh sẽ chuyển hướng kinh doanh.
Tương tự, vị đạo diễn kiêm nhà sản xuất trẻ Phạm Đức Dũng, “cha đẻ” của “Khóc hay cười” (2015) và “Tiền đồ” (2016) cũng thừa nhận làm hài Tết khó nhất là khâu kịch bản. Vở hài sẽ thành công tới 80% nếu có kịch bản tốt và diễn viên có nghề, khâu còn lại là phần dàn dựng. Tuy nhiên, “đào” đâu ra được kịch bản hay lại không dễ và đó là lý do các nhà sản xuất buộc phải “nhắm mắt đưa chân” bằng việc sử dụng kịch bản mà mình viết ra để dựng phim dù biết tiếng cười có thể chưa tới.
Bản thân nghệ sĩ hài Vượng râu cũng chia sẻ, 10 năm nay, đều đặn mỗi năm anh làm từ 1-2 đĩa hài để phục vụ khán giả mỗi khi xuân về. Tuy nhiên, để có một kịch bản ưng ý cho tiểu phẩm hài khó như “đãi cát tìm vàng”. Chính vì thế nên năm nayanh quyết định “đổi món” với chương trình ca nhạc “Tết Vạn lộc – Cười để yêu thương”.
Tích xưa, chuyện nay… chưa bao giờ lỗ vốn
Nhiều năm nay, đạo diễn Phạm Đông Hồng vẫn trung thành với lối khai thác tiểu phẩm hài trên cơ sở tái hiện lại những câu chuyện dân gian để truyền tải những thông điệp mang tính thời sự. Serie tiểu phẩm hài “Quan trường – Trường quan”, “Chôn nhời” không chỉ mang tính độc quyền thương hiệu của cá nhân vị đạo diễn này mà còn được đánh giá cao trong làng hài miền Bắc. Thực tế là cho đến nay chưa có đĩa hài nào “qua mặt” được những đĩa hài mang tính “tập cổ” này. Bằng chứng là không chỉ luôn dẫn đầu doanh thu trong số các đĩa hài Tết, các đĩa hài này có lượng phát hành khá lớn kèm lượt xem rất cao trên mạng. Tiểu phẩm “Chôn nhời” sau 15 ngày đăng tải trên Youtube đã có 4,1 lượt xem, “Quan trường – Trường Quan (Xuân Bắc, Tự Long đóng) thì đạt 4,6 triệu lượt xem.
Tiếng cười trong các tiểu phẩm của Phạm Đông Hồng có sự thâm thuý, đắng chát và thấm thía. Mỗi lời thoại, mỗi tình tiết, mỗi bối cảnh… đều có sự đầu tư chất xám rõ nét và mang thông điệp rõ ràng.
Năm nay, Phạm Đông Hồng tiếp tục làm 2 tiểu phẩm hài “Chôn nhời 3” và “Trở lại”. “Chôn nhời 3” tiếp nối câu chuyện đầy tính hài hước trong cửa nhà quan tri phủ (Phạm Bằng – Minh Hằng), vợ chồng quan huyện Bợm (Quang Thắng – Kim Oanh), Lý trưởng (Quốc Anh) và Thầy lang (Hiệp gà). Chuyện kể về quan huyện Bợm, chỉ vì cực chẳng đã phải bỏ ra 2 đồng mua quần mới cho thằng hầu, cộng thêm trận mưa bão làm gãy mấy cành cây nên nảy “sáng kiến” cho chặt hết cây xanh hai bên tuyến đường huyện để vơ vét tiền bạc chia nhau. Gã Lý trưởng lâu nay bị huyện Bợm chèn ép vốn đã sẵn mối thâm thù bằng cách cho chặt thẳng thừng hàng cây xanh trước dinh thự quan tri phủ. Ngoài ra, đĩa hài còn đề cập đến thủ đoạn làm ăn chộp giật, trồng rau bẩn cung cấp cho khách hàng khiến họ mắc bệnh tiêu chảy để dễ bề hành nghề và bán thuốc của gã thầy lang rởm vô lương tâm... Những tình huống khôi hài vừa mang lại tiếng cười sảng khoái vừa xoáy vào những tiêu cực trong xã hội.
Đĩa “Trở lại” có sự góp mặt của NSND Hồng Vân, NSND Trung Hiếu, NSND Tiến Đạt, NSƯT Thu Hạnh, Văn Lượng, Giang Còi... và hai gương mặt trẻ đang nổi trong giới showbiz là DJ Trang Moon và hot girl Linh Miu. Đĩa hài cũng được xây dựng trên bối cảnh quan trường cổ xưa. Nội dung đề cập đến hành trình trở lại với thực tại cuộc sống của chính mình bằng những câu chuyện hài hước khi bị lộn về thời quá khứ, khi bị lệch sang “quỹ đạo” tương lai của một ông quan trẻ…
Lý giải vì sao nhiều năm qua vẫn trung thành với một kiểu làm đĩa hài Tết, đạo diễn Phạm Đông Hồng cho rằng, anh không thích bị “đụng hàng”. Theo vị đạo diễn này thì người dân Việt 70% xuất phát từ nông thôn và không có cái gì bằng ngày Tết cả nhà quây quần bên mâm cơm để thưởng thức những sản phẩm văn hóa tinh thần gắn liền với văn hóa thuần Việt. Đó là lý do những đĩa hài dân gian trong các dịp Tết Nguyên đán gần gũi và ưa chuộng nhất. Tuy nhiên, nếu cứ bệ nguyên những chuyện dân gian vào thì không có gì mới cả nên trong những tích dân gian đạo diễn phải tìm cách đưa những hơi thở của cuộc sống hiện đại vào nghĩa là lấy chuyện xưa nói chuyện nay.
Theo vị đạo diễn này, cách làm của anh không mới và nhiều người đã biết đến điều đó từ rất lâu nhưng không phải ai biết cũng có thể làm được. Với cách làm hài Tết kiểu này, Phạm Đông Hồng chưa bao giờ phải lo lắng về doanh thu sau khi đĩa phát hành. Và đó là lý do anh chắc nịch rằng sẽ tiếp tục “chung tình” với các đĩa hài dạng như “Quan trường – Trường quan” và “Chôn nhời” trong tương lai.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn