Dĩ nhiên cả Chính phủ và đơn vị chịu trách nhiệm về hệ thống ngân hàng là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hết sức nỗ lực dồn vốn ra thị trường. NHNN vừa có văn bản số 5342/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong các giải pháp được đề cập, thậm chí, NHNN còn nêu rõ, cần tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, đơn giản hóa thủ tục cho vay, cơ cấu lại các khoản vay vốn có lãi suất cao trước đây. Đó là tình hình chung. Nhưng vấn đề được đa số nhân dân quan tâm là khả năng cho vay dân sinh, cho vay tiêu dùng của các ngân hàng như thế nào? Làm sao có thể giải thoát được “gông cùm” của tín dụng đen đang thít hầu, bóp cổ những người đang có nhu cầu vay “nóng” để giải quyết khó khăn trước mắt, hoặc để làm vốn kinh doanh nhỏ lẻ. Tưởng ngân hàng thừa vốn, vay vốn ngân hàng dễ, nhưng thật ra, để có đồng tiền vay từ ngân hàng cũng không hề đơn giản.
Vay tiền ngân hàng không dễ dàng
Mặc dù nhiều ngân hàng công bố dành những khoản tiền khổng lồ cho vay tiêu dùng, các tờ rơi, áp phích dán đầy các gốc cây, cột điện quảng cáo cho những địa chỉ vay vốn, có hoặc không có thế chấp, nhưng để vay vốn ngân hàng không hề dễ dàng. Nguyên nhân đầu tiên là không có tài sản thế chấp đúng yêu cầu của ngân hàng, nguyên nhân thứ hai là không thể chứng minh được khả năng trả nợ theo đúng quy định của ngân hàng. Không thể yêu cầu một người buôn bán lẻ chứng minh được thu nhập đảm bảo đủ khả năng trả nợ, thứ ba, thứ tư, thứ năm... là những thủ tục không thể vượt qua, chưa kể có vượt qua được thì thời gian để cầm được tiền vào tay cũng quá lâu.
Tuy nhiên nếu tìm đến một công ty tài chính, ngược với tất cả những khó khăn của ngân hàng là một sự dễ dàng đến kinh ngạc. Ai cũng có thể vay từ các công ty tài chính hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mà không cần thế chấp, thủ tục đơn giản và gần như cầm tiền trong ngày. Nhưng không thể coi đó là điều mừng được, nếu xem bảng giá lãi suất tiền vay của các công ty tài chính. Trong khi lãi suất tiền gửi đang xung quanh 5%/năm thì lãi suất vay từ các công ty tài chính tối thiểu là 25%/năm và cao nhất nếu không có tài sản thế chấp có thể lên đến 60%/năm. Có thể nói không kém tín dụng đen. Và nếu với tín dụng đen, hầu hết người vay khi có khó khăn không trả nợ đúng hạn, sẽ phải đối phó với nhóm đòi nợ giang hồ gồm toàn những côn đồ. Đối với nhiều công ty tài chính, các con nợ không chỉ phải đối phó với sự đòi nợ gắt gao của các nhân viên đòi nợ hung hãn không kém giang hồ mà còn đối mặt với pháp luật.
Vậy là Chỉ thị về việc đẩy mạnh cho vay không có tài sản đảm bảo chỉ để áp dụng với các doanh nghiệp, chưa đến với các khoản vay dân sinh, vay tiêu dùng.
Ngân hàng cũng đầy rẫy khó khăn
Tín dụng tiêu dùng là hình thức cung cấp tín dụng cho cá nhân thông qua nghiệp vụ cho vay mua trả góp, phát hành thẻ tín dụng và cho vay bằng tiền, trong đó số tiền vay được sử dụng vào việc thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt hay tiêu dùng như mua sắm đồ đạc gia dụng, nhà cửa, phương tiện đi lại. Tại Việt Nam hiện nay, tín dụng tiêu dùng mới chiếm khoảng 7% tổng dư nợ nền kinh tế (tương đương khoảng 7 tỷ USD), một con số quá nhỏ bé. Trong khi đó, nhu cầu vay tiêu dùng hiện nay ước tính có thể lên đến khoảng 15% tổng dư nợ, tương đương khoảng 15 tỷ USD. Tuy nhiên, thị phần béo bở này không rơi vào các ngân hàng bởi những quy định ngặt nghèo của NHNN với các khoản vay và bởi điều lệ của các ngân hàng thương mại không cho phép. Thêm nữa, với tỉ lệ nợ xấu quá cao, các ngân hàng e ngại với những khoản vay có khả năng rủi ro cao.
Vì vậy, các khoản vay không có tài sản đảm bảo, các khoản vay mà phương án trả nợ không được bảo chứng, có thể nói chắc chắn: Không vay được tiền ở ngân hàng. Nhưng ở các công ty tài chính thì thoải mái. Mặc dù, nợ xấu của các công ty tài chính cũng không hề thấp, thậm chí “khủng” không kém các ngân hàng, trong khi đó hệ số an toàn ở các công ty này lại quá thấp. Theo số liệu của NHNN, đến tháng 1-2014, hệ số an toàn (CAR) của khối công ty tài chính và cho thuê tài chính là bi bét nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng, với 5,52%, thấp hơn rất nhiều so với mức quy định (tối thiểu phải 9%). Còn số liệu của NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, đến cuối năm 2013, nợ xấu của khối công ty tài chính tại địa phương này lên tới 21,96%.
Nhưng tại sao các công ty tài chính này “sống” và phát triển cả về số lượng lẫn quy mô (?) - Chính là nhờ thả nổi lãi suất cho vay và thiếu các biện pháp quy định trích lập rủi ro. Rất nhiều các con nợ của các công ty tài chính số trả lãi đã vượt xa nợ gốc vài lần mà số nợ gốc vẫn còn nguyên, có khi trở thành nợ xấu (!) Chính vì vậy, để có thể đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, các ngân hàng đành thực hiện một thủ thuật tinh vi: Mua lại và lập hàng loạt các công ty tài chính. Đã có một “phong trào” ngân hàng thâu tóm, thành lập công ty tài chính để mở hướng cho vay tiêu dùng.
Tuy nhiên, cho vay tiêu dùng qua kênh công ty tài chính, các ngân hàng cũng phải chấp nhận những khó khăn từ lối kinh doanh thiếu sòng phẳng, thậm chí thiếu đạo đức và cũng đầy rẫy hiểm nguy. Và nếu công ty tài chính thuộc sở hữu của ngân hàng hay có tên ngân hàng trong thành phần chủ sở hữu, rất có thể những hoạt động cho vay lãi suất cao sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu của ngân hàng.
Những bài học cay đắng
Nhiều khách hàng thường chỉ mong vay được tiền càng nhanh càng tốt mà không để tâm các điều khoản trong hợp đồng. Anh Nguyễn Phúc (Q.5, TP.HCM), mua xe máy Liberty trả góp qua một công ty tài chính cho biết: “Muốn mua xe quá nên mình cũng chỉ chăm chăm để nhanh được mua và cứ tính ra trả góp mỗi tháng không nhiều. Sau khi tính lại mới thấy lãi suất cũng phải gần 50%/năm”. Nhiều trường hợp, nhân viên tư vấn lãi suất một đằng nhưng số tiền phải trả lại một nẻo, cao hơn rất nhiều. Vài ngày sau khi giải ngân xong, khách hàng mới nhận bản hợp đồng chi tiết và tá hỏa vì lãi suất tới hơn 60-70% một năm. Vì vậy, người vay phải biết chắc các điều khoản hợp đồng, kiểm tra tất cả các bản hợp đồng trước khi ký.
Ngoài ra, những bài học cần thiết cho người đi vay tiền bắt buộc, nếu không muốn lụn bại vì những khoản vay là: Kiểm tra ngân sách của mình trước khi vay, xem có đủ khả năng trả nợ không. Nếu không thì “nhịn” tiêu còn hơn đeo nợ vào người. Hỏi kỹ về bảo hiểm, các chi phí phát sinh và chỉ chấp nhận những khoản chi phí hợp lý. Và hãy nhớ: Chỉ đi vay khi không còn cách nào khác.
Theo Phan Đức/ANTĐ