Ký ức khó quên của người lính 10 năm bảo vệ Bác Hồ

Thứ bảy - 10/06/2017 11:19
36 năm tham gia quân đội, có 10 năm làm lính cảnh vệ bảo vệ cho Bác Hồ, với ông Châu đó là khoảng thời gian đáng nhớ và tự hào nhất trong cuộc đời...
Những kỷ niệm khó quên

 Đến thăm gia đình ông Nguyễn Ngọc Châu (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) người lính có 10 năm được đứng bên cạnh bảo vệ Bác Hồ vào dịp đầu xuân, nhóm phóng viên không khỏi xúc động với những câu chuyện kể về thời trai trẻ đáng tự hào của ông.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Diễn Châu, Nghệ An. 13 tuổi ông đã mồ côi cha, một mình mẹ lam lũ nuôi các con, đến năm 17 tuổi, ông tình nguyện vào quân đội. Dù tuổi còn trẻ nhưng với ý chí kiên cường, bản lĩnh vững vàng ông rất được mọi người yêu quý, đồng đội tin tưởng.

Năm 1954, sau khi Điện Biên Phủ giành được thắng lợi, lần đầu tiên ông là một trong 600 chiến sĩ trong đơn vị, sau đó gọi là tiểu đoàn 600, được gặp mặt Bác Hồ và nghe theo lời Bác về tiếp quản thủ đô.

Có lẽ suốt cả cuộc đời người lính cảnh vệ nói chung, cũng như đối với ông Châu thì những nhiệm vụ được bảo vệ bác Hồ, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước vừa là nhiệm vụ, vừa là vinh dự không phải ai cũng có được, nên đối với ông những kỷ niệm về Người luôn sống mãi trong cuộc đời người lính cảnh vệ.
Trung tá Nguyễn Ngọc Châu (đứng thứ 2 từ trái sang) tại Đại hội đại biểu Đảng bộ sư đoàn 302 lần thứ nhất ở tỉnh Xiêm - riệp, Campuchia (Ảnh: nhân vật cung cấp).


Ông kể, trong những ngày đầu tiên tham gia công tác bảo vệ tại đây, dù thường xuyên được gặp gỡ Bác Hồ nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đứng xa mà ngắm. Thế nên, cảm xúc đầu tiên được gặp Bác Hồ đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc.

Được sống gần Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chiến sĩ như ông Nguyễn Ngọc Châu luôn khâm phục cách sống giản dị, chu đáo của Người. Ông Châu còn nhớ, đầu năm 1958, ông được anh em trong đại đội tiến cử viết thư chúc tết Bác Hồ, rồi được cử đi đón tết cùng Bác.
Ông Châu xúc động nhớ lại, sau khi phát biểu chúc tết các anh chị em, Bác lại đến từng người hỏi qua về công việc và chạm ly chúc mừng. Khi Bác đến chỗ ông, vì hồi hộp, tay rung khiến cho cốc bia sóng sánh xuýt đổ ra ngoài, Bác lại nhẹ nhàng nhắc nhở “chú cẩn thận kẻo đổ bia”.

"Lúc đó ông tưởng tượng tim mình đập mạnh, cho đến khi mọi người ngồi ngay ngắn vào chỗ để ăn, lúc đó ông vẫn chưa lấy lại được tinh thần và vẫn ngồi im. Thấy vậy, Bác gắp miếng thịt gà để vào bát tôi rồi nói “chú ăn đi!” tôi xúc động và cứ thế, nước mắt tuôn trào".

Một kỷ niệm khác, người cảnh vệ cho biết, sinh thời, Bác rất tiết kiệm và lúc nào cũng lo cho dân, cho nước. Người luôn căn dặn các chiến sĩ cảnh vệ phải ra sức tiết kiệm bởi đất nước còn nghèo, người dân đang khổ, miền Nam chưa được giải phóng và Người luôn làm gương.

"Có lần, vào một buổi sáng, tôi và đồng chí Minh được phân công ra che luống su hào, đang mải mê chặt lá chuối thì nghe có tiếng động, hai anh em vội vàng chạy lại xem. Lúc đến bờ ao thì thấy Bác đang chèo thuyền lại chỗ mình, hai anh em cứ vậy mà đứng nhìn, khi Bác chèo thuyền qua bất ngờ Bác dừng lại hỏi: “Tại sao hai chú thấy Bác mà không chào” , hai chúng tôi đều ngượng ngừng ấp úng đáp lại “Vì chúng cháu mãi ngắm Bác chèo thuyền nên quên mất”. Ấy vậy mà Bác chỉ cười bảo “lần sau các chú cần để ý, người chiến sỹ cần phải có lễ phép” rồi Bác ân cần nói tiếp “Hai chú che su hào tiếp đi, không một lúc nữa nắng to, su hào chết hết đấy” thế là Bác chèo thuyền đi tiếp".

Cuộc sống đời thường bình lặng

Sau 36 năm tham gia quân đội, hết kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, sang chiến đấu ở Campuchia, ông Nguyễn Ngọc Châu trở về đời thường với một cuộc sống hết sức giản dị, tham gia các hoạt động của xóm, phường nhằm mang lại cho người dân xung quanh một cuộc sống tốt hơn, một môi trường trong lành sạch đẹp.
Người lính già trong cuộc sống đời thường


Thời gian rảnh rỗi ông còn se hương trầm bán giúp gia đình có thêm thu nhập. Ông nói: làm hương không chỉ giúp ông khuây khỏa tuổi già mà còn rèn luyện tính cẩn thận, tỉ mỹ, khéo tay của mình không bị mất đi.

Không chỉ làm hương, vào mỗi buổi chiều ông còn dạy bóng bàn cho các bạn nhỏ. Cũng từ câu lạc bộ của ông mà nhiều em đã được đi thi đấu trong và ngoài tỉnh đạt những giải cao đem lại niềm vinh dự cho gia đình.

Giờ đây, khi đã ở tuổi "xưa nay hiếm" người lính già chẳng mong ước gì cho bản thân, chỉ mong hai đứa con của mình sớm có việc làm để ổn định cuộc sống. "đứa con lớn của tôi cũng từng tham gia quân đội và hi sinh, hai đứa còn lại dù được học hành nhưng vẫn chưa có công việc ổn định, tâm nguyện của tôi là các cháu sẽ được vào ngành công an để tiếp tục sự nghiệp vẻ vang của mình".
Theo Diễm Phước - Trí Thức Đời sống & Tiêu dùng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây