Để hiểu điều gì khiến cô giáo My có thể mất mạng chỉ vì đi mổ nội soi ruột thừa, một thủ thuật y tế rất đơn giản, thông thường, PV báo ĐS&PL đã về Hải Dương tìm hiểu vụ việc.
Bệnh nhân mổ nội soi ruột thừa Nguyễn Thị My bên giường cấp cứu
Hơn một tuần chăm chị My trong BVĐKTHD, người nhà của bệnh nhân đã rất mệt mỏi và lo lắng, mọi hy vọng, mong muốn chị My tỉnh dậy sau ca mổ từ ngày 28/6 đến nay cứ trôi qua từng ngày trong sự vô vọng. Có mặt tại Phòng hồi sức tích cực và Chống độc vào sáng ngày 6/7, PV báo ĐS &PL đã tận mắt chứng kiến: Bệnh nhân My đang nằm bất động trên chiếc giường cấp cứu chuyên dụng, khuôn mặt chị My đã bị phù, bất động. Theo người nhà của bệnh nhân, chị My mới được chuyển xuống đây từ ngày 3/7, và từ đó đến nay bệnh nhân vẫn ở trong tình trạng gần như không còn dấu hiệu của sự sống.
Với đôi mắt thất thần, mệt mỏi sau nhiều ngày lo lắng cho sinh mạng của vợ, anh Vũ Văn Thắng Giáo viên Trường THCS Tân Trường(Cẩm Giàng), chồng của bệnh nhân My buồn rầu cho biết, vợ chồng anh chị đều là nhà giáo và đã có một cậu con trai kháu khỉnh, khoẻ mạnh, học giỏi, năm nay lên 7 tuổi. Thuật lại sự việc mổ nọi soi ruột thừa, anh Thắng cho biết: “Ngày 28/6, vợ tôi đau bụng và được đưa tới Bệnh viện huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Bệnh viện đã xác định vợ tôi đau ruột thừa nên phải mổ tại đó. Do không yên tâm, gia đình tôi đã đề nghị bệnh viện chuyển vợ tôi lên Khoa ngoại III, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.
Đến 16h ngày 28/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã làm các thủ tục xét nghiệm trước khi mổ. Tại thời điểm đó, vợ tôi hoàn toàn tỉnh táo, bình thường; các kết quả xét nghiệm cũng cho thấy vợ tôi không có dấu hiệu của bất kỳ bệnh lí gì. Bác sĩ Hữu - người mổ nội soi trực tiếp động viên: “Mổ ruột thừa đơn giản, gia đình cứ yên tâm. Sau đó, đến 21h 30 cùng ngày, ca mổ nội soi cho vợ tôi được tiến hành. Khoảng 23h, vợ tôi được chuyển về Phòng Hồi sức sau mổ, tầng 6, Khoa ngoại. Cho đến khoảng 01h30 ngày hôm sau (29/6), bác sĩ Hiếu, người gây mê trực tiếp, có gọi tôi vào phòng và bảo: “Tình hình sức khỏe vợ anh rất yếu.
Đến chiều, vợ tôi vẫn chưa tỉnh, gia đình có đề nghị chuyển vợ tôi lên tuyến trên nhưng các bác sĩ nói: “Nếu rút các máy hỗ trợ thì nguy hiểm đến tính mạng. Tôi hỏi nguyên nhân vì sao, bác sĩ Thành, trưởng khoa Hồi sức sau mổ nói: “Đang theo dõi tìm hiểu. Sáng 30/6, gia đình rất lo lắng hỏi bác sĩ trực tại phòng: “Tình trạng hôn mê lâu thế, ở bệnh viện đã có ai chưa?. Bác sĩ đáp: “Có, gia đình cứ yên tâm. Gia đình lại hỏi: “Sự sống của bệnh nhân hiện còn không ?. Bác sĩ trả lời: “Còn. Đến ngày tiếp theo (1/7, tức 3 ngày sau khi mổ nội soi), vợ tôi vẫn chưa tỉnh. Lúc này, gia đình rất hoang mang, tìm gặp các bác sĩ: Hữu, Thành, Hiếu thì đều vắng mặt. Quá bàng hoàng, tôi có nhờ Sở Y tế Hải Dương điện thoại cho bác sĩ Thành, trưởng Khoa Hồi sức sau mổ để được giúp đỡ. Sáng ngày 2/7, vợ tôi được chụp CT. Kết quả được thông báo lại là vợ tôi bị xuất huyết màng nhện, phù nề não. Tôi liền gặp bác sĩ Thành, trưởng khoa, bác sĩ nói: “Do bệnh lý nên bị đột quỵ trong quá trình mổ(?). Bác sĩ Hữu mổ trực tiếp nói: “Quá trình mổ không có vấn đề gì, có thể do gây mê (?). Bác sĩ gây mê Hiếu lại nói: “Khả năng do trụy tim mạch, men gan, tiểu đường (?).
Anh Thắng kể tiếp: Mỗi bác sĩ trả lời một ý, không thống nhất, không thuyết phục. Gia đình cảm nhận có điều gì uẩn khúc trong ca mổ này. Điều đó càng khiến gia đình hoang mang, bức xúc. Tính đến ngày 3/7, đã 5 ngày vợ tôi vẫn bất tỉnh mà khoa vẫn chưa có biện pháp điều trị gì tích cực. Vì vậy, gia đình tôi đã làm đơn, gặp trực tiếp ông Long, Giám đốc Bệnh viện đề nghị Bệnh viện chỉ đạo khoa xác định rõ nguyên nhân và có hướng điều trị tích cực. Ngay lập tức, vợ tôi được chuyển xuống tầng 1, khu nhà C - Phòng Hồi sức tích cực và Chống độc. Gia đình rất phấn khởi nhưng không khỏi băn khoăn tại sao đến bây giờ bệnh nhân mới được chuyển. (Trước đó, bác sĩ Thành có nói với bố đẻ bệnh nhân: “Bệnh viện đã hội chẩn và quyết định để bệnh nhân điều trị tại Khoa Hồi sức sau mổ là tốt nhất ).
Tại khoa mới, các bác sĩ đã tập trung điều trị tích cực hơn nhưng cũng không thông báo nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất tỉnh lâu ngày của bệnh nhân. Do vậy, đến ngày 4/7, gia đình rất bức xúc, lại lên gặp ông Giám đốc Bệnh viện và đề nghị mời chuyên gia đầu ngành về hỗ trợ. Đến 18h cùng ngày, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức về khám và hội chẩn nội bộ tại khoa nhưng gia đình cũng không được biết kết quả. Trong khi khám và hội chẩn, chỉ thấy sự xuất hiện của bác sĩ Hiếu gây mê, bác sĩ Thành, không thấy sự có mặt của bác sĩ Hữu.
Ông Bùi Đức Long - giám đốc BV ĐK Hải Dương
Thoái thác trách nhiệm, BGĐ Bệnh viện, mỗi người một phách?
Trước tình trạng thập tử nhất sinh sau ca mổ nọi soi ruột thừa của cô giáo My, sáng ngày 6/7, PV báo ĐS &PL đã có buổi làm việc với Ban giám đốc BVĐKTHD, tại buổi làm việc này, ông Phạm Văn Huấn, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết: “Sau khi được gây mê, bệnh nhân My được tiến hành mổ bằng phương pháp nội soi. Thế nhưng, khi đang tiến hành mổ, có xuất hiện tình trạng tim ngừng đập(?). Ngay lập tức các y bác sĩ trong kíp mổ đã tổ chức cấp cứu, rất may tim bệnh nhân đã đập trở lại bình thường, sau khi kết thúc ca mổ bệnh nhân đã được chuyển sang Phòng hồi sức tích cực (?).
Trả lời về nguyên nhân tại sao đến thời điểm này bệnh nhân My vẫn rơi vào tình trạng hôn mê sâu và có thể dẫn đến tử vong mà chưa tìm ra được nguyên nhân, ông Huấn cho biết: “Từ hôm đó đến nay, Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn để tìm ra nguyên nhân nhưng chúng tôi vẫn chưa thể kết luận tại sao não của chị My xuất huyết mạng nhện, phù nề(?)..Ông Huấn phỏng đoán: “Nhiều khả năng bệnh nhân bị tai biến mạch máu não trong khi mổ(?).
Liên quan đến những bức xúc của gia đình bệnh nhân về cung cách làm việc và đối xử của các y bác sĩ sau khi bệnh nhân My rơi vào tình trạng hôn mê sâu, thậm chí chết lâm sàng từ đêm ngày 28/6, sau khi gia đình thúc giục, Bệnh viện mới đưa bệnh nhân xuống Phòng hồi sức tích cực và Chống độc của Bệnh viện vào ngày 3/7. ông Bùi Đức Long giải thích: “Mỗi khoa đều có Phòng hồi sức tích cực như nhau, có chức năng và nhiệm vụ giống nhau, do vậy không thể so bì, hơn thiệt. Việc gia đình có yêu cầu chuyển bệnh nhân lên tuyến Trung ương để điều trị, chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, dù có lên các bệnh viện đó, thì trang thiết bị cũng không khác ở đây. Hơn nữa khi tháo hệ thống hỗ trợ, bệnh nhân có thể tử vong ngay lập tức. Ông Long thừa nhận, bệnh nhân đang rơi vào tình trạng nguy kịch rất phức tạp và không lường trước được diễn biến. Hiện nay, chúng tôi đang làm mọi cách để bảo vệ tế bào não, ông Long cho biết.
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn