Xã hội đang rối loạn giá trị
Ở góc độ gia đình, bố mẹ nhiều khi cũng chưa chú ý một cách đúng mức đến việc bảo vệ con trẻ trước tệ nạn hiếp dâm. Cha mẹ hằng ngày lo cơm áo gạo tiền là chính chứ chưa nghĩ đến bảo vệ con em. Đọc những tin tức về hiếp dâm, đa số chưa nghĩ được rằng có thể con mình cũng rơi vào tình huống đó với điều kiện nhất định. Người ta cứ nghĩ nó xa xôi ở đâu đấy. Còn nhà trường thì mới chú ý dạy kiến thức chứ chưa chú trọng rèn kỹ năng sống cho trẻ.
Một em bé 8 tuổi ở Sơn Tây (Hà Nội) bị hàng xóm hiếp dâm, cùng lúc đó thì hắn cũng giết luôn đứa em 4 tuổi của nạn nhân. Ngay sau đó, cháu bé 11 tuổi ở Bắc Giang bị ông họ hiếp dâm rồi giết chết... Rất nhiều vụ hiếp dâm kinh hoàng liên tiếp, bà có suy nghĩ gì?
Theo tôi, đây có lẽ là biểu hiện của những lỗ hổng về luật pháp và sự xuống cấp về đạo đức. Nó xảy ra trong bối cảnh xã hội đang trong giai đoạn chuyển đổi. Sự rối loạn về lối sống, rối loạn các giá trị thường xảy ra trong bối cảnh này. Trong khi đó, hệ thống pháp luật của ta lại chưa đủ mạnh để ngăn chặn. Và xét cho cùng thì những hiện tượng đó xẩy ra là có thể hiểu được.
Nhưng lý giải thế nào về việc các vụ hiếp dâm ngày càng nhiều?
Ta nói các vụ việc hiếp dâm xuất hiện ngày càng nhiều phải nói đến vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng. Nó nhiều vì dạo này họ phát hiện ra nhiều hơn, ngăn chặn kịp thời hơn. Trước đây, có thể cũng có nhưng không được phát hiện kịp thời, không được đăng tải, nên ta có suy nghĩ là hiện nó đang nhiều hơn.
Dưới góc độ là một chuyên gia xã hội học gia đình, bà lý giải thế nào về hành động hiếp giết đầy man rợ?
Nó gồm rất nhiều thứ. Xã hội càng phát triển, người ta càng được tiếp cận với nhiều kênh thông tin khác nhau. Nó gây ra tâm lý tò mò, muốn thử sức, muốn trải nghiệm... Người có nhận thức tốt thì sẽ có bộ lọc tốt, ngược lại người hiểu biết xã hội kém sẽ có bộ lọc không tốt. Bộ lọc không tốt dẫn tới những hành vi không tốt.
Có người đặt dấu hỏi về sự xuống cấp của đạo đức xã hội?
Không hẳn. Người gây ra hành vi đó không có được bộ lọc đầy đủ và thường là không hiểu pháp luật. Người ta không nghĩ hành động đó bị pháp luật trừng trị như thế nào và phải chịu hậu quả gì. Sự xuống cấp đạo đức ở đây không nên hiểu theo cách đánh đồng cả xã hội. Như tôi vừa nói, khi xã hội đang trong quá trình chuyển đổi cái cũ và cái mới thì ở góc độ nào đó, hiếp dâm chính là biểu hiện của đạo đức xuống cấp ở một số người. Nhưng đó là hậu quả tất yếu của cái sự chuyển đổi đó.
Vậy khi nào cái sự chuyển đổi đó sẽ kết thúc thưa bà?
Không ai trả lời được cái sự chuyển đổi ấy khi nào sẽ kết thúc. Phải chờ vào sự phát triển tự nhiên của xã hội.
ThS Bùi Thị Hương Trầm, Viện Gia đình và Giới, Viện KHXH Việt Nam.
Trước đây, tình dục là bí mật
Có phải cùng với sự phát triển của xã hội, tình dục được nhìn nhận ngày càng thoáng hơn không thưa bà?
Nếu như trước đây, tình dục là một cái gì bí mật, không ai nói với ai và cũng không có kênh nào để tìm hiểu thì nay người ta đã suy nghĩ thoáng hơn về nó. Và rõ ràng, ở những nước càng phát triển, quan niệm về tình dục càng công khai.
Khi tình dục được coi là một điều bình thường ai cũng biết, liệu tình trạng hiếp dâm có được ngăn chặn không?
Ta không thể đánh đồng hai vấn đề hiếp dâm và cởi mở về tình dục. Ngay cả ở những nước phát triển, họ công nhận mại dâm là hoạt động hợp pháp thì cũng vẫn có hiếp dâm. Không phải chúng ta cởi mở về tình dục, công nhận mại dâm, thì chúng ta hạn chế được tình trạng hiếp dâm. Chúng ta phải nhìn lại những nguyên nhân, giải quyết nó, thì mới giải quyết được vấn đề.
Ý bà hiếp dâm không hẳn là nhu cầu sinh lý?
Chính xác. Người ta ai cũng có nhu cầu tình dục, tại sao không phải ai cũng đi hiếp dâm. Rõ ràng thứ tạo nên kẻ hiếp dâm bắt nguồn từ rất nhiều những yếu tố khác nhau. Thỏa mãn nhu cầu tình dục chỉ là một phần trong những nguyên nhân thôi. Ví dụ như tên hiếp dâm em bé 8 tuổi ở Sơn Tây vừa rồi. Hắn ta cũng có vợ và có con. Và một em bé 8 tuổi hẳn là không thể hấp dẫn giới tính đến mức hắn phải thực hiện hành vi thú tính đó.
Nhưng rõ ràng, nói đến hiếp dâm là ta vẫn nghĩ ngay đến tình dục?
Ở Việt Nam mình chưa có những nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề mỗi năm có bao nhiêu vụ hiếp dâm xẩy ra trong thực tế, hậu quả và cách giải quyết thế nào. Ai cũng thấy hiếp dâm là nghĩ ngay đến tình dục. Nhưng phải xem xét cái hoàn cảnh, môi trường như thế nào đẩy họ tới hành động đó. Ví dụ như bị kích thích bởi rượu, thuốc... hành vi hiếp dâm chỉ là cụ thể hóa những yếu tố đó.
Có thể hiểu là hành vi hiếp dâm ngày càng nhiều đó không thể hiện rằng người ta đang thiếu thốn về tình dục?
Đương nhiên là như thế, không thể nhìn nó đơn giản như thế được. Ta phải nhìn từ góc độ xã hội, gia đình, các phương tiện thông tin đại chúng, pháp luật... như thế nào. Ta đã trừng trị nghiêm khắc loại tội phạm đó hay chưa? Pháp luật không xử nghiêm, một phần vì phía những người thực thi pháp luật, một phần vì chính gia đình của những nạn nhân đó. Khi họ còn ngại ngùng, xấu hổ, thì chính pháp luật cũng không thể xử lý được.
Mại dâm hợp pháp không giải quyết được vấn đề
Theo bà, có thể ngăn chặn tận gốc rễ tình trạng hiếp dâm?
Để giải quyết bài toán này thì phải giải quyết các nguyên nhân sinh ra nó như tôi nói lúc đầu. Nó bao gồm giáo dục, xã hội, pháp luật, đạo đức... chung của toàn xã hội.
Thế thì khó và lâu quá?
Chắc chắn rồi. Nó là một vấn đề xã hội. Phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc mới giải quyết được.
Nên chăng chúng ta công nhận mại dâm là một hoạt động hợp pháp. Có thể sẽ hạn chế được phần nào tình trạng hiếp dâm?
Tôi nghĩ đó không phải là gốc rễ của vấn đề. Hơn nữa, để công nhận tính hợp pháp của hoạt động mại dâm thì việc kiểm soát hoạt động này phải rất nghiêm. Ta chưa đủ lực để làm.
Bà ủng hộ hay phản đối mại dâm hợp pháp?
Tôi cho rằng, nếu pháp luật của ta đủ mạnh để kiểm soát được hoạt động này thì công nhận nó là hợp pháp cũng không phải là vấn đề lớn lắm. Ở Đức, họ công nhận mại dâm nhưng kiểm soát rất chặt chẽ. Ví dụ như họ chỉ cho hoạt động ở những khu phố nhất định. Nếu hoạt động ở trên đường phố khác thì có các hộp bán thẻ được phép hành nghề với giá rất cao.
Còn ở Việt Nam thì sao?
Năm vừa rồi, tôi có làm điều tra về khoảng 400 người đang hoạt động mại dâm về tự do tình dục và công nhận mại dâm. Kết quả cho thấy, để lựa chọn chấp nhận hoặc không chấp nhận mại dâm là một lựa chọn chính sách rất khó khăn. Việc đầu tiên bây giờ tôi nghĩ không phải là đặt vấn đề chấp nhận hay không chấp nhận nó, mà vẫn đề là phải nâng cao năng lực cho những người làm quản lý trực tiếp hoạt động này.
Xin cảm ơn bà!
Trường hợp 2 em bé ở Sơn Tây là ví dụ điển hình của việc bố mẹ thiếu trách nhiệm trong việc quan tâm tới con cái. Bố mẹ đi làm, để hai con ở nhà mà không có người lớn chăm sóc. Nếu ở các nước phương Tây là bố mẹ có thể bị kiện ra tòa vì họ chưa thực hiện đủ nghĩa vụ của người làm cha mẹ, là bảo vệ được con mình. Họ có thể bị tước quyền làm cha mẹ. Thế nhưng, ở Việt Nam chưa làm được như vậy. Thậm chí nhiều gia đình có con em là nạn nhân bị hiếp dâm còn cảm thấy xấu hổ, cố gắng giấu giếm hoặc chọn giải pháp thỏa hiệp bồi thường bằng tiền mà không đưa ra pháp luật. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn