Muối “rớt giá” diêm dân ngậm ngùi
Dẫu biết rằng vào chính vụ, giá muối không thể ở đỉnh 2.000-2.500 đồng/kg như điểm khởi đầu, nhưng sự “tuột dốc” đến gần 1/2 mức giá khiến diêm dân không khỏi ngậm ngùi. Ông Nguyễn Xuân Tiền - Thôn trưởng thôn Nam Hà, xã Kỳ Hà (Kỳ Anh) cho biết: Ở thời điểm này, muối diêm dân nhập vào kho của các đại lý thu mua chỉ đạt 1.200 đồng/kg, trừ chi phí thuê xe vận chuyển chỉ còn 1.100 đồng/kg. Còn ông Mai Xuân Hồ - diêm dân thôn Bắc Hà ngậm ngùi: “Năm ngoái, đầu vụ muối chỉ 1.700- 1.800 đồng/kg nhưng đến thời điểm giá xuống thấp nhất vẫn giữ được 1.400 đồng/kg. Năm nay, đầu vụ cao hơn hẳn, bà con phấn khởi đầu tư cải tạo ô nề, tập trung sản xuất, vậy mà chỉ chưa đầy tháng, giá đã tụt xuống thê thảm”. Không những vậy, theo phản ánh của một số diêm dân Kỳ Hà, năm nay, thị trường tiêu thụ không sôi động như các năm trước. Công ty CP Muối & Thương mại dịch vụ Hà Tĩnh (đơn vị thu mua chính) khắt khe hơn về chất lượng. Còn các đầu nậu ở các tỉnh, thành khác cũng không về mua muối Kỳ Hà. Thị trường muối thiếu sự cạnh tranh nên diêm dân càng khó tiêu thụ sản phẩm.
Muối rớt giá, diêm dân cất trữ kho nhà chờ cơ hội mới. Ảnh: Mai Thủy |
Giá thấp, diêm dân khó bán, các đại lý cũng khó thu mua. Bởi vậy, khác với các năm, việc dự trữ muối tại kho nhà thường được thực hiện ở cuối vụ, thì năm nay, ở thời điểm này, nhiều nhà muối đã đầy kho. “Diêm dân vẫn muốn bán được muối đầu vụ để trang trải chi phí đầu tư ô nề và các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Đến cuối vụ muối mới thường được dự trữ làm “của để dành”. Nhưng giá xuống thấp nhanh thế này, nhiều hộ đành chịu khó cất trữ chờ xem có chuyển biến gì mới không”- ông Lê Doãn Tuyết - diêm dân xã Hộ Độ cho biết.
Ở một số địa phương có diện tích sản xuất ít, việc tiêu thụ lại càng khó khăn do đơn vị thu mua chủ lực là Công ty CP Muối & Thương mại dịch vụ Hà Tĩnh chưa đặt vấn đề với địa phương. Anh Nguyễn Văn Ý - Trưởng ban Địa chính - Xây dựng NTM xã Thạch Bàn (Thạch Hà) cho biết: Đầu vụ muối năm nay, giá khá cao nên diện tích sản xuất của xã tăng lên, người dân quay về với nghề muối nhiều hơn. Tuy nhiên, đến nay, giá muối tư thương mua tại ruộng chỉ còn xấp xỉ 1.400 đồng/kg và đang có nguy cơ xuống thấp hơn. Thông thường, giá muối ổn định được là nhờ sự tham gia của Công ty Muối nhưng đến thời điểm này, Công ty vẫn chưa phát giá để giúp diêm dân có cơ sở đàm phán với tư thương, tránh bị ép giá.
Doanh nghiệp vật lộn với thị trường
Năm nay, Công ty CP Muối & Thương mại dịch vụ Hà Tĩnh đặt kế hoạch thu mua 17.000 tấn, trong đó mua tại địa bàn tỉnh là 11.000 tấn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đơn vị mới chỉ thu mua được khoảng 800 tấn (thấp hơn cùng kỳ các năm trước). Ông Lê Minh Thành - Giám đốc Công ty cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của DN, đơn vị đang vật lộn với nhiều thách thức. Trong đó, riêng về lĩnh vực sản xuất muối dự kiến cũng chỉ thu đủ bù chi. Dù vẫn biết trách nhiệm của mình là giữ vai trò chủ lực, điều tiết thị trường trong thu mua muối cho bà con diêm dân trong tỉnh nhưng do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nên Công ty chưa thể đồng hành với các địa phương làm muối.
Theo ông Thành, khó khăn lớn nhất đó là diện tích sản xuất thực tế của các địa phương còn hạn chế; một số vùng muối chất lượng sản phẩm kém. Những vùng muối chất lượng khá, gần với trung tâm như: Thạch Châu, Hộ Độ (Lộc Hà), Thạch Bàn, diện tích sản xuất không đáng kể, sản lượng thấp. Vùng muối Kỳ Hà diện tích lớn, sản lượng khá nhưng năm nay lại gặp vấn đề về chất lượng. “Ở Kỳ Hà có 2 xóm muối (Bắc Hà và Đông Hà) chất lượng rất kém. Muối mua ở đây đem xuất bán cho bạn hàng có lúc đã bị trả lại vì không đảm bảo chất lượng. Công ty đã phải bù lỗ cho số hàng này. Tình trạng trên nếu kéo dài thì dù giá đặt cho Kỳ Hà chỉ là 1.200 đồng/kg (thấp hơn các nơi khác), Công ty cũng ngại mua”- ông Thành cho biết thêm. Hiện nay, ở Kỳ Hà, Công ty mới chỉ thu mua được 400 tấn, số muối còn lại (1.700 tấn) đang nằm trong kho của diêm dân hoặc kho trữ của các đại lý trên địa bàn xã.
Sản lượng muối Kỳ Hà lớn nhưng vấn đề tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Mai Thủy |
Trong khi đó, muối từ các tỉnh, thành khác trong cả nước mà Công ty thu mua có sản lượng lớn, ổn định, chất lượng tốt. Muối từ miền Nam chở về qua cảng Vũng Áng đến tận kho Công ty giá chỉ 1.100 đồng/kg; muối sạch từ Quảng Bình tính cả tiền vận chuyển chỉ 1.400 đồng/kg. Trước bài tính lợi nhuận đầy khó khăn ở thời điểm khủng hoảng kinh tế, DN khó lòng chia sẻ với diêm dân tỉnh nhà.
Nút thắt cần được tháo gỡ
Mùa muối 2013 chỉ mới đi được 1/3 chặng đường với khoảng 3-4 ngàn tấn sản phẩm. Mục tiêu kế hoạch sản xuất muối năm 2013 là 19.000 tấn sẽ về đích như thế nào khi nút thắt tiêu thụ giữa diêm dân và DN chưa được tháo gỡ. Cả tỉnh chỉ có gần 200 ha muối, so với các lĩnh vực sản xuất khác có thể là nhỏ bé nhưng gắn với nghề muối là vấn đề an sinh xã hội của hàng ngàn diêm dân. Ở thời điểm nền kinh tế khó khăn hiện nay, diêm dân càng yếu thế; DN lại đang “toát mồ hôi” với bài toán kinh doanh để tồn tại trong cuộc đào thải khốc liệt. Bởi vậy, càng cần hơn vai trò của các cấp ủy, chính quyền và ngành chuyên môn trong việc định hướng, hỗ trợ, kết nối giữa diêm dân và DN.
Theo M.T (Báo Hà Tĩnh)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn