Tuần này, Công an thị xã Thuận An – Bình Dương sẽ kết hợp với Công an tỉnh Đồng Nai làm rõ vụ cướp 2,2 tấn chân trâu bò thối trong lúc tiêu hủy ở Đồng Nai hôm 18-4, sau đó nghi đưa về Thuận An để trữ bán (Báo Người Lao Động đã thông tin). Nghi can chỉ đạo vụ cướp này là ông Nguyễn Hiệp Hương (40 tuổi, quê huyện Thanh Oai – Hà Nội).
“Tang vật” trong kho
Công an thị xã Thuận An cho biết đến nay, ông Hương vẫn không thừa nhận mình liên quan đến việc cướp 2,2 tấn chân trâu bò nói trên. Tuy nhiên, trước đó, phóng viên một số báo đã phát hiện xe tải chở các bao chứa chân trâu bò thối cướp từ hố tiêu hủy chạy thẳng vào cơ sở do ông Hương quản lý (ở phường Bình Hòa, thị xã Thuận An). Về việc này, lý giải với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hương nói: “Xe đó vào đây để lấy tiền cước vận chuyển chứ không xuống hàng, tôi làm toàn hàng lòng (lòng heo - PV) chứ không dính dáng gì… Các anh cậy nhà báo làm rùm beng lên là không được!”.
Tuy nhiên, đến nay, ông Hương chưa lý giải được vì sao trong kho lạnh của ông lại chứa nhiều bao tải bị cháy nham nhở (bên trong đựng chân trâu bò, rất giống với các bao tải bị cướp khi tiêu hủy). Ngoài ra, ông Hương cho rằng số chân trâu bò này không phải là của ông mà của một người bạn gửi trữ lạnh giùm.
Trong khi đó, camera của một phóng viên quay được hình ảnh ông Hương xuất hiện gần hố tiêu hủy trước khi xảy ra cướp. Theo một nhân chứng, ông Hương là người trực tiếp chỉ đạo dập lửa, bốc các bao chứa chân trâu bò đang tiêu hủy lên xe chở đi.
Đầu mối cung cấp thịt thối
Ông Hương khai với cơ quan chức năng số chân trâu bò thối được trữ ở kho của ông được vận chuyển từ Bắc vào và chỉ làm thức ăn chăn nuôi, cụ thể là thức ăn cho tôm. Tuy nhiên, ông không cho biết nơi chế biến, tiêu thụ số chân trâu bò này.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, chủ lô hàng 97 tấn chân trâu bò thối đã bị cơ quan chức năng ở TPHCM tịch thu trước đây cũng là của ông Nguyễn Hiệp Hương. Lúc đó, số hàng thối này khai mục đích sử dụng trong giấy kiểm dịch là “thương phẩm” (theo cơ quan chức năng là làm thức ăn cho người - PV).
Cụ thể, khoảng tháng 8 - 2007, dư luận ở TPHCM xôn xao việc cơ quan chức năng phát hiện một kho lạnh ở quận 9 trữ đến 97 tấn chân trâu bò thối để bán cho các nhà hàng, điểm kinh doanh ăn uống. Theo cơ quan chức năng, chủ lô hàng này là ông Nguyễn Hiệp Hương (tên gọi khác là Nguyễn Văn Tuấn, số CMND: 111545909). Lúc đó, ông Hương khai với cơ quan chức năng kho lạnh chứa hàng của ông là kho thuê, ông quê Hà Tây (nay là Hà Nội), tạm trú huyện Bình Chánh – TPHCM. Trong một tờ trình, Trạm Thú y quận 9 nhận định về lô hàng thối của ông Hương như sau: “Qua quá trình làm việc, đại diện chủ hàng không xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng, không xác định được khối lượng hàng đã xuất cho những người kinh doanh, chế biến để làm thực phẩm cho người; nhân thân của chủ hàng không rõ ràng”. Do đó, Trạm Thú y quận 9 đã có công văn đề nghị công an vào cuộc.
Trốn về Bình Dương
Do lô hàng của ông Hương đã bốc mùi thối, để có cơ sở xử lý, cơ quan chức năng phải lấy mẫu kiểm nghiệm và có kết quả: Lô hàng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Sau đó, UBND quận 9 đã ra quyết định tịch thu, tiêu hủy lô hàng này.
Đến lúc tiêu hủy, ông Hương không đến cơ quan chức năng để nộp phạt và đóng tiền tiêu hủy. Vì vậy, Công an quận 9 phải tìm đến nơi tạm trú của ông Hương ở Bình Chánh thì phát hiện ông đã “biến” mất. Ngay sau đó, cơ quan chức năng truy tìm tung tích ông Hương theo địa chỉ trong CMND của ông thì được chính quyền địa phương ở Hà Tây thông báo: Ông Nguyễn Hiệp Hương đi khỏi nơi cư trú từ lâu, không rõ đang ở đâu.
Do nhận định vụ việc không mang dấu hiệu hình sự nên cơ quan công an không truy nã ông Hương.
Hậu quả là UBND TPHCM phải chấp thuận chi khoảng 300 triệu đồng để tiêu hủy hàng chục tấn chân trâu bò thối “giùm” ông Hương.
Có thể truy thu, khởi tố Nhận định việc ông Nguyễn Hiệp Hương bỏ trốn khiến ngân sách TPHCM phải chi hàng trăm triệu đồng tiêu hủy thịt thối (số tiền đáng lẽ ông Hương phải chịu – PV), luật sư Trịnh Thanh, Trưởng Văn phòng Luật sư Người nghèo, cho rằng cơ quan chức năng hoàn toàn có thể cưỡng chế, truy thu số tiền này. Riêng hành vi cướp thịt thối khi tiêu hủy, luật sư Trịnh Thanh cho rằng đã có dấu hiệu hình sự của tội “trộm cắp tài sản” nên cơ quan công an có thể khởi tố vụ án. Cũng theo luật sư Thanh, thịt thối định tiêu hủy không có giá trị sử dụng nhưng có giá trị tài sản. Có thể dựa vào giá thịt mua và bán của chủ hàng, hội đồng định giá có thể xác định giá trị của 2,2 tấn thịt thối này để làm cơ sở xử lý vụ án. Riêng về việc cán bộ chức năng của Đồng Nai không hoàn thành nhiệm vụ để thịt tiêu hủy bị cướp lại, luật sư Thanh nhận định có dấu hiệu phạm tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Nếu có đủ chứng cứ về việc cán bộ nhận tiền để cho các đối tượng “cướp” hàng hóa bị tiêu hủy thì dính đến tội danh “nhận hối lộ”. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn