Hà Tĩnh: Truy bắt nhóm vượt ngục trốn sang Thái Lan

Thứ sáu - 09/06/2017 04:14
Sau một đêm, 4 tên tù cùng phạm các tội cướp, trộm cắp tài sản bỏ trốn khỏi trại giam công an tỉnh Hà Tĩnh. Hơn một năm trời sau, chúng mới bị bắt khi đang ẩn náu ở Thái Lan.
Sang Thái Lan bắt kẻ vượt ngục

Đứa ở tù, đứa làm thuê bên ngoài nhưng đều có chung một đặc điểm là không giấy tờ tùy thân và giỏi tiếng Thái khiến cho lực lượng truy bắt phải rất vất vả mới lôi được chúng về nước, trị tội.

Tháng 6.2008, Văn phòng Interpol-Bộ Công an nhận được báo cáo của Công an tỉnh Hà Tĩnh đề nghị phối hợp truy bắt 4 đối tượng trốn khỏi nơi giam giữ. Chúng gồm: Trần Sỹ Bá, sinh năm 1980; Trần Văn Quyền, sinh năm 1984; Trần Văn Quân, sinh năm 1977 và Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1983, đều là người Can Lộc, Hà Tĩnh. 

Cả 4 tên đều có mức án từ 4 đến 7 năm tù về các tội cướp, trộm cắp tài sản. Sau khi trốn trại, những kẻ này đã vượt biên sang Thái Lan, sinh sống nên để bắt được chúng về nước trị tội, Công an Hà Tĩnh đề nghị Tổng cục Cảnh sát trao đổi với Cảnh sát Thái Lan để sang đó phối hợp truy bắt.


Nhóm vượt ngục sang Thái Lan.

Ngay lập tức, lệnh truy nã quốc tế đối với Trần Sỹ Bá, Trần Văn Quyền, Trần Văn Quân, Nguyễn Văn Sơn được Ban Tổng thư ký Interpol phát ra. Dựa vào những thông tin do Công an tỉnh Hà Tĩnh cung cấp, Văn phòng Interpol đề nghị Cảnh sát Thái Lan phối hợp nhưng việc xác minh ngay bước đầu đã gặp khó khăn bởi các đối tượng đều không có giấy tờ tùy thân, không có chỗ ở ổn định. 

Vậy là chỉ còn cách cử cán bộ sang Thái Lan, cùng phối hợp với cảnh sát sở tại bắt kẻ bỏ trốn. Sau khi gửi công văn đề nghị, tháng 2.2009, Interpol Bangkok có văn bản thông báo Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã đồng ý để đoàn công tác của Cảnh sát Việt Nam sang phối hợp truy bắt các đối tượng theo yêu cầu. 

Một đoàn công tác gồm 4 đồng chí gấp rút lên đường sang Thái tuy nhiên, thời điểm đó, do tình hình chính trị của Thái Lan không ổn định nên chuyến ra nước ngoài bắt tội phạm được hoãn lại song thông tin về những kẻ này luôn được cập nhật.

Đầu tháng 8.2009, qua công tác phối hợp nắm tình hình, Văn phòng Interpol và Công an tỉnh Hà Tĩnh xác định có nhiều khả năng đối tượng Trần Sỹ Bá đã bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ về tội trộm cắp và đang bị giam giữ tại trại giam Bangkok Remand Prison (ở 33 Ngan Wong Wan Aoad Ladvjatvjak Bangkok, Thái Lan). 

Các đối tượng Trần Văn Quân, Trần Văn Quyền vẫn thường xuyên vào trại thăm kẻ bị bắt càng chứng minh Bá đang ở trong trại tuy nhiên để khẳng định chắc chắn có phải đó là Bá không thì phải so sánh danh chỉ bản mà điều này thì khó có thể thực hiện được. Thứ nhất là vì các đối tượng người nước ngoài bị bắt vào đây do không giấy tờ tùy thân nên thường che giấu tung tích bằng cách khai man quốc tích là người Lào hoặc Campuchia. Bá lại giỏi tiếng Thái nên khi bị bắt về tội trộm cắp, Bá khai quốc tịch Lào và lấy tên là ET. 

Thời điểm đó, tại trại giam Bangkok Remand Prison có 7 đối tượng mang quốc tịch Việt Nam nhưng phía Thái Lan không thể cung cấp danh chỉ bản của tất cả các đối tượng không mang quốc tịch Việt Nam đang bị giam giữ. 

Khó khăn nữa là luật pháp Thái Lan và Việt Nam có nhiều điểm khác nhau, trong khi đó giữa Việt Nam và Thái Lan chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự song phương nên cảnh sát Việt Nam chỉ có thể chờ đến khi kẻ đào tẩu thi hành xong bản án của Tòa án Thái Lan, mới được trao trả. Hai lần lập kế hoạch, một lần xuất ngoại cuối cùng đành phải về tay trắng.

Cuối tháng 8.2009, đoàn công tác lại lên đường sang Thái Lan. Mặc dù được phía Cảnh sát Thái Lan rất ủng hộ và cử cán bộ trực tiếp và thường xuyên hỗ trợ các hoạt động của đoàn công tác nhưng đây là lần đầu tiên Cảnh sát Việt Nam trực tiếp sang phối hợp truy bắt tội phạm nên không khỏi bỡ ngỡ. 

Ngoài thời gian trao đổi thông tin, các anh thường xuyên gặp gỡ, nắm tình hình trong cộng đồng người Việt Nam tại Bangkok, qua đó được biết có một kẻ tên là Sơn vừa bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ về hành vi cư trú bất hợp pháp. Tiến hành xác minh tại một số trại giam ở Bangkok, phát hiện kẻ này có nhiều đặc điểm giống với kẻ trốn trại Nguyễn Viết Sơn, tuy nhiên hắn lại khai quê ở Cam Ranh, Nha Trang, Khánh Hòa. 

Không chịu bỏ cuộc, các trinh sát tiếp tục thu thập thông tin, qua xem hồ sơ có đủ cơ sở khẳng định đó chính là đối tượng truy nã Nguyễn Viết Sơn nên đề nghị Cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan cho phép gặp và lấy lời khai. Chỉ biết mặt qua danh chỉ bản, ảnh và hồ sơ nhưng với trình độ và kinh nghiệm công tác, các trinh sát đã buộc kẻ này thừa nhận chính là đối tượng đang bị truy nã. Ngày 26.8.2009, Nguyễn Viết Sơn được dẫn giải về Việt Nam và từ sân bay Nội Bài, kẻ đào tẩu này được đưa thẳng về trại giam Công an tỉnh Hà Tĩnh.

Sau khi tóm được tên Sơn, đoàn công tác tiếp tục quay lại Thái Lan, đề nghị phía Cảnh sát Thái Lan tổ chức một buổi làm việc với nhà tù Bangkok Remand Prison để xác minh làm rõ về đối tượng tên là ET (tức Trần Sỹ Bá). Ảnh và dấu vân tay cho thấy đó chính là đối tượng truy nã của Cảnh sát Việt Nam Trần Sỹ Bá, tuy nhiên để được dẫn giải về nước thì phải đợi. 

Lý do mà phía Thái Lan đưa ra là Trần Sỹ Bá bị bắt giữ về tội trộm cắp, bị Tòa án Bangkok xử phạt 10 tháng tù giam, sẽ phải thi hành án xong vào ngày 15.11.2009 mới được trao cho cảnh sát Việt Nam. Chẳng còn cách nào khác ngoài việc chờ cho qua ngày 15.11.2009.

Trong lúc chờ đợi, tổ công tác tiến hành truy bắt đối tượng Trần Văn Quân mà theo thông tin các anh có được thì kẻ này đang lẩn trốn tại Bangkok, sống bằng nghề trộm cắp tài sản nên thường xuyên thay đổi nơi ở và sử dụng điện thoại di động trả trước. Không thể xác định chính xác được nơi lẩn trốn của hắn song hàng loạt phương án bắt giữ vẫn được vạch ra. 

Đầu tiên, các anh tổ chức một bữa tiệc tại chợ Bang Na ở Bangkok vào ngày trưa ngày 19.8.2009 và đối tượng Trần Văn Quân nằm trong số những người được mời đến dự. Vì hắn sử dụng hộ chiếu giả nên Cảnh sát Thái Lan sẽ được thông báo để đến kiểm tra giấy tờ và bắt giữ nhưng hắn đã không có mặt. 

Thực ra lúc đầu Quân đã nhận lời mời nhưng sau đó vì bất ngờ xảy ra cuộc cãi nhau với vợ nên cô vợ giận dỗi không đi, hắn cũng bỏ qua luôn bữa tiệc được mời đó. Không mở tiệc thì gầy sòng bài để câu nhử tên trộm Trần Văn Quân, các trinh sát tổ chức một gian bán hàng khuyến mại tại khu vực quận Bang Khuôn Thiên rồi nửa kín nửa hở cho biết sẽ có sòng đánh bạc nhưng tên cáo già đã không đến. 

Không chịu bỏ cuộc, sáng 25.8.2009, đoàn công tác đã đến khu vực có nhiều người Việt sinh sống, tìm thuê người làm hộ giấy tờ tùy thân bị mất trộm trong thời gian làm ăn trên đất Thái. Nghe 2 người Việt Nam tên là Thông và Lĩnh, nói quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh, Quân đã chịu ra mặt giúp đỡ.

Chiều 25.8.2009, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, với vốn tiếng Thái thông thạo, Quân nhanh chóng làm xong thủ tục xin cấp lại giấy tờ cho hai đồng hương nhưng khi anh ta vừa bước chân ra khỏi khuôn viên Đại sứ quán, lập tức bị Interpol Bangkok và Cảnh sát quận Lumpini kiểm tra giấy tờ. 

Mặc dù khai tên là TOR, quốc tịch Lào và xuất trình thẻ cư trú dài hạn do Cơ quan chức năng của Thái Lan cấp song Quân vẫn bị đưa về trụ sở công an quận Lumpini. Tại đây, khi mấy cảnh sát hỏi bằng tiếng Việt Nam, Quân biết ngay màn dối trá của mình đã bị lộ tẩy. Anh ta thừa nhận chính là Trần Văn Quân, đối tượng truy nã của Cảnh sát Việt Nam và sau 15 ngày bị Cảnh sát Thái Lan xử lý về hành vi cư trú bất hợp pháp cùng với số tiền bị phạt là 3.000 Bạt, đầu tháng 10.2009,  Quân được Cảnh sát Việt Nam dẫn giải về nước.

Với đối tượng Trần Văn Quyền thì việc bắt giữ có phần suôn sẻ hơn bởi tuy đang lẩn trốn tại Bangkok và không có nơi ở cụ thể nhưng Quyền lại làm thuê ở khu vực sân bay Đôn Mường, một sân bay cũ tại Bangkok. 

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cảnh sát Thái Lan đã xác định được nơi tên Quyền đang làm việc. 14h ngày 27.9.2010, Quyền bị Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan “mời” về Cục phòng chống tội phạm khi đang trông xe tại nhà hàng và 14h30 ngày 4.2.2010, sau 15 ngày bị giam giữ vì cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan, Quyền bị trục xuất về Việt Nam và đã được Interpol Việt Nam “đón” về sân bay Nội Bài rồi đưa thẳng về Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh.

Theo Minh Châu (Xzone)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây