Thể thao Việt Nam không hiếm những trường hợp anh em, chị em ruột ở cùng một đội tuyển như Nguyễn Văn Hùng - Nguyễn Trọng Cường (taekwondo), Trịnh Thị Mùi - Trịnh Thị Ngà (pencak silat)... Tuy nhiên, việc một đội tuyển điền kinh có tới hai cặp anh em và chị em ruột là điều chưa từng có. Cả 4 gương mặt này đều là niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games năm nay.
Hai chị em Thanh Phúc, Thanh Ngưng. Ảnh: TTVH. |
Chị em Thanh Phúc, Thành Ngưng sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Gia đình có 7 anh chị em thì có tới 4 người theo nghiệp điền kinh, thi đấu ở những nội dung "khó nuốt” như chạy đường trường, đi bộ.
Tại SEA Games 26, Thanh Phúc đoạt HC vàng quý giá cho điền kinh Việt Nam ở nội dung đi bộ 20km. Trong khi đó, cậu em Thành Ngưng cũng xuất sắc giành tấm HC đồng ở nội dung đi bộ 20km nam, kém người đoạt HC vàng là VĐV người Malaysia có 3 giây. Trước khi hai chị em nhà Thanh Phúc lập kỳ tích, đoàn Việt Nam chỉ tham gia nội dung đi bộ ở SEA Games với mục đích cọ xát. Nhưng giờ đây, cả hai đang là những niềm hy vọng vàng ở sân chơi khu vực.
Môn đi bộ khắc nghiệt không chỉ trong khổ luyện, thi đấu, mà còn cả những lúc hồi sức. Những lúc cơ thể đang tìm lại trạng thái cân bằng, trông hai chị em cứ lả đi như sắp ngất. Những lúc đó, cả hai chỉ biết động viên nhau vượt qua khó khăn, bởi đã xác định theo nghiệp thể thao, phải chấp nhận gian khổ. Sau những chuyến thi đấu, cả hai chị em Thanh Phúc - Thanh Ngưng vẫn phải lo việc đi học.
Tại SEA Games năm nay, Phúc sẽ bảo vệ tấm HC vàng ở nội dung 20km đi bộ sở trường, còn cậu em Thành Ngưng quyết tâm đổi màu tấm HC đồng của mình cách đây hai năm. Gia đình hoàn cảnh, nên những tấm huy chương như SEA Games không chỉ là sự khẳng định tài năng, vị thế của điền kinh Việt Nam, mà còn là nguồn thu nhập với Phúc và Ngưng. Với những tấm huy chương, hai chị em cũng dành dụm được mấy chục triệu đồng giúp đỡ gia đình.
Hai anh em Quách Công Lịch và Quách Thị Lan. Ảnh: KL. |
Ở đội tuyển điền kinh còn cặp anh em ruột khác là Quách Công Lịch và Quách Thị Lan ở nội dung 400m nam và 400m rào nữ. Quách Thị Lan sinh năm 1996 tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Cô gái người dân tộc Mường được giới chuyên môn chú ý khi phá kỷ lục quốc gia tồn tại suốt 10 năm qua ở nội dung 400m vượt rào tại giải điền kinh quốc gia 2012. Thành tích của Lan vượt qua tấm HC vàng SEA Games 26 và tiệm cận mức huy chương của châu Á. Sự xuất hiện của tài năng trẻ Quách Thị Lan khiến các nhà quản lý môn điền kinh mừng ra mặt bởi nếu tiếp tục nâng cao thành tích hơn nữa, tấm HC vàng tại SEA Games 27 cô gần như cầm chắc. Thậm chí, Lan còn đang được kỳ vọng sẽ tỏa sáng tại kỳ Asiad 2019 được tổ chức tại Việt Nam.
Hiện tại, Quách Thị Lan tập huấn tại Malaysia cùng một số đồng đội. Tại đây, VĐV người Thanh Hóa vừa giành tấm HC vàng giải Malaysia mở rộng. Thành tích này càng giúp Quách Thị Lan tự tin bước tới SEA Games năm nay.
Quách Công Lịch hơn Quách Thị Lan hai tuổi, cũng là một VĐV xuất sắc của đội tuyển điền kinh Việt Nam. Tại giải điền kinh quốc gia 2012, Công Lịch vượt qua nhiều đối thủ mạnh để giành tấm HC vàng với thành tích 48”09. Từ đó đến nay, Công Lịch được đầu tư lớn và đang đạt được những thông số rất khả quan, có thể tranh chấp tấm HC vàng tại SEA Games năm nay.
Hai cặp anh em, chị em của đội tuyển điền kinh Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang về 4 tấm HC vàng cho đội tuyển điền kinh. Tất cả họ đều còn rất trẻ, chắc chắn sẽ tiếp tục đóng góp nhiều thành tích cho điền kinh nước nhà trong tương lai.
Theo Mai Hương ngoisao.net
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn