Hoa hướng dương tại Nghĩa Đàn là hoa của một doanh nghiệp, dùng để làm thức ăn cho bò, có tính chất thực dụng, thiếu tinh tế. (ảnh: nguồn internet)
Tại cuộc họp UBND tỉnh Nghệ An chiều 25/5/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường khẳng định việc tổ chức Ngày hội hoa hướng dương là một ý tưởng hay và cần thiết để thu hút du khách đến thưởng ngoạn vẻ đẹp miền Tây Nghệ An.
Dư luận đồ rằng, ý kiến trên của ông Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An bắt nguồn từ thực tế là một vài năm trở lại đây, vào mỗi mùa hoa hướng dương, các ngả đường đến xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) lại chật cứng vì dòng người đổ về xem hoa, chụp ảnh “tự sướng”.
Do đó, một số cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã đề xuất ý tưởng tổ chức Lễ hội Hoa hướng dương, nhưng sau đó thấy không ổn, vì “lễ” ở đây chả biết làm gì cả, nên đổi thành “Ngày hội”.
Ý tưởng đã được bàn thảo, được UBND tỉnh Nghệ An chuẩn y và giao Sở VHTTDL chủ trì xây dựng Đề án.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến không đồng tình, phản đối việc UBND tỉnh Nghệ An đứng ra tổ chức Ngày hội Hoa hướng dương như trên.
Một nhà nghiên cứu văn hóa trao đổi: “Tôi không đồng tình với việc tổ chức Ngày hội hoa hướng dương. Ngày hội này tổ chức, thì đối tượng hưởng lợi nhiều nhất là doanh nghiệp TH. Họ được quảng bá thương hiệu miễn phí. Bởi vì hoa hướng dương là do họ trồng làm thức ăn cho bò. Lễ hội này liệu có tính bền vững không, khi mà sau này, khi vì lí do gì đấy họ không nuôi bò nữa, họ không trồng hoa nữa thì lấy gì mà tổ chức?”.
Vị này cũng không đồng ý việc tỉnh đứng ra chủ trì vì nó sẽ tốn kém ngân sách trong điều kiện khó khăn hiện nay. “Nếu doanh nghiệp muốn, cứ cho họ đứng ra tổ chức; chứ tạo ra một “lễ hội biển xanh” (có nhiều xe công tham dự) là không hay”.
Mặt khác, hoa hướng dương không phải là hoa bản địa, không gắn bó sâu sắc với đời sống, truyền thống văn hóa của người Việt nói chung và nhân dân xứ Nghệ nói riêng. Trong khi đó, tại Nghệ An có hoa sen là biểu tượng cho tinh thần, khí chất, bản sắc văn hóa của dân tộc, của xứ Nghệ, gắn liền với Kim Liên – Làng Sen, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại chưa được tỉnh quan tâm xây dựng thành Lễ hội.
Đã có nhiều lễ hội hoa được tổ chức ở các địa phương, với hình tượng hoa là biểu tượng của cái đẹp, của truyền thống văn hóa, bản sắc, khí chất của con người, thiên nhiên các địa phương như Lễ hội hoa ban ở Điện Biên, Lễ hội hoa anh đào, hoa tử đằng Nhật Bản, Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội Hoa hồng Portland (Mỹ), Lễ hội hoa đăng Thái Lan … Các loài hoa này đều là hoa sử dụng để trang trí, dành tặng cho nhau…Các lễ hội này đều có lịch sử lâu đời, có ý nghĩa văn hóa, nhân văn sâu sắc, với nhiều chuỗi hoạt động hấp dẫn.
Ngoài ra, có nhiều lễ hội thực vật, trái cây như lễ hội cà chua, bí đỏ, cà phê, khoai tây…do người dân tổ chức, có tính chất vui vẻ, nhằm tạo ra sự kiện để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…
Trong khi đó, hoa hướng dương tại Nghĩa Đàn là hoa của một doanh nghiệp, dùng để làm thức ăn cho bò, có tính chất thực dụng, thiếu tinh tế.
Những người tổ chức nghĩ rằng Ngày hội sẽ thành công dựa vào lượng người đông đảo đến Nghĩa Đàn vào mùa hoa nở thời gian qua. Nhưng thực chất họ chỉ đến trong thời gian ngắn, chụp ảnh, ngắm cảnh rồi về. Vì quanh đi quẩn lại, chỉ có một loài hoa, xung quanh đâu cũng giống nhau, rất đơn điệu.
Chỉ có doanh nghiệp TH là được quảng bá miễn phí; vì mỗi người dân đến đó là đến với trang trại bò sữa, với thương hiệu sữa TH. Từ đó, sức lan tỏa của thương hiệu lớn dần, và thúc đẩy người dân sử dụng các sản phẩm của doanh nghiệp. Không có một hình thức quảng cáo nào có tác động mạnh mẽ như việc người dân đến thăm cánh đồng hoa (thức ăn cho bò sữa), và sẽ nhân lên nhiều lần với việc tổ chức Ngày hội Hoa, với sự vào cuộc rầm rộ của chính quyền, doanh nghiệp, giới truyền thông, thu hút giới trẻ, những người hiếu kỳ.
Hiện, tỉnh Nghệ An đang tổ chức thí điểm chương trình “Sữa học đường” tại một số địa phương và doanh nghiệp TH được chọn để thực hiện. Các học sinh chỉ có lựa chọn duy nhất sữa TH.
Theo Hà Vy - Quốc Hoàn Tamnhin.net
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn