Không biết bắt đầu từ đâu và do ai khởi xướng nhưng phong trào phụ nữ Mỹ Lộc sang Thái Lan làm việc đã xuất hiện từ sau những năm 2000. Ban đầu chỉ có một số ít chị em ly hương theo con đường tiểu ngạch thông qua hộ chiếu du lịch nhưng mong muốn đổi đời của phụ nữ nơi miền quê nghèo cùng với sức hấp dẫn của đồng bath đã khiến số lượng phụ nữ rời bỏ quê hương sang Thái ngày càng tăng. Trong tổng số gần 1.200 lao động toàn xã đi xuất khẩu lao động thì phụ nữ chiếm gần phân nửa.
Lao động nữ nông thôn đang chờ việc tại các mỏ đá |
Người dân trên địa bàn cho biết: không rõ lao động nữ sang Thái làm việc gì, nhưng có những người mỗi tháng gửi về quê hàng chục triệu đồng. Theo đó, cuộc sống của một số gia đình trên địa bàn giàu lên trông thấy. Điều đó cũng đã tiếp thêm sức mạnh và lòng quyết tâm cho một số chị em khác khi họ đang lưỡng lự trước quyết định bám trụ quê hương hay dứt áo ra đi. T. là một ví dụ điển hình. Sang Thái Lan làm việc chưa lâu nhưng T. đã gây dựng được cho mình một cơ ngơi khang trang vào loại nhất nhì trong vùng. Không chỉ làm giàu cho gia đình nhỏ của mình, T. còn là lao động chính, hỗ rợ tài chính cho mọi việc lớn nhỏ trong gia đình nhà chồng. Chẳng biết cụ thể T. làm việc gì nhưng người làng vẫn rỉ tai nhau về nguồn thu nhập “khủng” của T. mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng.
Lật bản danh sách dài dằng dặc số lượng những lao động trên địa bàn hiện đang làm việc ở Thái Lan, chị Hoàng Thị Tân – Chủ tịch Hội LHPN xã chia sẻ: “500 phụ nữ đang ở đất Thái là số liệu thống kê chưa đầy đủ. Con số thực tế lớn hơn bởi chị em đi cũng chẳng thông báo với tổ chức nên chúng tôi không thể nắm hết. Có gia đình cả 5 người đều sang Thái làm việc. Riêng một số xóm như Nhật Tân hơn 360 hộ thì có tới 312 lao động đi Thái, xóm Đại Đồng hơn 200 hộ nhưng có 227 người đi, xóm Trại Tiểu cũng có tới 165 người. Còn chuyện thiếu nữ đang học ở các trường nghề, mới học xong lớp 9, thậm chí có em vừa tốt nghiệp đại học, cao đẳng cũng vội vã theo bước các mẹ, các chị đi xuất ngoại”.
Vẫn biết cuộc sống trên mảnh đất nghèo này còn nhiều khó khăn khi thu nhập từ đồng ruộng, từ chăn nuôi không đủ để trang trải cho mọi khoản chi tiêu, lực lượng lao động dư thừa nhiều nhưng việc chị em đua nhau xuất ngoại đã để lại sự trống vắng không gì bù đắp được trong mỗi tổ ấm gia đình. Và do sự bất đồng về ngôn ngữ, thủ tục đi làm việc bất hợp pháp nên những lao động nữ trên đất Thái cũng phải đối mặt với không ít hiểm họa!
Những hệ lụy!
Cũng trong chuyến công tác lần này, chúng tôi được nghe câu chuyện về gia đình anh X. Không biết việc vợ anh X. đi xuất ngoại có được thuận vợ thuận chồng hay không nhưng cách đây mấy tháng, Hội LHPN xã chứng kiến gương mặt hốt hoảng, thất thần của anh khi đến trình báo về việc vợ mất tích. Ngoài việc nhờ những người quen đang làm việc ở Thái tìm kiếm, mọi người cũng đã liên tục gọi điện vào máy cầm tay của chị Y. – vợ anh nhưng không có tín hiệu liên lạc. Vài tuần sau, đến hỏi gia đình anh X., cán bộ Hội LHPN chỉ nhận được câu trả lời dửng dưng: Cô ấy đi làm việc ở Trung Quốc, ở đó không có sóng nên máy không liên lạc được, vài tháng nữa cô ấy sẽ về thôi. Thời gian trôi qua, chị Y. vẫn không thấy về nước, cán bộ hội có sốt ruột hỏi thăm thì cũng chỉ nhận được câu trả lời là hình như cô ấy đã sang Thái và hiện ở đâu, làm việc gì thì gia đình cũng không biết rõ.
Chỉ tay về phía một ngôi nhà khang trang nhưng phủ đầy rêu phong và cỏ dại, người dẫn đường đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về chủ nhân ngôi nhà ấy. Đó là gia đình anh V. Từ khi vợ sang Thái làm việc, cuộc sống dần có của ăn của để, không phải vất vả mưu sinh như trước, lại rảnh rỗi thời gian nên anh V. tìm nguồn vui trong những quân bài đỏ đen. Hậu quả của những trận sát phạt trên chiếu bạc đã khiến anh không có khả năng chi trả nợ nần. Gia đình anh V. đành đóng cửa rồi cả nhà dắt díu nhau đi làm ăn, hay trốn nợ ở nơi đâu cũng không ai biết. Cũng như trường hợp anh V., một số gia đình đã phải gán lại ngôi nhà đang ở cho ngân hàng để rồi cơm đùm cơm nắm theo đường “tiểu ngạch” sang Thái, tiếp nối những tháng ngày lao động quần quật ở xứ người.
Một lao động nữ từng làm việc trên đất Thái cho biết: Sang đó, chúng tôi chủ yếu rửa bát, giúp việc... Quần quật từ sáng đến tối nhưng mỗi tháng cũng chỉ tích cóp được 5 - 7 triệu đồng. Chỗ ăn ở thì cực khổ hết nói, trên một nền nhà lạnh lẽo, hàng chục lao động bao gồm cả nam lẫn nữ nằm chen chúc bên nhau, chưa kể nhiều lúc phải trốn chui trốn lủi trước lực lượng chức năng khi hộ chiếu hết thời hạn. Bị bóc lột sức lao động, bị bắt bớ, trục xuất bất kể lúc nào, thậm chí cả việc bị lạm dụng tình dục… là những nguy cơ lao động nữ đang phải đối mặt ở xứ người.
Không thể phủ nhận, bức tranh cuộc sống của Mỹ Lộc hôm nay đã thay đổi hơn nhờ những chuyến xuất ngoại. Đó là những ngôi nhà khang trang với tiện nghi đầy đủ, hiện đại thay thế dần cuộc sống đạm bạc xưa kia. Nhưng, trên bức tranh ấy vẫn nhuốm vẻ u buồn bởi sự xâm nhập của tệ nạn xã hội, sự lạnh lẽo trong những ngôi nhà thiếu vắng bàn tay của những người xây tổ ẩm.
Chị Hoàng Thị Tân cho biết: “Phụ nữ đi khỏi địa phương nhiều thì phong trào của hội ngày càng đi xuống. Điều ấy không đáng buồn bằng sự xuất hiện của tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, lô đề, trai gái, gây gổ xích mích... ngày càng nhiều trên địa bàn, phá vỡ không khí yên bình của làng quê. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, số cặp vợ chồng ly hôn tăng hơn trước, nhiều trường hợp con đang còn nhỏ cũng ly hôn”.
Để hạn chế phụ nữ sang Thái tìm kiếm việc làm thông qua con đường du lịch, thời gian qua, Hội LHPN xã cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức hội thảo và các lớp đào tạo nghề cho phụ nữ. Xã đã tổ chức được 189 lượt đào tạo nghề mây tre đan. Tuy nhiên, hiệu quả chẳng được là bao khi mà nghề mây tre đan không tìm được hướng đi, khi vất vả một nắng hai sương, chi phí cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi lớn mà đầu ra lại không đảm bảo. Thế nên dòng lao động vẫn tiếp tục “chảy” sang Thái, diện tích đất canh tác trên địa bàn bị bỏ hoang nhiều, đặc biệt là ở vùng Đại Đồng.
Chiều mùa đông, thoáng chốc hoàng hôn đã giăng mắc trên sườn đồi. Trên những rừng cây vi vút gió, làng xóm ngập chìm trong bảng lảng sương nhưng không còn mùi khói rơm rạ của đồng quê lan tỏa trên những mái nhà. Và trong những nếp nhà, bữa cơm chiều trở nên lạnh lẽo hơn khi thiếu vắng bóng dáng của những người vợ, người mẹ. Chúng tôi chợt nhớ đến lời chị Tân - người phụ nữ đã có 17 năm gắn bó với phong trào phụ nữ xã nhà: “Vừa có thêm 6 chị ở Trại Tiểu sang Thái Lan làm việc theo con đường du lịch”. Ngăn chặn “dòng chảy” lao động nữ đổ sang Thái Lan bằng con đường bất hợp pháp không còn là việc của riêng cán bộ hội phụ nữ mà cần sự chung tay của các cấp, ngành.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn