Hà Tĩnh: Xuất hiện nhiều sai phạm ở công trình hơn 300 tỷ đồng

Thứ bảy - 10/06/2017 11:04
Dự án xây dựng Đường trục ngang khu đô thị Trung tâm – Khu đô thị du lịch Kỳ Ninh nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển kinh tế, đời sống xã hội cho 3 xã Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Trinh (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) nói riêng và khu Kinh tế Vũng Áng nói chung, cũng như góp phần tạo quỹ đất lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang ở giai đoạn nước rút kịp tiến độ thi công.

Thế nhưng, trong quá trình thi công, xuất hiện nhiều sai phạm lớn ở một số hạng mục trong các gói thầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình.


Dự án Đường trục ngang khu đô thị Trung tâm – Khu đô thị du lịch Kỳ Ninh được khởi công vào tháng 8/2014 có tổng chiều dài 9,23 km với tổng mức đầu tư  329,761 tỷ đồng do Ban quản lý các dự án – Thuộc Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh làm chủ đầu tư và được chia thành 5 gói thầu: Gói 1: Km0 – Km3+780 và cầu sông Vinh do Công ty CP TM và DV Nga Sơn thi công; Gói 2: Km 4+160 - Km +171 do Công ty CP Lạc An thi công; gói 3: Km5+171 – Km5+917,3 do công ty TNHH TM-XD Hà Thành thi công; gói 4: Km5+917,3 – Km6+605,95 do Công ty CP XD Hồng Ngọc thi công; gói 5: Km6+698,45 – Km9+243,43 liên danh 2 Công ty CP XD TM Bắc Á, Công ty CP XL Thành Vinh thi công. Mỗi gói thầu được chỉ định 1 một đơn vị giám sát riêng cùng 3 kỹ thuật trực tiếp giám sát do chủ đầu tư chỉ định.

Đơn vị thi công Lạc An dùng đất cát phong hóa tại chỗ đem lên đắp bờ kè

Có mặt tại công trường vào những ngày thi công nước rút, hàng trăm công nhân đang hối hả làm việc, chúng tôi (-PV) có dịp thị sát một công trình lớn, nhưng đi suốt 5 gói thầu mà chưa gặp một vị giám sát công trường nào của đơn vị Tư vấn giám sát. Khi thấy chúng tôi, một  kỹ thuật của đơn vị thi công Hồng Ngọc chạy hối hả kêu các công nhân đang thi công: “dừng lại ngay, tắt máy trộn đi”. Sau đó, tiếng từ các công nhân máy trộn bê tông vọng lại: “mẻ này đang trộn dở, anh để bọn em trộn hết mẻ này đã…”. Chưa hiểu được việc gì đang diễn ra nhưng nhóm công nhân vội dừng lại, mặc dù mẻ bê tông đang trộn dở.

Một người dân sống cạnh công trình cho biết: “Khi bắt đầu thi công thì có xe téc chở nước ngọt đến được 4, 5 ngày rồi thôi. Các anh giám sát đi thăm ít quá chứ không thì đình chỉ lâu rồi, tất cả công trình ở đây toàn làm bằng nước mặn cả đó. Anh em ở trong xã làm công nhân ở đây cả, họ về kể cho cả xã nghe, họ bơm nước mặn từ mấy con mương dẫn vào đồng làm muối ngày xưa, giờ họ lấy trộn vữa làm công trình đó…”.

Công nhân đang dùng những thùng nước được bơm từ kênh nước mặn lên để trộn bê tông

Khi được hỏi về vấn đề này, một nhân viên kỹ thuật của công ty CP XD Hồng Ngọc cho biết: “Anh em công nhân trong lúc chờ nước ngọt chở về nên tự ý lấy nước mặn làm thôi”.

Một nam nhân viên kỹ thuật của công ty TNHH TM-DV Hà Thành thì phân bua: “Nước chúng tôi lấy ở đây không phải là nước mặn mà là trời mưa xuống nước đọng thành vũng, chúng tôi chặn lại dùng làm công trình chứ nước mặn chúng tôi chặn từ ngoài cống lớn rồi”.

Trở lại công trình vào  những  ngày sau đó nữa, chúng tôi chưa một lần gặp người giám sát của chủ đầu tư hay một nhân viên nào của đơn vị tư vấn giám sát riêng của mỗi gói thầu, có khi ở công trường cả vài giờ đồng hồ để chờ các anh giám sát nhưng vẫn mất hút. Chúng tôi tự đặt câu hỏi, liệu công trình có thật sự đảm bảo chất lượng hay không, khi đơn vị thi công cứ mặc cho công nhân làm…?

Kênh nước mặn mà trước đây người dân Kỳ Ninh - Kỳ Hà dẫn từ biển vào để làm muối

Máy bơm được đặt bên cạnh kênh để hút nước mặn làm công trình

“Dừng trộn ngay, không làm nữa…” - đó là câu nói của anh kỹ thuật Công ty XD Hồng Ngọc. Không những dùng nước mặn trộn bê tông để đổ dầm cống thoát nước, mà anh em công nhân lại dùng gậy tre thay nhau đầm bê tông… Anh kỹ thuật hét lên: “Đầm máy đâu, gọi ngay thằng đầm máy ra liền…”. Đến đây chúng tôi mới hiểu hết sự lẽ.

Chúng tôi rời khỏi công trình thi công của công ty Hồng Ngọc, khi các công nhân vẫn cố làm hết mẻ bê tông còn lại rồi tiếp tục chờ đầm máy đến…

Đi thêm khoảng hơn hai km nữa, chúng tôi đến với công trình thi công của Công ty CP Lạc An. Tại đây, chúng tôi được các anh kỹ thuật “chăm sóc” rất kĩ lưỡng. Thấy một điều lạ, chúng tôi hỏi anh kĩ thuật của đơn vị trên về việc tại sao lại dùng đất cát phong hóa tại chỗ đem lên đắp bờ kè thay vì phải sử dụng đất theo thiết kế và lu lèn đúng kỷ thuật, thì được giải thích: “Đây là đất đào lên từ những chỗ thừa của các đoạn đã lát mái kè xong về đổ phụ vào để cho máy bạt mái chuẩn bị cho việc lát cấu kiện, chỉ lẫn vào một ít đất phong hóa thôi”.

Công nhân dùng gậy tre để đầm bê tông phải dừng lại khi kĩ thuật công trình bắt chờ đầm máy đến

Nhớ lại câu chuyện của một anh bạn làm ở Công ty xây dựng công trình giao thông 4 kể về công trình thi công ở QL1A tuyến Hà Tĩnh-Kỳ Anh là cứ mỗi cây số làm hết khoảng 20 tỷ đồng, nhìn lại công trình dài hơn 9km mà làm hết hơn 300 tỷ đồng thì hẳn công trình này cũng là “công trình có vốn đầu tư lớn” của tỉnh rồi?

Trao đổi với một Giám đốc công ty Tư vấn Xây dựng có giám sát gói thầu của một đơn vị thi công trong dự án trên thì được biết: “Lấy nước mặn để trộn vữa và bê tông để thi công thì sẽ có ảnh hưởng rất xấu đến chất lượng công trình, sai phạm rất nghiêm trọng, nếu như vậy có khi phải kiểm tra chất lượng các cấu kiện, bê tông đã đúc, nếu không đảm bảo thì phải làm lại. Chúng tôi cũng không thể ở 24/24 ở công trình được, đã nhiều lần chúng tôi đã lập biên bản, đình chỉ thi công và báo cáo lên Ban A, nhưng nói nhiều đơn vị thi công cũng không nghe”.

Với một công trình có vốn đầu tư hàng trăm tỷ với những hứa hẹn phát triển đời sống kinh tế- xã hội bền vững cho nhân dân; thiết nghĩ rồi đây khi đưa vào sử dụng, liệu chất lượng công trình này có đáp ứng được như sự mong đợi của người dân cho sự phát triển kinh tế- xã hội trong tương lai?

Theo Bùi Trung - Huy Lâm Đại lộ

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây