Nằm cách trung tâm TP.Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) chừng 25 cây số về phía Đông Bắc, xã Mường Phăng (huyện Điện Biên) nằm cheo leo như thách thức bất cứ ai muốn thử sức mình trên những cung đường định mệnh. Trên độ cao cũng đến cả ngàn cây số so với mặt nước biển, gần chục ngàn người dân kiên định bám đất, bám bản như thách thức với thời gian, không gian và sự khắc nhiệt của thiên nhiên.
Đưa cánh phóng viên xuống bản, anh Lường Văn Khụt, bí thư Đoàn thanh niên xã Mường Phăng không quên giới thiệu về quê hương khốn khó của mình. Theo lời bộc bạch của anh, nếu tính trung bình hàng năm thì kiểu gì trong xã cũng có đến vài chục hộ thiếu lương thực từ 1 - 2 tháng. Chẳng thế mà, trong số những xã nghèo nhất tỉnh Điện Biên, nếu xếp hạng thì Mường Phăng phải có tên trong danh sách top đầu.
Thấy chúng tôi hăng hái khi bàn về những luật tục đậm chất kỳ thú của đồng bào Thái (chiếm phần lớn hộ dân trong xã - PV), anh Khụt nói phải đến bản Phăng - nơi được ví như cái nôi của người Thái.
Trên chặng đường đi bộ nhiều hơn ngồi xe, vừa thở hổn hển, anh Khụt vừa khoe, người Thái có một tập tục rất độc đáo được ít người biết đến, đó là: Lễ cơm Lam. Đây là tập tục có liên quan đến việc sinh đẻ của người Thái. Lễ cơm Lam gắn liền với niềm tin, tín ngưỡng thờ ba bà mẹ (gồm mẹ Đất, mẹ Nước và mẹ Rừng). Theo tục lệ người phụ nữ sau khi sinh nở, phải ăn cơm Lam trong hai ngày hai đêm. Người Thái tin rằng cơm Lam là tượng trưng của ba bà mẹ: Mẹ Đất (gạo nếp), mẹ Nước (nước ngâm cho vào ống cơm Lam) và mẹ Rừng (cây tre gai). Vì vậy, trẻ con sinh ra sẽ được ba bà mẹ này phù hộ.
Trong mạch chảy câu chuyện, một tập tục thú vị của người Thái gắn với đặc sản cơm Lam - một thứ đặc sản khoái khẩu dần được lộ diện. Sau khi người phụ nữ mới sinh ăn cơm Lam, gia đình phải chọn một vỏ cơm Lam đẹp nhất để gác (treo) lên cây để báo cho mẹ Rừng biết sự ra đời của đứa trẻ. Khi đó, mẹ Rừng sẽ thông báo lại cho mẹ Đất và mẹ Nước rằng đứa trẻ đã ra đời.
Tuy nhiên, để thể hiện lòng thành kính, mỗi gia đình sẽ chọn ít nhất một cái cây to, đẹp và thoáng, ở gần đường qua lại để treo ống cơm Lam. Mỗi đứa trẻ khác nhau, gia đình phải chọn cây khác nhau để treo, như thế mỗi cây sẽ tương ứng với một đứa trẻ. "Người Thái tin rằng, cuộc sống của đứa trẻ sẽ gắn liền với cây mà cơm Lam được treo lên. Do vậy, người Thái không bao giờ chặt hoặc đốn cây có treo cơm Lam vì sợ ảnh hưởng đến đứa trẻ", anh Khụt cho hay.
Tập tục cúng cơm Lam cho mẹ Rừng vẫn tồn tại đến ngày nay.
Khi niềm tin vượt qua tín ngưỡng
Biết đám người lạ chúng tôi đang tò mò về tập tục độc đáo của đồng bào mình, trưởng bản Lường Văn Đại lý giải: Trong quan niệm người Thái, ba bà mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đời đứa trẻ. Đặc biệt là việc chuẩn bị và làm cơm Lam mang tính ảnh hưởng tới tính cách và sự trưởng thành của đứa trẻ.
Theo tục lệ, người Thái phải chọn những cây tre đẹp nhất để làm ống cơm Lam. Còn nếu chọn cây tre không đẹp thì họ tin rằng mẹ Rừng, mẹ Đất, mẹ Nước sẽ không ưng và như vậy đứa trẻ mới sinh sẽ không tốt. Khi làm ống cơm Lam đầu tiên người ta rất cẩn thận để thể hiện rõ thông điệp tôn thờ ba bà mẹ.
Đứng bên cạnh, già Lường Văn Nanh (bản Phăng, xã Mường Phăng) góp chuyện: Việc làm cơm Lam phải tỉ mỉ, như khi cho gạo nếp (mẹ Đất) vào ống tre thì phải bỏ từ từ từng nắm một, không được đổ vào, không được nhồi nhét. Nó được ví như việc sinh nở, sinh thành thì phải lớn lên từ từ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến trí não của đứa trẻ, làm cho đứa trẻ bị thụ động.
Việc đặt ống tre mạnh xuống nền đất hoặc sàn nhà cũng bị cấm kị, vì làm vậy sẽ bị coi là không tôn kính các bà mẹ, đồng nghĩa với việc đứa trẻ sẽ không thông minh và không ngoan ngoãn.
Ống cơm Lam đầu tiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên khi cho gạo vào cần phải để riêng ra và để nơi trang trọng nhưng phải nhiều người nhìn thấy. Làm tốt việc này, khi đứa con sinh ra có ý tứ, có duyên, được nhiều người để ý, dễ lấy chồng, lấy vợ. Ngoài ra, khi đốt ống cơm Lam không được bịt đầu, nếu bịt mọi trí thông minh sẽ là mù tịt. "Trong khi đốt, nướng cơm Lam (ống đầu tiên) phải hết sức cẩn thận, không để lửa tắt. Chỉ được quạt, không dùng miệng thổi lửa vì nếu không lộc, phúc và may mắn của đứa trẻ sẽ bị bay đi", già Nanh tin tưởng phán.
Theo những người dân sống trong bản, họ rất tin tưởng và tôn thờ nghi lễ cơm Lam, vì nó đem lại niềm tin, hy vọng vào tương lai tốt đẹp của con em mình. Thậm chí, trước đây theo phong tục, người Thái còn lấy nhau, rốn của trẻ sơ sinh cho vào ống tre rồi treo lên rừng Bằng Hé.
Họ có niềm tin mạnh mẽ vào mẹ Rừng và cho rằng, nếu gửi nhau, rốn của đứa trẻ lên mẹ cây thì mẹ sẽ che chở cho đứa trẻ sống khỏe mạnh và trường thọ như cây. Tuy nhiên, theo vị "thủ lĩnh" Đoàn thanh niên xã Lường Văn Khụt thì tục lệ này ngày nay đã không được duy trì khi người dân đã nhận thức được vấn đề ô nhiễm môi trường, không khí.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, viện trưởng Viện quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng sau khi nghiên cứu tỉ mỉ về tập tục đầy kỳ bí của người Thái này đã đi đến kết luận: "Với người Thái, từ xa xưa đã lưu truyền các luật tục của họ không chỉ bằng truyền miệng mà còn được lưu truyền bằng chữ viết cách đây hàng trăm năm. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, người Thái ở Mường Phăng đã gắn bó với những luật tục lâu đời như Xên Mường, Xên Bản, tục cơm Lam... Những luật tục này có ý nghĩa trong sản xuất và đời sống. Đây cũng là dịp răn dạy con cháu sống hòa thuận, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài".
Với niềm tin sâu sắc vào yếu tố thần linh tác động đến đời sống hàng ngày nên chuyện mê tín dị đoan có nhiều đất để sống trong bản làng. Chẳng hạn khi bị ốm đau, bệnh tật, một phần không nhỏ người dân tộc thiểu số tìm đến các vị thầy mo, thầy cúng mong được xua đuổi tà ma, chữa khỏi bệnh. Lợi dụng niềm tin này, một số thầy mo đã huyễn hoặc, thêu dệt những chuyện ma quỷ phức tạp hơn dẫn đến không ít câu chuyện đau lòng.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Thu Huyền không quên nhắc lại câu chuyện đau lòng vừa xảy ra ở huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Số là đầu năm 2011, vợ Lầu A Sở sinh được một bé gái. Nhưng không hiểu sao đứa bé cứ ốm đau quặt quẹo, nuôi mãi chẳng lớn. Thầy mo về cúng phán với Sở rằng, con gái anh ta bị "ma chài" làm, phải tìm ra và giết con ma ấy thì đứa bé mới lớn lên được.
Một hôm khi đi làm cỏ nương, Lầu A Sở vô tình gặp bà Vàng Thị Say, hàng xóm của mình. Đúng lúc gần giáp mặt với Sở, bà Say lại rẽ sang con đường mòn dẫn lên núi. Chính sự vô tình này đã thổi bùng lên trong Sở ngọn lửa nghi ngờ. Hắn cho rằng, vì bà Say có ý đồ xấu nên mới cố tình tránh mặt. Sự nghi ngờ mù quáng của A Sở bị đẩy lên đỉnh điểm khi cô con gái ốm nặng và không qua khỏi. Hắn quyết định phải diệt trừ bằng được con "ma chài" theo lời thầy mo phán.
Nghĩ là làm, đêm hôm đó, Sở bịt kín mặt sau đó xách theo con dao phát nương đi về phía nhà bà Say. Quan sát thấy bà đang ngồi ăn cơm một mình trong nhà, Sở như con hổ dữ, cầm dao xông vào chém liên tiếp vào đầu, cổ làm bà Say chết ngay tại chỗ.
Phải mất rất nhiều thời gian, công sức, các điều tra viên mới phá xong vụ án này, đưa kẻ thủ ác ra trước ánh sáng bởi, có một thực tế đáng buồn là ngay cả khi lực lượng công an vào điều tra, không ít người dân vẫn tỏ thái độ bất hợp tác vì họ mù quáng nghĩ rằng, hung thủ chính là kẻ đã "thay trời hành đạo", thay mặt nhân dân trừ gian diệt ác.
Nhà nghiên cứu văn hóa Thu Huyền cho rằng, hủ tục từ mê tín dị đoan khi bị đẩy đến mức mù quáng bao giờ cũng để lại những hậu quả đau lòng. Nhiều nơi do chính quyền và lực lượng chức năng làm tốt công tác phòng ngừa đã ngăn chặn được các vụ án nghiêm trọng, nhưng thực tế, vẫn đang tồn tại không ít hệ lụy từ những hủ tục này.
Những người bị nghi là ma chài có thể không bị dân bản tự xử, nhưng họ vẫn bị cộng đồng, gia đình xa lánh, ghẻ lạnh, phân biệt đối xử; thậm chí bị hành hung, gây thương tích. Và, sự kì thị bị đẩy lên đỉnh điểm khi họ bắt buộc phải rời bỏ quê hương, bản quán.
Theo Nguoiduatin.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn