Hành trình tội lỗi của “cẩu tặc”

Thứ sáu - 09/06/2017 01:53
Tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định... “cẩu tặc” bị người dân phục đánh rất dã man nhưng bọn chúng vẫn không ngán mà còn ngang tàng hơn khi dám bắn chết một cán bộ ở Bắc Ninh hồi tháng 10. Tại TP. Hồ Chí Minh, bọn trộm chó cũng thường rình rập trên đường phố, vỉa hè để tìm cơ hội “tha” đi những chú cún thân thương của nhiều hộ gia đình. Chó đẹp được bọn chúng mang ra “chợ” chờ khổ chủ đến chuộc, còn chó xấu thì được bán cho các quán thịt cầy.


 
Người dân ở phường Phước Long B, Q9 vừa qua liên tục mất chó nên họ không dám thả rông như trước kia nữa. Ở đầu cầu Nam Long, đường D3, khu phố 6, trên bản tin nội bộ luôn có thông báo cảnh giác với bọn trộm chó. Bà Nguyễn Thị Lê Thu bày tỏ: “Tôi nuôi một con chó ngoại, đặt tên là Ken nhưng bị “cẩu tặc” bắt đi mất. Chúng tôi chia nhau đi tìm ở các quán thịt cầy, tiểu hổ dọc đường Đỗ Xuân Hợp, Dương Đình Hội, ra cả đường Lê Văn Việt nhưng đành thất vọng đi về”. Con chó mà bà Thu nuôi được tắm táp mỗi ngày, được may cả quần áo để mặc chống lạnh không biết giờ còn sống hay đã bị “xuống xác” (làm thịt).

Anh Nguyễn Thanh Lâm (ngụ P13, Q.Bình Thạnh) kể khổ: “Hôm rồi tôi mới thả con béc-giê ra khỏi nhà. Mấy giờ sau, không thấy nó về, cả nhà tôi tá hỏa đi tìm song vô vọng”. Nghe theo lời chỉ của những người hàng xóm, anh Lâm đến “chợ chó” Nguyễn Tri Phương, quần nát góc đường Nguyễn Thị Minh Khai, vào các quán thịt cầy ở gần cầu Bình Lợi, Bình Triệu nhưng cũng không thấy đâu. Vào các quán thịt cầy, anh Lâm hoảng hốt khi có hàng chục con chó đang chờ... làm thịt, kêu rống lên khi thấy người đi tìm. Theo anh Lâm thì để tránh bị phát hiện bọn “cẩu tặc” đã chuyển chó đi các quán thịt cầy ở xa để xẻ thịt. Một tuần sau, chú béc-giê của anh Lâm tự tìm đường về nhà. Khi đứng trước cổng, nó chỉ kịp kêu lên vài tiếng ư ử rồi ngã lăn quay, miệng sùi bọt mép vì bị ăn bả.


Nhan nhản quán cầy tơ

Hiện nay, bọn trộm chó thường đi từng nhóm, thông thường là bốn tên, ra tay vào sáng sớm khi các gia đình thả rông cho chó đi vệ sinh. Chúng thường mang kích điện và thả mồi để dẫn dụ chó. Các đối tượng này còn trang bị cả súng điện. Khi chó “dính mồi”, “cẩu tặc” sẽ dễ dàng lùa và bắt chó bỏ vào bao để tránh bị phát hiện rồi tẩu thoát. Bãi tập kết của chúng là một khu đất trống ở ngoại thành rồi phân chia nhau đi giao cho các quán nhậu để làm thịt.
Ngoài các chú chó đẹp được mang ra “chợ chó”, phần nhiều chó bị làm thịt để phục vụ cho nhu cầu của “thượng đế”. Người dân Sài Gòn đã quá quen thuộc với những khu vực tập trung các quán thịt cầy như: gần sân bay Tân Sơn Nhất, hẻm Cống Quỳnh, hệ thống quán Hai Mơ cạnh cầu Thị Nghè. Ngoài ra, nhiều con đường tại quận Gò Vấp hay cạnh đường ray, quận Tân Bình cũng có rất nhiều quán kiểu này.

Tại một quán thịt cầy có đông thực khách đang chiết tửu, chúng tôi lần ra dãy toilet phía sau và phát hiện nhiều lồng sắt đang nhốt chó. Chỉ vài ngày nữa thôi, các chú chó này sẽ bị thịt để làm món nhậu. Trong khi các dĩa mồi thịt chó được xử lý rất bắt mắt với nhiều loại gia vị để át mùi thì khâu chế biến rất dơ bẩn. Ông chủ quán dang tay tính tiền rồi không cần bao tay mà cứ vào xắt thịt, rửa chén bát nhớp nhúa đầy mỡ.

Không chỉ tại Sài Gòn, “cẩu tặc” cũng đang hoành hành tại nhiều tỉnh, thành khác. Ngày 12-12-2012, Công an huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) phát hiện Trần Anh Tỷ (27 tuổi), Trần Phú Nhân (24 tuổi) và Lê Mộng Cường (29 tuổi, đều ngụ địa phương) đi hai môtô từ xã Mã Đà về thị trấn Vĩnh An có dấu hiệu khả nghi nên chặn lại kiểm tra. Lực lượng tuần tra tìm thấy trên xe của bọn chúng ba con chó nặng 51kg đã chết, một kích điện. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai vừa trộm chó tại xã Mã Đà.

Tiếp đó, ngày 13-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) cũng hoàn tất hồ sơ, khởi tố “cẩu tặc” Phạm Quốc Dũng (SN 1984, ngụ TP. Quy Nhơn) và cặp vợ chồng Lương Mạnh Cường (SN 1967), Nguyễn Thị Nhung (SN 1968, ngụ Đắk Nông) về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Trước đó, tối 11-12 công an phát hiện cặp vợ chồng này đang mua chó trộm của Dũng. Tại hiện trường, công an thu giữ một súng bắn điện tự chế, một súng bắn bi thủy tinh... Được biết, Dũng vừa chấp hành án một năm tù giam cũng về tội ăn trộm chó. Có lẽ mức án vừa trải qua nhẹ hều nên khi ra tù Dũng không ăn năn hối cải mà tiếp tục “ngựa quen đường cũ”.

Không may mắn như các đối tượng trên, nhiều “cẩu tặc” ở các tỉnh Bắc Trung bộ và miền Bắc đã bị người dân mai phục, vây bắt đánh đến chết. Tại Nghệ An, xe máy của đối tượng trộm chó còn bị đốt cháy đen sạm, “treo” lên... cây cột điện để cảnh báo đồng bọn của chúng. Tuy nhiên, bọn “cẩu tặc” vẫn lén lút hoạt động. Ở thôn quê, con chó theo chủ ra đồng, vào tận giường ngủ nên người nông dân rất yêu thương nó. Vì vậy, khi phát hiện “cẩu tặc”, họ liên minh với nhau, vây bắt và đánh hội đồng bọn trộm chó cho hả giận.

Sở dĩ “cẩu tặc” vẫn có đất sống vì chó dễ bắt, đối tượng bắt chó thường là những thanh niên vô công rỗi nghề, lười lao động. Để xóa sổ nạn “cẩu tặc”, cơ quan tòa án cần đem những vụ “cẩu tặc” ra xử điểm, xử lưu động giống như với các tên thủ ác để làm gương cho kẻ khác.

Theo congan.com.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây