Mức thuế 8.000 đồng/lít xăng đâu chỉ để bảo vệ môi trường

Thứ ba - 06/06/2017 21:46
Một quan chức Bộ Tài chính cho biết, tăng khung thuế môi trường cho xăng dầu sẽ khiến Nhà nước chủ động hơn trong điều hành giá bán phù hợp với thực tế thị trường và giúp tăng thu ngân sách mạnh mẽ... Vậy là mục tiêu tăng thuế môi trường trong xăng dầu không phải để... trực tiếp bảo vệ môi trường.
Bản tin thời sự sáng với những thông tin nóng hổi khiến cho cốc cà phê sữa đá của tôi bớt thơm ngon: Giá xăng có thể tăng thêm tới 8.000 đồng/lít. Điện không thể giữ mãi mức giá thấp như hiện nay. Đường xây một nơi, nhưng thu phí một nẻo để nhanh hoàn vốn… toàn những thứ tâm tư.

Lo nhất là giá xăng. Ông quan chức Bộ Tài chính nói rất rành mạch rằng mức thuế môi trường đánh vào xăng dầu phải tăng từ 3.000 đồng lên tới 8.000 đồng bởi giá xăng Việt Nam vẫn đang thấp hơn... 136 nước trên thế giới. Xăng dầu lại còn có tội là gây ô nhiễm môi trường. Vậy là phải tăng thuế môi trường trong giá bán.

Nhưng tăng giá để làm gì?

Vẫn theo giải thích của quan chức Bộ, xăng cần tăng giá để bù đắp khoản thu ngân sách bị hụt khi nước ta phải giảm nhiều sắc thuế theo cam kết hội nhập quốc tế. Tiền tăng giá bán chi cho bảo vệ môi trường ít thôi, còn phải chi cho các khoản khác nữa.

Tôi lẩn thẩn nghĩ: Hội nhập quốc tế, giá xăng tăng, môi trường vẫn ô nhiễm... Niềm vui, nếu chăng, sẽ là có ít xe chạy ngoài đường hơn.

Xăng dầu là hàng hóa đặc biệt, được tiêu thụ nhiều và có tác động to lớn đến toàn nền kinh tế. Tăng khung thuế môi trường cho xăng dầu sẽ khiến Nhà nước chủ động hơn trong điều hành giá bán phù hợp với thực tế thị trường và giúp tăng thu ngân sách mạnh mẽ... quan chức này cho biết.

Vậy là mục tiêu tăng thuế môi trường trong xăng dầu không phải để... trực tiếp bảo vệ môi trường. Năm 2015, tổng thu từ thuế bảo vệ môi trường là 27.970 tỉ đồng, tổng chi là 11.400 tỉ. Năm 2016, tổng thu là 42.393 tỉ đồng, tổng chi là 12.290 tỉ đồng. Một khoản tiền lớn không dùng bảo vệ môi trường đã được bổ sung vào ngân sách. Số tiền này được dùng ra sao lại là môt câu chuyện khác.

Trong khi nêu rất rõ qua điểm tăng khung thuế để tăng thu ngân sách, Bộ Tài chính lại không đả động gì đến đánh giá tác động tiêu cực tới xã hội, người dân và doanh nghiệp khi giá xăng dầu có thể tăng vọt. Hiện tại, các loại thuế, phí đã chiếm tới 50% cơ cấu giá thành mỗi lít xăng. 

Các con số của Tổng cục Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp (DN) “chết” trong quý 1/2017 lên đến gần 24.000 đơn vị, xấp xỉ số DN thành lập mới là 26.478 đơn vị. Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vào thời điểm này chắc chắn “sức khỏe” của nhiều DN sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu giá xăng tăng, giá hàng hóa, dịch vụ chắc chắn tăng. 

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa hàng nội với hàng ngoại hiện nay, tăng giá cũng đồng nghĩa với thua cuộc. Hằng ngày, chúng ta vẫn chứng kiến hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... chất lượng tốt, giá mềm làm mưa làm gió tại thị trường nội địa. Hàng Việt giá cao, liệu có chỗ đứng?

Dù Bộ Tài chính đang cố trấn an dư luận bằng cách nhấn mạnh đây mới chỉ là đề xuất, và 8.000 đồng/1 lít xăng thuế bảo vệ môi trường cũng không có nghĩa là được tính kịch khung vào giá xăng, bởi nó được tính toán cho một lộ trình dài, nhưng dư luận vẫn hết sức lo ngại. Xăng dầu đang chiếm từ 22%-25% chi phí đầu vào cho giá hàng hóa nên hệ lụy tăng giá xăng là rất lớn.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn, xe vẫn đi và xăng vẫn phải mua. Và như thế, nỗi lo giá xăng tăng của tôi cũng như bao người dân khác vẫn sẽ luôn hiện hữu.                              

  

Theo Quang Sáng khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây