Đổi mới giáo dục và câu chuyện bỏ biên chế ngành giáo vẫn đang làm nóng dư luận những ngày qua. Có nhiều ý kiến cho rằng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục trước hết phải tăng lương cho giáo viên. Khi nào giáo viên còn phải làm thêm nghề khác để kiếm sống thì lúc ấy chưa nói chuyện đổi mới giáo dục, nhất là với giáo viên tiểu học.
Liên quan đến vấn đề này, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cũng đã từng nêu quan điểm nhất định phải tăng lương cho giáo viên. Giải cứu dưa hấu cho người nông dân là cần thiết nhưng quan trọng hơn cả là cần "giải cứu giáo viên". Bởi lẽ, giáo viên chính là lực lượng xung kích thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giải pháp giải cứu mà TS Lê Trường Tùng đưa ra là mỗi học sinh tiểu học đóng góp 100 nghìn đồng/tháng, tạm gọi là vào Quỹ Giải cứu Giáo viên tiểu học, hoặc Quỹ Khuyến dạy. Số tiền này, sẽ dành toàn bộ để bổ sung cho thu nhập giáo viên.
Đề xuất này của TS Lê Trường Tùng đang vấp phải những phản đối gay gắt từ dư luận. Nhiều người cho rằng, có thể giải cứu dưa hấu, giải cứu lợn nhưng tại sao phải giải cứu giáo viên trong khi giáo viên là những người kiến thức uyên thâm. Việc "giải cứu giáo viên" sẽ hạ thấp đi sự cao quý của nghề trồng người này.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay: “Đó là một đề xuất phi lý và không thể thực hiện được. Tôi tin rằng, nếu đưa ra đề xuất đó thì nhiều phụ huynh sẽ phản đối và tôi cũng vậy.
PGS Văn Như Cương phản đối đề xuất "giải cứu giáo viên" |
Phụ huynh đã đóng thuế, đóng học phí để đảm bảo quyền lợi học tập cho con mình. Giờ lại đưa ra ý kiến yêu cầu phụ huynh đóng 100 nghìn đồng/tháng để tăng lương cho giáo viên là không chấp nhận được. Việc đảm bảo cho giáo viên có thể sống bằng lương của mình là việc cần làm nhưng đó là trách nhiệm của Nhà nước.
Đó là chưa kể, nhiều nước nghèo như nước Cu Ba họ còn miễn phí toàn bộ học phí từ tiểu học đến đại học, rồi miễn phí sách giáo khoa cho học sinh. Nước chúng ta, phụ huynh đã phải đóng nhiều khoản rồi, giờ không thể thêm khoản 100 nghìn đồng để "giải cứu giáo viên tiểu học" được.
Đó là chưa kể, học sinh vùng sâu, vùng xa, cơm còn chưa đủ ăn chứ nói gì đến việc góp tiền để giải cứu giáo viên. Trong khi, giáo viên là nghề cao quý không thể giống như giải cứu dưa hấu được”.
Nói về biện pháp để có thể tăng lương cho giáo viên, PGS.TS Văn Như Cương cho hay: “Chỉ còn cách giảm số lượng biên chế đi, chỉ tuyển những người đảm bảo năng suất lao động theo quy định chứ nhất định không để “cây tầm gửi” bám vào biên chế gây ảnh hưởng đến người có năng lực.
Hơn nữa, ngay cả bộ phận phi giáo dục trong nhà trường như: Bảo vệ, lao công, y tế, kế toán, văn phòng cũng phải giảm biên chế để số lương đó chia cho những người đứng lớp thực sự”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn - giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh – TP. HCM) cho hay: “Trước tiên, cho tôi gửi lời cảm ơn đến TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT vì đã có những quan tâm đến đội ngũ giáo viên phổ thông, đặc biệt là giáo viên tiểu học.
Tuy nhiên, cá nhân tôi không đồng tình việc lập quỹ để “giải cứu giáo viên như giải cứu dưa hấu, giải cứu lợn”. Điều này đã làm tổn thương không nhỏ đến giáo viên nói chung và giáo viên tiểu học nói riêng. Điều này, phần nào cũng xem giáo viên tiểu học như là một “món hàng” cần đến sự giúp đỡ, giải cứu của mọi người.
Việc TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT đề xuất lập quỹ “giải cứu giáo viên” là hoàn toàn không thể thực hiện được.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn - giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh – TP. HCM) |
Thứ nhất là cấp tiểu học, học sinh đi học không phải đóng bất kì một khoản học phí nào ngoài các khoản bắt buộc các em phải tham gia như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn… Vậy việc thu mỗi học sinh 100 nghìn đồng/học sinh là sai quy định theo Quyết định 186/QĐ-TTg ngày 10.02.2017 của Thủ tướng, tiểu học là khối giáo dục phổ cập bắt buộc, và nhà nước "đảm bảo toàn bộ chi phí cho các hoạt động dạy học các môn học bắt buộc và tự chọn trong chương trình".
Thứ hai việc thu mỗi học sinh 100 nghìn đồng thì tiền đó cũng do chính cha mẹ các em phải đóng góp, chắt chiu mới có. Đa số phụ huynh đều là dân lao động thì việc phụ huynh đóng góp để “giải cứu”, “nuôi sống”, “phục vụ” cho giáo viên liệu có “hợp lòng dân” hay không?
Thứ ba, bản thân tôi cũng đã từng chứng kiến hình ảnh những em học sinh đi học chỉ có 1 -2 bộ quần áo đồng phục và mặc thay đổi vào mỗi ngày đến lớp. Có em đi học cũng không được ăn sáng. Cứ mỗi đầu năm học, nhà trường, hội cha mẹ học sinh đều nhận được rất nhiều những lá đơn xác nhận gia đình khó khăn,… cơm còn chưa có ăn, lấy đâu đóng tiền để “giải cứu cho giáo viên”?
Thứ tư, khi giáo viên nhận những đồng tiền từ học sinh, từ cha mẹ các em, liệu giáo viên có “vui vẻ” hay không khi cầm những đồng tiền từ mồ hôi nước mắt của chính cha mẹ các em?
Khi nhận những đồng tiền ấy, bản thân giáo viên đã tự hạ thấp danh dự, uy tín của mình. Và chắc chắn, giáo viên sẽ không thể không nhận những lời “chì chiết, nhiếc mắng” từ phía phụ huynh, từ phía xã hội.
Hình ảnh những giáo viên ngày đêm “cắm bản” nhiều khi phải san sẻ bát mì tôm, cái áo ấm cho học sinh. Hình ảnh những giáo viên ngày đêm đi vận động các em ra lớp để học chữ chắc có lẽ chúng ta không thể nào quên thì liệu “Quỹ Giải cứu Giáo viên Tiểu học, hoặc Quỹ Khuyến dạy” liệu có khả thi?
Theo tôi, giáo viên cũng là một con người, cũng sinh sống, cũng phải chăm lo cho bản thân, lo cho gia đình, lo cho con cái… Nhưng chúng tôi cũng không vì “miếng cơm manh áo”, “vì đồng tiền” mà tự đi hạ thấp danh dự để kêu gọi mọi người phải thực hiện chiến dịch “giải cứu như giải cứu dưa hấu, giải cứu lợn”.
Điều chúng tôi cần là các cấp có thẩm quyền xem xét và đánh giá đúng năng lực của giáo viên để mỗi giáo viên có thể “sống được bằng chính đồng lương”, sống được bằng chính công sức mà bản thân giáo viên phải bỏ ra trong quá trình giảng dạy và công tác”.