Hà Tĩnh: Tìm lối ra cho nghề trồng nấm

Thứ ba - 06/06/2017 15:49
Được mệnh danh là “hoàng hậu thực vật” và “vua của các loài rau”, những món ăn từ nấm đã trở nên khoái khẩu trong đời sống ẩm thực hàng ngày. Tuy nhiên, sau 10 năm “du nhập” vào địa bàn Hà Tĩnh, nghề trồng nấm vẫn chưa thực sự tìm được chỗ đứng vững chắc và phát huy được công dụng và hiệu quả như vốn có…
Xét về lợi ích xã hội, trồng nấm có thể tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ thải ra để làm nguyên liệu chính cho nghề trồng nấm và quy trình được quay vòng khi bã nấm được tận dụng làm phân vi sinh để bón đồng ruộng. Đồng thời giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường, bởi sau mỗi vụ thu hoạch rơm rạ được người dân thanh lý bằng cách gom lại và châm lửa đốt.
Huyện Thạch Hà đã có 270 hộ tham gia sản xuất nấm với sản lượng khoảng 150 tấn các loại

Nghề trồng nấm còn góp phần tích cực vào GQVL và là sản phẩm chủ lực giúp người dân vùng nông thôn XĐGN. Thêm nữa, vào thời điểm giá rét các loại rau không thể phát triển thì nấm sẻ là sự lựa chọn số 1 để thay thế. Biết vậy, nhưng để nghề trồng nấm phát huy được hiệu quả chẳng đơn giản.

Sự khởi đầu của nghề trồng nấm được đánh dấu vào thời điểm năm 2002. Trung tâm chuyển giao KHCN huyện Thạch Hà dưới sự hỗ trợ của Sở KH&CN đã lựa chọn một số hộ nông dân tiêu biểu để thử nghiệm sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, khó khăn lại nảy sinh khi mới bắt tay trồng nấm mà một trong những nguyên nhân ngoài việc không chủ động được nguồn giống thì thị trường tiêu thụ sản phẩm được coi là rào cản lớn nhất do người tiêu dùng chưa hiểu rõ giá trị dinh dưỡng và công năng của nấm. Cùng đó là công nghệ sản xuất chưa phát triển nên chi phí đầu vào khá cao khiến nhiều hộ trồn nấm nản lòng. Và rồi, cứ thế trồng nấm cũng chỉ tồn tại một cách hắt hiu.

Trong quá trình chật vật tìm lối thoát, cuối cùng “ánh sáng cuối đường hầm” cũng lộ ra khi Bộ Khoa học & Công nghệ đầu tư số tiền hơn 1,6 tỷ đồng (chưa kể vốn đối ứng) để Trung tâm chuyển giao huyện Thạch Hà xây dựng hệ thống phòng lạnh bảo quản và chế xuất giống sau khi nhập “phôi” từ Hà Nội về. Nguồn giống không chỉ phục vụ trên địa bàn tình mà còn góp phần cung cấp giống nấm cho các “láng giềng”: Nghệ An, Quảng Bình..

Cho đến nay, Trung tâm ứng dụng KHCN Thạch Hà đã làm chủ công nghệ sản xuất giống cấp: 1,2,3 và công nghệ nuôi trồng 10 loại nấm (sò, rơm, đùi gà, ngọc châm, linh chi…). Chỉ tính riêng trong hai năm 2011-2012 các cán bộ trung tâm đã tham gia làm giảng viên cho 19 lớp đào tạo nghề trồng nấm cho 680 học viên là nông dân của cả 12 huyện thị và thành phố. Huyện Thạch Hà ở thời điểm hiện tại đã có 270 hộ tham gia sản xuất nấm với sản lượng khoảng 150 tấn các loại cho giá trị thu nhập hàng tỷ đồng, GQVL cho hơn 500 lao động nông thôn. Tuy nhiên nhìn nhận toàn diện thì ngoài Thạch Hà, Đức Thọ, Can Lộc là những huyện “nặng lòng” thì sản xuất nấm ở các huyện khác vẫn đang tình trạng đì đẹt.

“Có thể họ coi ngày công thu nhập không cao hơn các việc làm khác nên chẳng mặn mà. Hơn nữa đối nguồn nước nhiễm phèn Nghi Xuân không thể thích hợp với nghề trồng nấm. Tuy nhiên phải khẳng định trừ những yếu tố bất khả kháng như lụt, bão lớn và kéo dài, nghề trồng nấm không chứa đựng rủi ro. Đơn giản là 9 tháng trong năm người dân có thể trồng, chỉ cần có nguồn nước không phèn, không nhiễm mặn đảm bảo 6-7,5 độ PH là được. 1 tấn rơm có thể sản suất 6-8 tạ nấm” - Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHKT huyện Thạch Hà Nguyễn Viết Dần phân tích.

Mặc dù nấm được mệnh danh là “hoa hậu thực vật” và “vua của các loài rau”, nhưng không phải ai cũng nhận thức được điều này. Có thể do giá cả loại “rau” này cao gấp đôi các loại rau khác nên người tiêu dùng còn thờ ơ khiến nguồn “cung” bị ứ động; hoặc do nhận thức chưa rõ ràng về hiệu quả kinh tế lâu dài và bền vững nên người sản xuất thiếu mặn mà. Bằng chứng là cho đến nay thị trường tiêu thụ phần lớn chỉ ở thành phố Hà Tĩnh.

Có một thực tế là cho đến nay, người dân mới chỉ sản xuất ra các loại nấm mỡ, nấm sò, nấm rơm, trong khi các sản phẩm sản xuất ra không thể giữ được lâu. Mặc dù biết rằng đây là rau sạch 100% nhưng nếu không tiêu thụ được và không có phòng lạnh bảo quản nấm sẽ bị hỏng. Ở các nước tiên tiến nấm không chỉ tiêu thụ ở dạng tươi mà người ta còn có thể bảo quản bằng cách chế biến rồi đóng gói vào lọ thủy tinh hay hộp sắt, nấm có thể giữ được cả năm. Nhưng, hiện tại, khi chưa có “đầu ra” ổn định thì không thể nói là cây nấm sẽ có chỗ đứng vững vàng để phát huy tác dụng như vốn có.

                                                                                                                        Theo Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây