Về lại nơi “ Chín khúc hồi lai”
Những con thuyền cứu lũ ở Phương Mỹ |
Anh Bùi Lê Bắc Trưởng ban Quản lý Đê điều và PCBL Hà Tĩnh dẫn tôi về thăm lại xã Phương Mỹ ( Hương Khê) nơi người xưa thường gọi “ Chín khúc hồi lai” biệt danh cho một vùng đất muôn đời lũ truyền kiếp..Nắng tháng năm như đổ lửa, vậy mà khi xe tới Phương Mỹ chúng tôi vẫn tận hưởng mơn man ngọn gió lành từ con sông Ngàn Sâu thổi lên mang theo hương đồng man mác. Bên những con kênh được xây bằng bê tông và những chiếc cầu máng âm thầm dẫn nước là cánh đồng lúa vàng hươm đang hối thúc người bước vào vụ gặt.. Một không khí thật thanh bình êm ả ngỡ như nghe rõ cả hạt phù sa trong đất đang dồn sức nuôi cây.
Xã Phương Mỹ hiện có 3 xóm : Ấp Tiến, Trung Thưởng và Tân Thưởng với 639 gia đình và 3179 nhân khẩu. Nghề chính của người dân Phương Mỹ vẫn dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Lo chống chọi với lũ và mồ hôi công sức bị lũ cướp đi nên Phương Mỹ vẫn là một xã nghèo. Hạt lúa, hạt ngô, hạt vừng, hạt lạc ở đây đẹp, ngon, sạch hơn nhiều nơi khác nhưng khốn nổi xứ sở “ tháng năm lụt tiểu mãn”, “tháng tám lũ lập thu” với những trận mưa bất thần đổ dồn, nước sông Ngàn Sâu dâng cao, ấy là lúc cả Phương Mỹ trắng ngập một màu nước, ấy là lúc của ngoài đồng chưa được đưa về cất gác lên chạn đã bị bão dày, nước ngâm thối rữa..
Năm 2011 xã Phương Mỹ “đã nở cười” trên mặt trận sản xuất nông nghiệp với diện tích lúa nước cấy 236 ha đạt năng suất hơn 54 tạ/ha, sản lượng đạt 1279 tấn, sức tăng trưởng so với nhiều thập niên, riêng ngô trồng 70 ha đạt 308 tấn, lạc gieo trỉa 160 ha đạt 384 tấn. Nhờ ngô nhiều, lúa tốt, nên gia đình nào cũng chịu khó sửa sang xây dựng chuồng trại chăn nuôi, phát triển trâu bò, lợn, gà.. Hiện tại tổng đàn trâu bò trong xã tăng trưởng hơn 1800 con, lợn hơn 1600 con. Ông Nguyễn Hồng Quân chủ tịch UNND xã Phương Mỹ tâm sự “ Dân ở đây đã quen sống chung với lũ và cũng có kinh nghiệm làm ăn.. Năm qua nhờ gieo cấy chạy được lũ và lũ cũng nhỏ nên dân chúng phấn khởi vì được mùa”. Bước sang tháng 5 năm 2012 cả xã Phương Mỹ đang tập trung 2 việc lớn : gấp rút thu hoạch lúa và màu vụ đông xuân, mặt khác tập trung đối phó với bão lũ sắp tới”.
Hầu như khách lạ hay quen khi lên tầng hai trụ sở xã đều được đọc dòng chữ ngay bên bờ tường cạnh cầu thang ghi lại dấu tích đỉnh cao trận lũ kinh hoàng 2010. Một cụ già cao niên ở xóm Tân Thưởng thường hay kể lại cho mọi người cùng thấu hiểu : Năm 1946 lúc đó cụ mới lên 9 tuổi chứng kiến một trận lũ lớn thời ấy với mực nước lên cao 7 mét. Năm 1960 trận lũ lớn nhất Hà Tĩnh thì ở xã Phương Mỹ nước dâng cao 10 mét, nhưng vẵn chỉ lấp xấp Eo Làng ( đoạn đường hình cánh cung cao nhất xóm Tân Trung). Cho tới trận lũ lịch sử năm 2010 vừa qua thì các cơn lũ to trước cũng “chào thua” với mực nước lên cao gần 11 mét.
Năm 2007 chúng tôi đã hai lần theo xuống máy cùng đoàn cán bộ chống bão lụt tỉnh để tận mắt chứng kiến cảnh thôn xóm tiêu điều, ruộng đồng xơ xác khi Phương Mỹ chịu thảm cảnh “ Lũ chồng lên lũ”. Năm ấy xã Phương Mỹ được cộng đồng cả nước chung tay góp sức vực xứ sở có “ Chín khúc hồi lai” thoát khỏi thảm họa nghiệt ngã do thiên tai gây nên. Nhưng ngọn lửa bếp chiều hôm chưa “nhen ấm nổi mừng” từ mọi gia đình ngõ xóm thì trận lũ năm 2010 ập tới. Con số thiệt hại thật khủng khiếp: 8 ngôi nhà bị trôi; 142 ngôi nhà, 156 chuồng trâu bò bị sập mái.. Ruộng lúa ngô, khoai, đỗ và cả cọng rơm rạ người dân cất dành dụm làm thức ăn khô cho trâu bò lúc đói rét cũng hoà tan trong biển nước. Cơ sở hạ tầng đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, cột điện đều bị bão và lũ xới tung..
Nhưng điều kỳ diệu mà chúng tôi ghi lại được đó là tài sản mất nhưng con người không mất. Hầu như càng gặp lũ lớn cấp uỷ và chính quyền địa phương càn rắn rỏi hơn lên, thông minh và linh hoạt hơn lên. Bí thư Đảng uỷ xã Trần Hồng Lam nói “ Lụt tới tất nhiên là nước dâng, nên chúng tôi lo nhất là bà già trẻ em và người tàn tật. Do vậy kinh nghiệm phòng chống bão lũ từ nhiều năm và năm 2012 chúng tôi đang tiếp tục thực hiện đó là chuẩn bị thuyền bè để sơ tán ba đối tượng vừa nhắc trên tới nơi an toàn..”.
Xây dựng đê kè ở bờ sông La xã Đức La |
Để minh chứng thêm sâu sắc lời nói ông Lam, hai cán bộ xã Phương Mỹ mở cửa tủ và đặt lên trên bàn làm việc một tập tài liệu dày cộm.Tôi đọc kỹ từng trang và thầm phục chiến lược chống lũ sáng suốt và linh hoạt ở đây. Từng thấu nổi vất vả khi bão gầm mưa xối, trong đêm tối mịt mù bị mất liên lạc nên chính quyền địa phương bằng mọi giá nâng cấp, chỉnh trang đảm bảo tốt hệ thống loa truyền thanh xã nhằm phổ biến kịp thời tinh thần chỉ đạo của xã tới từng gia đình. Rồi chiếc loa cầm tay cũng trang cấp đủ cho người có chức trách xã giao. Xã hình thành mỗi xóm một tuyên truyền viên, tuyên truyền viên tiếp cận với từng nhà phổ biến phổ biến cho từng gia đình hiểu từ cách sử dụng vật liệu để neo giằng nhà cửa đến cách gói đồ đạc vật dụng đi sơ tán. Phương án sơ tán đã được hình thành chi tiết trong sơ đồ : Khu Trung Thượng sang vùng núi Tân Sơn, Tân Hạ , xóm Ấp Tiến vào Nam Hà, xóm Tân Thượng vô Thượng Sơn..Trách nhiệm xã giao quản lý hộ sơ tán cho từng xóm dường như đã trở thành mệnh lệnh và nghĩa vụ thiêng liêng cao cả mỗi gia đình khi có người lánh nạn..
Dầu lũ năm 2012 đang rập rình và chưa ai tiên đoán được lũ năm nay về muộn hay sớm, to hay nhỏ nhưng xã Phương Mỹ có 397 hộ thì đã có 320 chiếc thuyền ba ván, 10 chiếc thuyền máy và 168 chiếc bè tự tạo..Người Phương Mỹ ở gần sông nên đều biết bơi giỏi, người nọ dạy cho người kia tập bơi. Khi chúng tôi ra nhìn khúc cầu đang khát một cây cầu dân chúng dang phảI đI tạm cầu phao, ông Thắng chủ tịch xã cung cấp thêm một thông tin mới : Chỗ này nước nước trong sạch đủ điều kiện tốt cho mọi người tập bơi nên năm này đoàn xã đứng ra tổ chức mở 2 lớp tập bơi, mỗi lớp 50 cháu. Chỉ sau một tuần lễ cháu nào cũng biết bơi.
Lũ lớn dạy khôn
Giống với xã Phương Mỹ xã Đức La ( Đức Thọ) cũng thường xuyên bị lũ uy hiếp nhưng mực nước ở đây mức đỉnh điểm nhất năm 1978 cũng chỉ lên tới 5 mét, nhưng Đức La lại thường xuyên bị thiên nhiên gây tai hoạ nạn xói lở bờ sông. Xã Đức La có 460 gia đình và gần 2000 nhân khẩu, có 2/5 đồng bào theo đạo thiên chúa giáo. Tuy các gia đình đều dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng hầu hết người dân ở đây đều mát tay trong chăn nuôi và biết xoay xở mở rộng dịch vụ thương mại nên xã Đức La hiện nay đang hiện hữu một mẫu hình làng quê đổi mới.
Chỉ hiềm một nỗi người dân ở ven bờ sông mỗi đêm nghe từng tảng đất lở lại nơm nớp âu lo.. Anh Nguyễn Xuân Linh chủ tịch UBND xã Đức La giải thích : Vùng đất xã Đức La từ trước tới nay bị tác động bởi nguồn nước sông chảy thẳng vào làng nguồn sông Ngàn Cả ( Nghệ An) và nguồn sông Ngàn Sâu ( Hà Tĩnh). Do ảnh hưởng của dòng nước đối với địa chất nên chuyện Đức La liên tục bị sạt lở là điều dễ hiểu. Ban đầu chỉ sạt lở vài chục mét về sau lở đến hàng ngàn mét, dân chịu không được phải lên xã kêu cứu. Từ nhiều năm nay nhờ vào dự án phòng chống bão lụt thiên tai của tổ chức nước ngoài đầu tư, Đức La đã từng bước khắc phục được nạn xói lở bờ sông.
Vượt qua một chiếc cầu dài trong thôn, chúng tôi đã bắt gặp từng nhóm thợ xây đang tập trung xây kè bờ sông La. Những bao xi măng xếp ngang dọc, những khối cát vun lên hình chóp nón cùng với tiếng máy nổ ầm ầm đang dấy lên một không khí làm việc khẩn trương. Những tảng đá to bè màu xám được xây chuỗi kết dính nhau tạo thành bức kè vững chãi trước mùa lũ tới. Khi chúng tôi hỏi chủ tịch xã “ Đức La làm gì để ứng phó với những trận lũ năm 2012 này có thể ập tới ? ”. Anh Linh trả lời : “ Chúng tôi không chủ quan nhưng tin rằng nếu lũ vào tài sản có thể mất mát nhưng không để xẩy ra chuyện người chết đuối được ”. Anh Linh tiết lộ : “ Đặc thù xã Đức La vì xa trung tâm, xa điểm tập kết cứu hộ cứu nạn, nên Đức La bao giờ cũng sẵn sàng cứu lũ bằng phương châm 4 tại chỗ : con người, vật tư, phương tiện, chỉ huy tại chỗ.
Những lần lũ trước, chính quyền xã Đức La không chỉ phát huy tối đa những phương tiện của Ban quan lý phòng chống rủi ro thiên tai hỗ trợ tạo được tác dụng lớn trong ứng cứu mà nhân lên sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng. Người Đức La cứ lũ tới là dùng thuyền nhà mình để đi cứu người hàng xóm rủi ro và khó khăn hơn đã. Nghĩa cử này không ai không biết, nghĩa cử này không ai không học. Giữa tháng năm nay nhìn cả làng quê ánh lên mỡ màng với màu xanh trù mật của cây lá, nhưng người dân Đức La vẫn đang nơm nớp lũ sắp về. Bây giờ phương tiện ứng cứu hiện đại hơn ngày xưa nhiều. Ngoài áo phao, phao cứ sinh các loại, xã đã có 4 chiếc thuyền máy cơ động ( gồm 2 thuyền nhỏ cơ động và 2 thuyền lớn, mỗi thuyền đủ sức chở 50 người đi sơ tán).
Mô hình nhà chạn dành cho trâu bò khi lũ tới |
Lo cứu người chưa hết, bao nhiêu gia đình của làng ven sông này còn phải lo cứu trâu bò, bởi “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Năm nào cũng vậy chuyện người Đức La đưa trâu lên bờ đê sông La khi lũ tới đã thành thông lệ. Có năm lũ dâng nhanh quá 2- 3 gia đình hùn thuyền lại để hộ tống trâu. Trong cái khó thường “ ló” cái khôn khi người Đức La sống chung nhiều với lũ bây giờ sáng kiến xây dựng “ Mô hình nhà chạn”. Nhà chạn là nhà tránh lũ an toàn cho trâu bò và gia súc gia cầm. Ông Thịnh Tám xóm 4 ( Đức La) dựng nhà chạn đầu tiên với diện tích 20 mét vuông, đổ 6 cột bê tông chiều cao gần 4 mét.. Thấy ông Thịnh làm đơn giản lại an toàn nên ông Hiền, ông Bằng, ông Bảo.. cũng làm theo. Bây giờ xã Đức La có tới 160 “ Mô hình nhà chạn tránh lũ” chiếm hơn 40 % gia đình.
Anh Nguyễn Văn Sơn một trong những gia đình làm ăn khá giả cũa xã. Năm nay anh Sơn không chỉ xây dựng ngôi nhà gỗ đẹp mà còn “ xây nhà chạn tránh lũ ” có diện tích rộng, cao và kiên cố nhất vùng. Nhà anh Sơn nuôi tới 3 con trâu và một bầy lợn hàng chục con. Chị Sơn lởi xởi “ Năm ni em không bận tâm phải đưa trâu đi gửi nữa, kể cả lợn, gà, ngan vịt cũng đưa lên nhà này”. Chị Sơn vui khiến tôi cũng vui lây cùng những cái khôn của họ. Ra về lòng vẫn thầm mong nếu năm nay Đức La xẩy ra lũ lớn người dân cũng đỡ mất mát thiệt thòi rất nhiều hơn so với những cơn lũ cũ..
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn