“Liên khúc” 138
Với cái mác “chủ quán nhậu” ở Hà Nội cần mối mua “rượu 138” về bán, tôi bắt xe lên TP. Yên Bái gặp Duy “ngáo”. Trước đó Duy “ngáo” đã có lời hứa chắc nịch: “Ông cứ lên đây. Đầu tiên tôi cho ông thử hàng. Rồi muốn mua gì anh em bàn bạc sau”.
Vừa đặt chân xuống bến xe Yên Bái, đã thấy Duy “ngáo”xuất hiện.Hắn ra hiệu cho tôi lên xe, chở thẳng về khách sạn T.M, đưa ngay vào một phòng đã đặt trước. “Thay đồ rồi xuống ngay. Anh em đi “thử hàng” luôn!”, Duy “ngáo” nói.
Từ khách sạn, hắn chở tôi thẳng đến một quán nhậu lớn nằm trên đường Trần Phú. Chưa kịp ngồi vào bàn, Duy “ngáo” lao vội vào nhà bếp của quán. Trở ra với bộ mặt hứng khởi, hắn bắt đầu nói một tràng như pháo nổ: “Hôm nay tôi đãi ông “liên khúc 138”. Canh xương 138, lẩu 138, 138 xào bò và nhất là cái món ông hỏi “rượu 138. Nhưng không có tôi đố ông gọi được đấy. Khách lạ mặt đến quán, còn lâu họ mới dám bán. Không may vớ phải mấy anh “chìm” gài vào thì chết đứt”.
Cây thuốc phiện được vớt ra từ bình ngâm rượu.
Không may cho Duy “ngáo”, chủ quán thông báo hết hàng. Thời điểm này chưa phải chính vụ trồng cây thuốc phiện nên không có cây non làm món ăn. Chỉ còn “rượu 138”, nhưng là ngâm cây khô. Duy “ngáo” gạt đi: “Uống rượu mà không có mồi thì uống làm quái gì. Đã thế, mai tôi dẫn ông lên Nghĩa Lộ. Uống 138 trên đấy cho nó chuẩn. Lôm côm vớ được quán nào có rau tươi thì lại “xuân”.
Đúng 6h sáng hôm sau, Duy “ngáo” đã có mặt trước cửa khách sạn. Chẳng kịp cho tôi ăn uống gì, hắn giục lên xe phóng đi luôn. “Từ đây lên Nghĩa Lộ có hơn 80 cây số. Phóng nhanh chỉ hơn 1 tiếng là đến nơi. Vẫn kịp ăn sáng, uống rượu trên đó”, Duy “ngáo” nói. Trên đường đi, Duy “ngáo” thủng thẳng phân tích cho tôi hiểu vì sao “rượu 138” lại đắt khách như thế. Và, cả cách nhận biết rượu “xịn” rượu “đểu” thế nào cho chuẩn. “Chẳng phải ai xa lạ mà chính dân bản địa ở Nghĩa Lộ là những người đầu tiên “phát minh” ra loại rượu này. Cách đây khoảng gần chục năm, khi trồng cây thuốc phiện, người ta chỉ lấy nhựa cây làm “cơm đen”. Còn lại đều quẳng đi hết. Mấy anh Mông (người dân tộc Mông – PV) đem ngâm rượu mang lên rẫy làm thuốc chữa đau bụng. Rồi có lần mấy tay bợm nhậu dưới thành phố lên uống thử. Thấy hay quá nên nảy ra sáng kiến làm rượu 138”, Duy “ngáo” kể.
Theo Duy “ngáo”, rượu 138 ngoài ngoài việc “nhậu cho sướng” còn rất hiệu nghiệm trong khoản sinh lý của đàn ông. Đây cũng chính là lý do dù bị cấm nghiêm ngặt nhưng rất nhiều cánh mày râu vẫn săn lùng rượu về uống và làm quà biếu cho nhau: “Trước lúc lâm trận, làm 3 chén mắt trâu là có thể kéo dài gấp đôi thời gian “chiến đấu”. Cái này cũng chữa bệnh mất ngủ, đau lưng rất tốt. Nhưng không được dùng quá nhiều, dễ bị phát ban và gây nghiện đấy”.
Cũng theo Duy “ngáo”, do được săn lùng nhiều, các quán ăn ở Yên Bái đua nhau tìm “rượu 138” về bán để “câu khách”. Thời gian gần đây, họ còn tìm cách chế biến các món nhậu từ cây thuốc phiện non để tăng thêm độ hút khách. “Cây thuốc phiện non vẫn được dân bản địa trên này dùng như rau xanh. Ăn thơm và ngon hơn cả giống cải Mèo. Nhưng phải biết cách chế biến thì mới ngon được. Thường thì chỉ có thể xào, nấu canh, nấu lẩu thôi. Cây thuốc phiện non nấu hợp nhất là với thịt bò, xương bò và lòng bò. Nấu với các loại thực phẩm khác không hợp, ăn chán lắm”, Duy “ngáo” nói.
Muốn kiểu gì cũng có
Dừng xe trước cổng chợ Mường Lò, Duy “ngáo” bắt tôi đợi bên ngoài. Khoảng 15 phút sau, hắn chạy ra vời tôi lên xe rồi phóng thẳng đến bến xe huyện Văn Chấn. Cánh cổng bến xe chừng 200m, hắn bốc điện thoại gọi. Một lúc sau, một người đàn ông trung niên mặt mũi, tay chân đầy sẹo thất thểu đi ra. Duy “ngáo” vào đề luôn: “Anh “cùi”, đây là thằng em mới ở Hà Nội lên. Anh dẫn nó đi mua một bình rượu 138 loại 10 lít. Giá cả bao nhiêu anh cứ nói thẳng với nó. Chỗ người quen, anh kiếm hàng chuẩn cho em”. Gã đàn ông lạ mặt nhìn một lượt khắp người tôi rồi ra giá: “Đợt này không chính vụ nên giá hơi chát một tí, 1,5 triệu/bình 10 lít. Ông cắt “phế” cho tôi 300 ngàn công dẫn mối. Tổng cộng 1,8 triệu, ra tiền luôn rồi đi theo tôi”. Thấy tôi chần chừ, anh ta quay mặt bước đi: “Hai ông cứ bàn bạc với nhau. Tôi đợi ở quán nước cổng bến xe. Khi nào xong qua đấy tìm tôi”.
Một vụ tàng trữ, buôn bán rượu 138 bị cơ quan CA phát hiện.
Duy “ngáo” mới giới thiệu đó là Phong “cùi”, một “con nghiện”lâu năm vào bậc nhất ở TX. Nghĩa Lộ. Phong “cùi” nổi tiếng không chỉ vì thâm niên làm bạn với “nàng tiên nâu” mà hắn còn rất giỏi trong việc tìm mạch máu trên tay cho những người mất “ven”.
“Mấy bác sĩ trên này thi thoảng vẫn phải nhờ đến hắn tìm ven cho bệnh nhân. Trông dữ dằn thế thôi nhưng sòng phẳng lắm. Hắn đã nói là giữ lời. Ông cứ ra đó đi với hắn. Tôi đợi ở đây, trong đấy có nhiều “chiến hữu” cũ, tôi vào không tiện”, Duy “ngáo” nói.
Theo chân Phong “cùi” vào một con ngõ nhỏ gần ngã ba Cầu Trắng, một thanh niên chừng 20 tuổi thấy Phong “cùi” liền ra hiệu cho cả hai chúng tôi đi theo. Cậu ta chỉ tay vào chiếc tủ gỗ cũ kỹ đặt cạnh bếp nấu ăn để ngổn ngang các bình rượu lớn nhỏ, bảo chúng tôi xem hàng. Phong “cùi” nhanh gọn: “Lấy cho anh bình 10 lít, loại xịn đấy”. Cậu thanh niên khệ nệ bê ra một bình nhựa lớn đựng đầy thứ nước màu xanh đen đục ngầu. Phong “cùi” chỉ vào bình: “Đây nhé, có đủ các thành phần: cây, lá, rễ, quả. Giờ không phải chính vụ nên toàn cây khô thôi, các quả này đều bị khứa lấy nhựa rồi”. Lấy cớ muốn mua loại rượu ngâm quả còn nguyên, tôi thoái thác không mua rồi ra hiệu cho Phong “cùi” rút lui. Đúng thỏa thuận trước, tôi móc ví đưa cho Phong “cùi” 300 ngàn đồng tiền môi giới, hắn đưa lại cho tôi 200 ngàn rồi nói với giọng tiếc rẻ: “Theo đúng luật, chưa tìm được hàng ưng ý, tôi chỉ lấy một ít tiền công. Ông muốn quả còn nguyên thì phải đặt trước. Khoảng 2-3 tháng nữa quay lên đây gặp tôi sẽ có ngay cho ông. Ông thích loại nào, kiểu gì cũng có hết”.
Khách sạn cũng bán “ma tửu”
Trong lúc làm thủ tục nhận phòng tại khách sạn T.M trên TP. Yên Bái, nhân viên lễ tân đem ra 2 bình rượu 138 loại 10kg mời chào tôi mua về làm quà. Nhân viên này ra giá mỗi bình giá 1,8 triệu đồng thời không quên quảng cáo: “Ở Yên Bái, rượu 138 là nổi tiếng nhất. Ai lên đây cũng phải lấy một bình về làm quà biếu, vừa rẻ vừa “độc” anh ạ”.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn