Là cái nôi của điệu hò ví giặm nhưng Hà Tĩnh đi sau Nghệ An trong công tác bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa này. Hiện hai tỉnh đang bắt tay phối hợp lập hồ sơ đưa dân ca ví giặm trở thành Di sản Văn hóa quốc gia và tiến tới đệ trình UNESCO công nhận dân ca ví giặm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Phan Thư Hiền- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh để có cái nhìn tổng quát hơn về di sản này trong đời sống người dân ở mảnh đất địa linh, nhân kiệt này.
+ Sau thành công của Liên hoan dân ca ví giặm lần đầu tiên được hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh phối hợp tổ chức, Hà Tĩnh đã làm những gì trong lộ trình triển khai thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận dân ca ví giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thưa bà?
- Sau khi có chủ trương phối hợp với tỉnh Nghệ An lập hồ sơ trình Bộ VHTTDL công nhận dân ca ví giặm là di sản cấp quốc gia và hướng tới lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng tích cực chỉ đạo ngành văn hóa chú trọng nhiều biện pháp. Trong đó, tích cực triển khai công tác tuyên truyền quảng bá như tổ chức các hội thảo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn, đặc biệt là liên hoan câu lạc bộ dân ca toàn tỉnh nhằm đẩy mạnh sinh hoạt của các câu lạc bộ dân ca ví giặm.
Bà Phan Thư Hiền: “Trong nhân dân, tình yêu đối với ví giặm còn rất lớn và chỉ cần khơi lại là sẽ sôi nổi”
Công tác điền dã điều tra thu thập các tài liệu, thống kê các làn điệu, các thể loại dân ca ví giặm trên địa bàn Hà Tĩnh cũng được chúng tôi thực hiện hoàn thiện và lập hồ sơ cùng với Nghệ An đề nghị Bộ VHTTDL công nhận dân ca ví giặm là di sản văn hóa quốc gia.
+ Nếu như Nghệ An có thế mạnh là lưu giữ dân ca ví giặm qua các câu lạc bộ thì được biết thế mạnh của Hà Tĩnh là ví giặm đang còn sức sống trong nhân dân. Vậy bà có thể đánh giá về sinh hoạt dân ca ví giặm trong đời sống nhân dân hiện nay ở địa phương?
- Hà Tĩnh còn nhiều vùng quê có bản sắc riêng, là cái nôi của dân ca ví dặm như hát ví phường vải Trường Lưu (huyện Tân Lộc) hát ví phường nón xã Tiên Điền (Nghi Xuân), hát giặm ở Thạch Hà. Đặc biệt, vùng đất Hà Tĩnh gắn với nhiều danh nhân, danh sĩ, nghệ nhân dân gian nổi tiếng như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Ánh…Bởi vậy, trong nhân dân, tình yêu đối với ví giặm còn rất lớn và chỉ cần khơi lại là hoạt động sẽ sôi nổi.
Có thể nói về bảo tồn và gìn giữ thì Hà Tĩnh đi chậm hơn Nghệ An đặc biệt trong hệ thống xây dựng câu lạc bộ. Do xuất phát từ tỉnh nghèo nên tập trung lo các vấn đề kinh tế, xã hội khác. Bên cạnh đó, di sản văn hóa vật thể cũng được quan tâm hơn di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, tỉnh đã chú trọng và quan tâm hơn. Đặc biệt là rất chú trọng đội ngũ nghệ nhân. Hiện lực lượng này còn rất mỏng. Trên toàn tỉnh chưa đầy 100 nghệ nhân tuổi trung niên trở lên, còn thế hệ cao tuổi thì chưa đếm được trên đầu ngón tay.
+ Tỉnh có chủ trương gì để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này trong đời sống, đặc biệt là với thế hệ tiếp nối?
- Hiện Hà Tĩnh có gần 100 câu lạc bộ dân ca, trong đó có dân ca ví giặm của các huyện thị, TP, các xã phường thị trấn và các trường học. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật, trung tâm văn hóa tỉnh, các trường nghệ thuật trong tỉnh và phối hợp với Sở Giáo dục Đảo tạo đưa dân ca vào trường học và dạy trên sóng phát thanh truyền hình của tỉnh. Hiện nay, việc dạy dân ca ví giặm đang áp dụng ở bậc tiểu học và thí điểm ở huyện Nghi Xuân.
Riêng về các nghệ nhân, để tôn vinh và động viên họ lưu giữ và truyền dạy, sở VHTTDL đã gửi hồ sơ đề nghị Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận 13 nghệ nhân có công bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Nhiệm vụ trước mắt chúng tôi tiếp tục động viên các nghệ nhân cao tuổi trao truyền lại những giá trị họ đang nắm giữ thông qua các lớp tập huấn, truyền dạy. Thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, tỉnh cũng đang đẩy mạnh sinh hoạt ví dặm trong toàn tỉnh.
Bảo tồn không gian diễn xướng cho ví giặm mới bảo tồn được di sản lâu dài
Hiện nay, việc hỗ trợ động viên cho các nghệ nhân chưa được là bao. Do khó khăn chung của tỉnh nên chưa có chính sách riêng, chỉ dịp lễ tết, các dịp liên hoan hoặc các nghệ nhân đau ốm thì tỉnh mới gặp mặt, động viên. Chúng tôi cũng đã đề xuất các cấp có thẩm quyền trình chính sách đối với các nghệ nhân, đặc biệt là chính sách thu hút nhân tài và đặc thù với các nghệ sỹ, nghệ nhân.
Với đối tượng trẻ khuyến khích thu hút các em có tài năng, đam mê. Các em đoạt giải cao trong các hội diễn thì đặc cách thu hút vào các trường nghệ thuật, tuyển sinh những học viên có năng khiếu vào đào tạo tại trường văn hóa nghệ thuật của tỉnh. Trong các hội thi hội diễn chúng tôi cũng dành nhiều cơ cấu giải cho các em trẻ tuổi.
+ Hình thức gìn giữ dân ca ví giặm ở các câu lạc bộ có khả thi nhưng lại vấp phải nỗi lo sân khấu hóa. Bởi ví giặm được sinh ra và tồn tại, phát triển trong đời sống lao động, sản xuất?
- Đúng vậy, câu lạc bộ chỉ là hình thức để tập hợp, bảo tồn cấp bách thôi. Bảo tồn không gian diễn xướng cho ví giặm mới bảo tồn được di sản lâu dài. Thực tế, để bảo tồn trong đời sống dân gian thì hiện nay, không gian diễn xướng, không gian văn hóa của ví giặm không còn nữa. Nhưng hiện nay Hà Tĩnh vẫn có chủ trương bảo tồn một số làng cổ thuần Việt như Quỳnh Lưu, Cương Gián, Tiên Điền… đó là những làng cổ còn giữ được phong cách, kiến trúc không gian cổ trên địa bàn tỉnh. Hy vọng, đó sẽ là những cái nôi nuôi dưỡng, gìn giữ không gian của ví giặm.
+ Xin cám ơn bà về cuộc trò chuyện!
Theo Toquoc.gov.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn