Từ vụ bắt Dũng “Pa-lex-tin”- tay “giang hồ” khét tiếng, cầm đầu ổ nhóm 26 tên lưu manh chuyên nghiệp, vụ bắt Tuấn “con” - kẻ gây ra 3 vụ án đặc biệt nghiêm trọng với 27 tên tay chân thân tín, vụ bắt Nguyễn Minh Đức - kẻ cướp tiệm vàng Kim Trang cố thủ với súng và lựu đạn, đến chuyên án VA145P bắt gọn đám “thủy tặc” Báu “Cửu” lộng hành trên tuyến sông Hồng… Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Đội 4), Công an thành phố Hà Nội đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, khả năng phá án trong mọi lĩnh vực, địa bàn.
“Chuyên gia” phá án
Hà Nội những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước - giờ trong ký ức của nhiều người chỉ còn là hình ảnh của chiếc cup 80, chiếc phích Rạng Đông hay những con đường thênh thang với toàn là xe đạp Thống Nhất… Không khói bụi ô nhiễm, không tắc đường kẹt xe, không chịu sức ép từ hàng triệu dân nhập cư - một Hà Nội những năm đầu cải cách kinh tế khó khăn với nhịp sống chậm rãi.
Có điều đặc biệt là chính trong những năm tháng bình yên ấy, ngày 2/3/1992, một lực lượng với cái tên “Hình sự đặc nhiệm” đã ra đời. Tiền thân là Đội đặc biệt thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, nay là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Thành phố Hà Nội.
Những chiến sĩ lên đường nhận nhiệm vụ từ ngôi nhà số 7 phố Thiền Quang - Hà Nội |
Đội Cảnh sát hình sự Đặc nhiệm có nhiệm vụ: Phòng chống khủng bố, bạo loạn, giải cứu con tin...; phòng chống các loại tội phạm nguy hiểm như giết người, cướp tài sản, tội phạm cướp có vũ trang, các băng, ổ, nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, côn đồ hung hãn, đâm thuê chém mướn, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, đối tượng buôn bán, tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép; truy bắt số đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm và cuối cùng là thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khác mà cấp trên giao phó.
4 nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng mà mới chỉ nghe qua, chúng tôi đã thấy muôn vàn những hiểm nguy. Thế nên, tại đại bản doanh số 7 phố Thiền Quang của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Hà Nội, Đội 4 - đội hình sự đặc nhiệm luôn là lực lượng thiện chiến, chuyên gia khám phá các vụ trọng án, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng và các chuyên án phức tạp nhất.
20 năm qua, kể từ ngày thành lập, Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm đã điều tra, khám phá hàng nghìn vụ án, bắt giữ vài nghìn đối tượng phạm pháp hình sự. Chỉ tính trong 10 năm (từ năm 1997 - 2007), đơn vị đã xác lập và khám phá 133 chuyên án, bắt gần 470 đối tượng, triệt phá gần 600 ổ nhóm lưu manh chuyên nghiệp… thu giữ gần 200 vũ khí nóng, hơn 300 ô tô xe máy… cùng nhiều tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng…
Các chiến sĩ luyện tập võ thuật |
Còn nhớ đầu năm 1997, Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp xe máy có giá trị lớn tại địa bàn công cộng và trong trụ sợ cơ quan Nhà nước. Vụ việc gây hoang mang dư luận, bởi số lượng xe mất cắp được xác định lên đến hàng trăm chiếc. Bọn tội phạm hoạt động tinh vi, có sự câu kết chặt chẽ, liên quan đến nhiều tỉnh thành.
Xác định phải tìm bằng được bọn tội phạm, chuyên án 421T được xác lập. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng trinh sát, mật phục, lần tìm dấu vết, Đội hình sự đặc nhiệm đã bắt giữ, làm rõ 101 đối tượng gây ra 120 vụ trộm cắp tại 8 tỉnh thành phố phía Bắc.
Chuyên án kết thúc thành công đã gây tiếng vang cả nước. Người ta bắt đầu biết đến một lực lượng đặc biệt thuộc Công an thành phố Hà Nội. Tuy quân số mỏng, chỉ là một đội nghiệp vụ nhưng cảnh sát hình sự đặc nhiệm luôn có mặt tại các điểm “nóng”, có chức năng, nhiệm vụ lớn; có vị trí quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự của thủ đô.
Đội 4 - Đội “đặc biệt”
Thoạt đầu, mới nghe chức năng “phòng chống các loại tội phạm nguy hiểm như giết người, cướp tài sản, truy bắt số đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm...” nhiều người cứ nghĩ, công việc của Đội đặc nhiệm hình sự giống cảnh sát hình sự thông thường.
Đúng là cũng bảo vệ hiện trường, cũng truy tìm dấu vết, thu thập chứng cứ; cũng tổ chức điều tra và phá án như các đội nghiệp vụ khác của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, nhưng đội hình sự đặc nhiệm còn có nhiệm vụ quan trọng là phòng chống khủng bố, bạo loạn, giải cứu con tin... Nhiệm vụ này đúng là đặc biệt, chỉ có cảnh sát hình sự đặc nhiệm mới đủ tinh thông nghiệp vụ và bản lĩnh để đương đầu với bọn tội phạm này.
Cách đây 13 năm, ngày 20/4/1999, tại làng văn hóa Việt- Nhật ở 14 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội xảy ra vụ cướp tài sản, bắt cóc trẻ em và đe dọa giết người nước ngoài. Vụ án đặc biệt nghiêm trọng bởi kẻ thủ ác một tay ôm cháu Sugimoto Torahiko 6 tháng tuổi người Nhật, một tay dí dao vào cổ, khống chế mẹ cháu bé là bà Sugimo Togeko phải đưa 3000 USD, nếu không sẽ giết cháu bé.
Từ tính chất manh động của kẻ phạm tội, từ yếu tố nhạy cảm của vụ việc liên quan đến tính mạng người nước ngoài; đội hình sự đặc nhiệm được điều đến hiện trường. Bí mật bám theo xe đối tượng, nhiều lần tìm cách tiếp cận song không thành, đến 15h15 cùng ngày, khi xe chạy đến ngã 3 Than Muội, huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn), phát súng duy nhất đầy bản lĩnh và chuẩn xác cao độ của Đội trưởng Đội hình sự đặc nhiệm lúc bấy giờ đã giải thoát thành công con tin và buộc tên Nguyễn Hoàng Tuấn - đối tượng từng có 2 tiền sự về tội gây thương tích phải cúi đầu quy án.
Vụ giải cứu con tin xảy ra đã lâu song đến tận bây giờ, công an các đơn vị, địa phương vẫn còn nhắc đến như một trong các vụ án kinh điển, ghi nhận tinh thần mưu trí, dũng cảm và tài nghệ của các trinh sát hình sự đặc nhiệm Hà Nội…
Chiến công là thế, tuy nhiên, đằng sau niềm vui phá án là những nỗi niềm đầy cảm thông của người lính đặc nhiệm. Đã bao cái Tết, trung tá Võ Hồng Phương - Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm không được đón giao thừa cùng vợ con; đã bao năm công tác, Thiếu tá Lê Khắc Sơn - Đội phó Đội 4 không xin nghỉ phép lấy một ngày...
Với cán bộ chiến sĩ của Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, mỗi một chuyên án, ngoài sức ép của dư luận, ngoài trách nhiệm phải tìm bằng được kẻ phạm tội, các anh còn mang nhiều day dứt bởi áp lực công việc đè nặng lên vai trò người cha, người chồng trong gia đình.
Với 29 cán bộ, chiến sĩ, tính trung bình mỗi năm, Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Công an thành phố Hà Nội tổ chức điều tra, phối hợp khám phá hàng trăm vụ án lớn nhỏ. Có những vụ án, chỉ đến khi lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm trực tiếp tham gia, vụ án mới được làm sáng tỏ. Có những chuyên án, chỉ cần nghe nói, người ta đã biết phá án thành công là cảnh sát hình sự đặc nhiệm.
Ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm, 26/12/2009, tức là hơn 17 năm sau ngày thành lập, Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Tập thể Anh hùng trong một đơn vị Anh hùng - niềm tự hào đó vừa là vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm giúp các anh, những người cảnh sát hình sự đặc nhiệm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vì sự bình yên, hạnh phúc của thủ đô thân yêu./.
Theo vov.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn