"Nếu tiếp tục dạy học tiếng Anh như hiện nay thì rất tai hại"

Thứ tư - 02/05/2018 02:06
Đó là nhận định của Đỗ Nam Khánh, Bí thư Đoàn Trường ĐH Y Hà Nội tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề "Thanh niên thủ đô với học tập, việc làm và khởi nghiệp" diễn ra hôm qua 19/3.

Đỗ Nam Khánh, Bí thư Đoàn Trường ĐH Y Hà Nội. Ảnh: Lê Văn.

Giảng viên ĐH Y Hà Nội cho biết, đã làm khảo sát đối với các sinh viên (SV) có điểm đầu vào trên 27 thì thấy trên 75% các em không có khả năng giao tiếp với người nước ngoài. 80% các em không có khả năng viết một đoạn văn ngắn trong khoảng 250 từ bằng tiếng Anh.

Dẫn lại lời của GS Ngô Bảo Châu rằng, bất cập lớn nhất trong giáo dục tiếng Anh của Việt Nam là khoảng cách lớn giữa SV nông thôn và thành thị, Đỗ Nam Khánh nhận định, việc triển khai đề án ngoại ngữ 9.000 tỉ không hiệu quả càng làm bất cập này lớn hơn.

Cùng quan điểm, Hoàng Đình Quang, cựu SV Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, trình độ tiếng Anh của học sinh, SV Việt Nam chưa tốt là do trình độ giáo viên còn thấp.

Quang phân tích, giáo viên phát âm còn chưa chuẩn thì không thể dạy học sinh cấp 1, cấp 2, cấp 3. Các em học sinh không được dạy kiến thức chuẩn thì sau đó có học 10-20 năm cũng không thể giỏi tiếng Anh được.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong phần chia sẻ của mình cũng thừa nhận việc học tiếng Anh ở Việt Nam đang có vấn đề. "Vấn đề thứ nhất là giáo trình, thứ hai là chất lượng giáo viên và thứ ba là ở cách học".

Ông Chung cho biết, ở Australia, muốn lấy bằng tú tài (tốt nghiệp THPT) quốc tế, học sinh ngoài học bằng tiếng Anh phải học ít nhất 2 ngoại ngữ khác, một ngoại ngữ châu Âu và một ngoại ngữ châu Á. Do đó, sau khi tốt nghiệp lớp 12, mỗi học sinh phải có ít nhất 3 ngoại ngữ.

Ông Phạm Quang Thanh, Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội, thuộc đoàn đại biểu quốc hội Hà Nội chia sẻ việc học ngoại ngữ trong trường ĐH không có tác dụng gì cả. Ông Thanh khuyên SV nên tìm cách học chủ động và không cần quá chú trọng vào hình thức màu mè mà phải hiệu quả, "không phải nói giống tây mà làm sao nói cho Tây hiểu được mình nói gì".

80% kiến thức học trong trường ĐH không dùng được

Cho rằng SV hiện nay thiếu kỹ năng thực hành xã hội do chỉ được dạy lý thuyết ở trường, Nguyễn Tú Linh, SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phải thay đổi chương trình để SV được thực hành nhiều hơn.

Linh cũng kiến nghị TP Hà Nội cho những SV 5 tốt vào thực tập tại các ban, ngành của TP và sau đó nếu cần thì tuyển dụng các SV này. "Khi đó, các bạn SV này đều được thực hành rồi nên có thể bắt tay vào việc luôn".

Ông Nguyễn Đức Chung trao đổi tại buổi tiếp xúc với cử tri là SV, thanh niên thủ đô. Ảnh: Lê Văn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, những năm tháng học tại trường sẽ tạo cho SV nền tảng lý luận để sau này làm việc, do đó không thể nói là xa rời thực tiễn được.

Để áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cần phải tăng cường tìm hiểu những gì đang diễn ra xung quanh mình, tự học thêm, đọc thêm thì đến khi tốt nghiệp mới đủ lông đủ cánh để hòa nhập thực tiễn.

Đồng tình với ông Chung, ông Phạm Quang Thanh chia sẻ, việc đào tạo trong trường tạo ra nền tảng kiến thức, tư duy để SV sử dụng như một công cụ ứng dụng thực tế.

"Phải nói thật là khoảng 80% kiến thức trong trường ra ngoài không áp dụng được. Đó là làm đúng ngành đúng nghề còn không thì 100% không dùng được".

Với tư cách là cựu SV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và là người đứng đầu một doanh nghiệp, ông Thanh khuyên SV không nên đặt nặng bằng cấp, quan trọng là hứng thú cái gì thì học cho sâu.

Ông Thanh cũng khuyên SV trong thời gian tại trường ĐH nên ra nước ngoài một lần, dù chỉ vài ba ngày nhưng sẽ làm thay đổi thế giới quan của các bạn. Bên cạnh đó, SV cần tập thói quen đọc sách để tích lũy kiến thức. "Mỗi lần đọc là khôn ra một tí. Kiến thức chưa dùng hôm nay hôm sau dùng" - ông Thanh nói.

Theo Lê Văn Vietnamnet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây