Trước đây, những lời nói tục tĩu, văng bậy hầu như chỉ xuất hiện ở những người được cho là "ít học". Nhưng gần đây nạn chửi bậy đã lên đến mức bao động khi nó tràn ngập khắp nơi.
Từ các em học sinh, cầu thủ, diễn viên cho đến cả giới trí thức… đều có thể sẵn sàng văng những từ thô lỗ hoặc đơn giản nhất là các câu chửi thề nơi cửa miệng. Rác ngôn ngữ xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí còn có cả "Hội những người thích nói tục", "cẩm nang chửi bậy" tràn lan trên mạng.
Đẳng cấp... văng bậy
Thay vì chào hỏi nhau bằng những câu thông thường, teen văng những từ thô lỗ để mào đầu. Nhìn người đi đường thấy "ngứa mắt" teen văng câu chửi thề tục tĩu. Bình luận, nhận xét về nhân vật A, B nào đó, các em cũng văng đủ thứ trên đời.
Những câu chửi bậy một thời chỉ xuất hiện ở những người ít học, những người buôn bán ghê gớm nơi góc chợ thì nay được không ít các cô gái, chàng trai mặt búng ra sữa văng ra hàng ngày.
Nhiều người lầm tưởng cách nói tục tĩu, chửi thề chỉ có ở những học sinh thuộc dạng lười học, lêu lổng, đầu tóc quần áo "bụi bặm" nhưng thực tế, không ít những em học sinh có bề ngoài trông rất trí thức với kính cận, quần áo phẳng phiu cũng văng bậy khi nói chuyện.
Thậm chí, trên diễn đàn mạng xã hội còn xuất hiện cả những "băng nhóm" được thành lập với cái tên "Hội những người thích nói tục", "Hội những người chửi bậy tứ tung nhưng tôn sùng thánh thiện" với lượng thành viên lên đến hàng ngàn người.
Một "Cẩm nang chửi bậy" khi được tải lên, lập tức gây xôn xao khắp cộng đồng mạng. Các teen thì thi nhau bình luận, nhận xét và rất nhiều diễn đàn mạng khác cũng lập tức tải về như một tin sốt dẻo, nóng bỏng nhất.
Lý giải về hội chứng văng bậy, không ít teen cho rằng phải biết văng bậy mới thể hiện được "đẳng cấp" bản thân, thể hiện được sự sành điệu hoặc thậm chí chỉ đơn giản là để hòa nhập.
"Bạn bè đi chơi cùng nhóm với nhau, chúng nó cứ văng tục mà mình lại cứ nói năng nghiêm túc thì thể nào cũng bị chửi và bị chê là nhà quê. Đành văng vài câu, riết rồi thành quen lúc nào không hay. Bây giờ, nó cứ tự tuôn ra thôi chứ mình có chủ động đâu"- N.P.A- một học sinh một trường THPT trên địa bàn Hà Nội chia sẻ.
Trí thức cũng bị "nhiễm"…
Không chỉ có giới trẻ mà ngay cả những người đã lớn tuổi được học hành đến nơi đến chốn, công tác trong cơ quan Nhà nước cũng có thói quen xấu văng tục, chửi bậy.
Gần đây nhất là vụ Tiến sĩ Lê Thẩm Dương văng bậy khi được mời đứng trên giảng đường gây xôn xao dư luận. Vụ việc càng khiến dư luận lên án gay gắt khi vị tiến sĩ đó lại là trưởng khoa một trường đại học lớn.
Nguyên nhân khiến dư luận phản ứng là bởi một bài giảng kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ mà gần như mỗi câu nói của vị tiến sĩ này đều có từ chửi thề, lấy chuyện quan hệ vợ chồng để làm ví dụ một cách thiếu tế nhị mà thoáng nghe đã thấy choáng váng.
Liên quan đến vụ việc này, có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng việc văng tục trong bối cảnh học viên là doanh nghiệp không đến nỗi gây "sốc", thậm chí còn làm cho bài giảng "thêm sinh động". Nhưng phần lớn các ý kiến đều lên án gay gắt việc văng bậy trên giảng đường.
Mọi người cho rằng không thể chấp nhận một vị tiến sĩ, trưởng khoa một trường đại học lớn khi giảng dạy trên bục giảng lại có thể kể những câu chuyện bậy bạ, rồi dùng những từ ngữ hết sức tục tĩu. Điều đó làm mất tư cách đạo đức của người thầy giáo.
Tuy nhiên, vụ việc của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đang hiện hữu trong giới trí thức. Chuyên gia tâm lý Cẩm Tú cho rằng: Người ta có thể nghe thấy những câu văng bậy của trí thức trong công sở khi họ nói chuyện, bông đùa với nhau. Đặc biệt, khi đã ở quán nước vỉa hè hay ở quán bia thì chính là lúc đủ thứ ngôn từ bậy bạ được "sổ lồng" văng ra như một thói quen cố hữu.
Hành vi lệch chuẩn, nhầm lẫn về giá trị
Không ít ý kiến cho rằng một thứ văn hóa gây sốc, phản cảm, kỳ quặc đang được một bộ phận công chúng, đặc biệt là giới trẻ tung hô khiến nhiều người tự cho mình "quyền" thoải mái văng bậy mà không cần quan tâm đến những người xung quanh.
Sự thoải mái văng tục, chửi bậy ở teen - những người chủ tương lai của đất nước, theo nhà tâm lý Cẩm Tú là bởi các em nhầm lẫn giá trị. Các em cho rằng: Phải nói thế mới là sành điệu, mới là hay! Trong khi đó người lớn ít để tâm, không điều chỉnh kịp thời khiến nó trở thành thói quen xấu của con trẻ.
Th.s Nguyễn Thị Liên (giảng viên Đại học Y Thái Nguyên) lo ngại: "Không chỉ có học sinh sinh viên cá biệt, học sinh hư mới nói bậy, chửi tục mà ngày nay ngay cả học sinh sinh viên thuộc diện học khá, ngoan cũng văng bậy.
Trước kia học trò được xem là người có học, việc nói năng có văn hoá là một chuẩn mực. Nhưng đáng tiếc rằng ngày nay, do tác động của nhiều yếu tố khiến "việc học để làm người có học" không còn được coi trọng như xưa nên bản thân các em có suy nghĩ, hành vi lệch lạc so với chuẩn giá trị cũng là tất yếu.
Theo tôi, cái này trước hết là do thái độ của gia đình, của xã hội đối với cái gọi là "người có học". Trong đó, trách nhiệm trước tiên là thuộc về gia đình. Cha mẹ phải có ý thức trách nhiệm về việc bảo vệ con em mình, không để văn hoá ứng xử xấu nhiễm vào các em.
Nếu các bậc phụ huynh quan tâm uốn nắn con em mình nói năng có văn hoá thì tôi nghĩ hiện tượng này sẽ không còn là trào lưu như hiện nay nữa. Người lớn phải là tấm gương sáng cho con cái noi theo, chứ không thể cậy mình là người lớn mà văng tục bừa bãi được".
"Các em không lường trước được rằng chửi tục rất dễ thành quen miệng. Khi các em lớn lên, đi làm, đi gặp mặt bố mẹ người yêu mà theo thói quen mở miệng chửi bậy thì hậu quả thật khôn lường. Rồi còn bao nhiêu mối quan hệ xã hội, gia đình khác nữa chứ. Các em không hiểu rằng khi các em văng tục thì người nghiêm túc, đứng đắn khi nghe những ngôn ngữ sặc mùi tục tĩu ấy sẽ đánh giá các em ra sao. Đừng để người khác đánh giá các em chẳng biết gì khác ngoài việc chửi bậy và văng tục"- Chuyên gia tâm lý Cẩm Tú chia sẻ. |
Theo Dân trí
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn