Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi lễ Tưởng nhớ bác sỹ Carlo Urbani, 10 năm sau dịch SARS, tổ chức tại Hà Nội sáng 11.4.
Câu chuyện cách đây 10 năm về căn bệnh mới tạo thành dịch khiến cả nhân loại kinh hoàng càng trở nên có ý nghĩa hơn khi mà hiện cũng đang xuất hiện một chủng virus cúm A/H7N9 nguy hiểm trên người đang hoành hành ở Trung Quốc và có thể lan ra nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Nỗi ám ảnh của toàn nhân loại
Trước đây, cũng giống như cúm A/H7N9, bệnh SARS xuất hiện đầu tiên tại Trung Quốc. Thay vì chia sẻ thông tin, họ lại giấu nhẹm và bệnh SARS đã lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, trở thành nỗi ám ảnh của toàn nhân loại. SARS đến Việt Nam từ một thương nhân gốc Hoa tên Johnie Chun Cheng. Bệnh nhân này đến khám tại BV Việt Pháp Hà Nội với các triệu giống như cúm nhưng diễn biến rất lạ, có sốt, ho nhiều và khó thở. Các BS của BV Việt Pháp điều trị cho bệnh nhân như với bệnh cúm thông thường.
Tuy nhiên, bệnh cảnh của ông diễn biến xấu đi rất nhanh, gia đình ông đã thuê chuyên cơ đưa ông về nước. Bệnh nhân về nước cũng là lúc BV Việt Pháp có 5 y tá xuất hiện các triệu chứng giống ông Chun Cheng. Lo lắng trước căn bệnh lạ một bác sĩ người Pháp đang công tác tại BV Việt Pháp lúc đó đã báo cáo lên Tổ chức Y tế thới giới WHO. Lúc này các nhà khoa học bắt đầu nghi ngờ có mối liên hệ đến một bệnh dịch lạ đang hoành hành ở phía nam Trung Quốc. Bác sĩ Carlo – đại diện của WHO đã được cử sang Việt Nam nắm bắt tình hình. Mặc dù được cảnh báo sự nguy hiểm của dịch bệnh và có quyền để về nước nhưng bác sĩ Carlo vẫn ở lại Việt Nam, thường xuyên túc trực bên giường bệnh nhân.
20 ngày sau khi bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm SARS đến khám tại BV Việt Pháp, y tá Nguyễn Thị Lượng của bệnh viện là người đầu tiên ra đi vì căn bệnh này. Tiếp theo số người mắc không ngừng tăng, vài ngày lại có thêm một bệnh nhân tử vong. Đến lúc này, SARS đã lây ra 32 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 8.000 ca mắc, trong đó có 916 người tử vong. Tại Việt Nam, căn bệnh này hoành hành trong 45 ngày, gây nhiễm cho 65 người và giết chết 5 người. Riêng tại BV Việt Pháp, SARS khiến 44 nhân viên nhiễm bệnh, trong đó có 6 người (trong và ngoài nước) tử vong. Bác sĩ Carlo Ubani cũng đã ra đi mãi mãi vì nhiễm SARS vào ngày 29/3/2003.
BS Viện Y học lâm sàng thăm khám cho bệnh nhân SARS năm 2003 (Ảnh BV cung cấp)
Ký ức trong lòng người bệnh
Là một bệnh nhân SARS được cứu sống, đến giờ ông Nguyễn Hữu Hùng không thể nào quên những ký ức tang thương của những ngày này cách đây 10 năm.
"Họ là người cho tôi sống lại, cho tôi thêm một cơ hội nữa", là chia sẻ của ông Hùng khi nói về bác sĩ Carlo Urbani, những nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Pháp, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới quốc gia và nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Ông cùng với 4 người khác trong gia đình gồm chú, vợ, cô em họ và tài xế đều là những bệnh nhân của đại dịch kinh hoàng này. Tất cả đều được Bệnh viện Việt Pháp điều trị. Mới đầu, ông chỉ thấy sốt, ho sau đó thì bệnh càng tiến triển theo chiều hướng xấu hơn. Các cơn sốt thường xuyên hơn, đặc biệt cứ sau mỗi lần sốt rét thì lại chuyển sang sốt nóng, nhiệt độ cứ tăng dần, các cơn ho cũng nhiều hơn, bụng đau như cắt, tay chân rã rời, từng thớ cơ như bị giằng xé, đầu như vỡ tung ra, trạng thái mơ mơ tỉnh tỉnh.
"Không khí ở Bệnh viện Việt Pháp lúc đó thật ảm đạm, tôi có cảm giác là bệnh viện lúc đó hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Từ cửa sổ phòng tôi nhìn ra thì thấy đường vắng vẻ vô cùng, biểu hiện ai cũng sợ hãi khi phải đi ngang qua đó. Rồi sau đó, liên tiếp có nhân viên của bệnh viện tử vong, tôi rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo sợ vô cùng", ông Hùng nhớ lại.
10 năm trôi qua ông Hùng vẫn còn bị ám ảnh về căn bệnh SARS (Ảnh Mai Hương)
Đến ngày 26/3, ông được chuyển sang Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới. Khi đó, các bác sĩ đã có quyết định rất táo bạo, thay vì mở nội khí quản cho thở máy, ông được cho thở máy không xâm nhập, cho kháng sinh để khống chế bộ nhiễm. Sau 4 ngày thì nồng độ ôxy trong máu ông đã tăng lên rõ rệt.
"Khi được chuyển sang Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trong tình trạng rất nguy kịch, nhưng tôi vẫn đủ sáng suốt để nhận thấy rằng các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây không có đủ các thiết bị bảo hộ cần thiết. Họ chỉ có đúng một khẩu trang vải dùng cho phẫu thuật, dù họ biết bệnh SARS lây qua đường hô hấp. Tôi đã lo sợ rất nhiều, vì một cách rất ích kỷ, tôi nghĩ nếu họ cũng bị lây nhiễm thì ai là người cứu chữa cho chúng tôi đây", ông Hùng xúc động kể lại.
Ông không bao giờ có thể quên được những sự săn sóc đặc biệt của các nhân viên bệnh viện. Những lúc nồng độ oxy trong máu của xuống quá thấp, cứ bỏ mask thở ôxy ra là tím tái, vì thế mỗi lần ăn, các y tá phải rất kỳ công đứng hàng giờ mở mask (mặt nạ) ra bón một miếng xong lại úp vào để thở. Dù vậy, họ không những không phàn nàn mà luôn luôn có những lời động viên ân cần “cố lên, cố ăn thêm một tý cho chóng khỏe …” .
"Làm sao quên được những lúc, hầu như mỗi ngày, được tắm, gội đầu ngay tại trên giường bệnh với một đống dây rợ trên mình xông từ mũi, từ ống truyền dịch, từ ống thở oxy… Chưa kể đến trong những đêm khuya, vừa bị những cơn ho dữ dội tấn công thì đã thấy ngay bên cạnh mình một bác sỹ, nhiều lúc không kịp mang cả găng tay, giúp đỡ chữa trị", ông Hùng nói.
Dù bằng đấy thời gian đã trôi qua, nhưng ông cũng không thể nào quên được khuôn mặt rạng ngời của các y, bác sỹ khi có được một bệnh nhân đã khỏi bệnh. Bệnh nhân vui mừng hạnh phúc một thì các y bác sĩ vui mừng hạnh phúc mười lần.
"Tôi có cảm giác rằng họ chẳng có lúc nào ăn, lúc nào ngủ, lúc nào tôi cũng nghe thấy những bước chân vội vã, hối hả đến bên mỗi giường bệnh. Tất cả những hành động này đã có tác dụng như một liều thuốc an thần cực mạnh giúp cho tôi và các bệnh nhận khác có thêm niềm tin chiến thắng căn bênh quái ác", ông Hùng cho biết.
Sau 45 ngày chống chọi với dịch bệnh, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS, nhưng cái giá phải trả rất đắt. Trong số 63 bệnh nhân SARS thì có đến quá nửa là bác sĩ, y tá, nhân viên tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. "Trong đó, 5 nhân viên y tế và cả bác sĩ Carlo đã không qua khỏi. Điều này sẽ luôn nhắc nhở chúng ta đề cao cảnh giác với những bệnh lạ mới phát sinh để có những biện pháp phòng chống dập dịch kịp thời", thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn