Tàu sân bay của Mỹ tại vịnh Subic.
Theo đó, tới năm 2020 Mỹ sẽ đưa một lượng lớn hạm đội tàu chiến đến Thái Bình Dương nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Báo chí quốc tế và khu vực, ngày 15.10 đồng loạt đưa tin cho biết quan chức Mỹ và Philippines đã xác nhận rằng vịnh Subic, từng là căn cứ của Hạm đội 7. Bộ Ngoại giao Philippines đồng thời xác nhận việc triển khai luân phiên các lực lượng Mỹ tại Subic đã được tiến hành từ năm 2011.
“Tổng thống Benigno Aquino cho phép điều này với sự chấp thuận của cả hai viện của Quốc hội, và được đa số người dân Philippines đồng tình ủng hộ”- ông Edilberto Adan - một vị tướng đã nghỉ hưu và là cựu giám đốc của chương trình hiện đại hóa quân sự Philippines - cho biết. “Mỹ sẽ không quay trở lại các căn cứ mà họ đã lập vào năm 1991, nhưng họ sẽ có mặt thường xuyên và được chào đón ở đây”- ông Adan nói.
Cảng quân sự vịnh Subic, cùng với căn cứ không quân Clark ở gần đó (thuộc Philippines) là những cơ sở đồn trú quan trọng của Mỹ, nước cai trị Philippines trong suốt thời gian Thế chiến thứ II. Các căn cứ này cũng từng cung cấp hỗ trợ hậu cần cho Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam những năm 1970, và tiếp tục giữ vai trò chiến lược quan trọng trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Căn cứ không quân Clark bị đóng cửa vào năm 1991, sau vụ núi lửa Pinatubo gần đó phun trào biến căn cứ này thành tro và không còn có thể sử dụng được nữa.Trong khi đó, căn cứ hải quân Subic, nằm ở phía bắc thành phố Olangapo nhìn ra biển Đông, không bị hề hấn gì sau vụ núi lửa phun trào này.
Tuy nhiên, trước tinh thần dân tộc và các cuộc biểu tình mạnh mẽ của người dân đòi quân Mỹ rút khỏi Philippines, năm 1992 Thượng viện nước này đã bỏ phiếu chấm dứt hợp đồng cho Mỹ thuê căn cứ Subic. Tuy nhiên, đến năm 1999, Philippines lại thông qua một thỏa thuận về các chuyến viếng thăm quân sự với Mỹ và cho phép hai nước nối lại các hoạt động tập trận chung quy mô lớn...
Về phía mình, Philippines đã nhiều lần thể hiện sự quan ngại về sự tranh chấp của Trung Quốc trên biển Đông và cho rằng Trung Quốc sử dụng chiêu thức “ngoại giao bắt nạt” khi giải quyết tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa 2 nước. Cho nên, dù không nói ra, nhưng việc Philippines mở rộng cửa đón tàu chiến Mỹ vào căn cứ Subic là nhằm đối phó với Trung Quốc. Hơn nữa, giữa Philippines và Mỹ có một hiệp ước phòng thủ chung, nếu Philippines bị tấn công, Mỹ sẽ có trách nhiệm can thiệp.
Cảng vịnh Subic được đánh giá là một trong các vị trí xung yếu chiến lược bởi nó nằm ở vị trí trung tâm Thái Bình Dương, hướng thẳng ra biển Đông, có thể kiểm soát được đường lối giao thương hàng hóa, xuất nhập dầu mỏ của Trung Quốc từ Trung Đông. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích nếu so về tầm chiến lược quân sự, thì hải cảng này xếp sau cảng Cam Ranh vốn nằm trong lòng biển Đông, có tầm “tác xạ” thẳng vào nhiều vùng, khu vực thuộc Trung Quốc.
Theo laodong.com.vn