Hà Tĩnh: Nhà gỗ tuyệt đẹp biến mất bí ẩn, tính pháp lý ở đâu?

Thứ bảy - 10/06/2017 07:44
VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Khắc Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư An Phát (TP. Hà Tĩnh) xung quanh vụ “Sự biến mất bí ẩn ngôi nhà gỗ đẹp nhất phố núi ”.

Theo thông tin, tình tiết mà dư luận phản ánh, hành vi tự ý tháo dỡ nhà, tẩu tán tài sản đang thế chấp ngân hàng của ông Nguyễn Kim Chính, GĐ Cty TNHH Tân Xuân Quyền (huyện Hương Khê) bên thế chấp tài sản trước hết xét dưới góc độ quan hệ dân sự đã vi phạm nghĩa vụ của người thế chấp tài sản được quy định tại Khoản 4, Điều 348 Bộ luật dân sự.

Tại Khoản 4, Điều 348 Bộ luật dân sự quy định về nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản là “Không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp…”.

Còn việc xác định hành vi của ông Chính có dấu hiệu của tội phạm hay không thì nhiệm vụ này thuộc về cơ quan điều tra khi nhận được tin báo tố giác.

 
Dư luận đang trông chờ sự việc ngôi nhà gỗ này biến mất bí ẩn ở Hương Khê sẽ được làm sáng tỏ.  (Ảnh chụp trước khi nhà bị tẩu tán).

Trong vụ việc này, khi phát hiện sự việc ngôi nhà là tài sản thế chấp đang bị tẩu tán, phía Ngân hàng NN&PTNT huyện Hương Khê đã báo tin cho Công An huyện Hương Khê để đề nghị can thiệp và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự về nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có quy định:

1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

2. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng.

3. Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết.

Cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm.

4. Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.”

Trong thực tiễn, tin báo và tố giác về tội phạm có thể có trước khi hành vi phạm tội được thực hiện nhằm ngăn chặn tội phạm kịp thời, đang trong thời gian hành vi phạm tội diễn ra hoặc sau khi tội phạm đã được thực hiện.

Trong trường hợp này, tin báo tội phạm từ phía ngân hàng là trong lúc hành vi đang diễn ra trên thực tế. Vì vậy đối chiếu với quy định trên đây của Bộ luật tố tụng hình sự thì cơ quan điều tra phải kịp thời tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ, xác minh sự việc một cách đầy đủ, kịp thời nhằm ngăn ngừa hậu quả của tội phạm (nếu có).

Sau khi kiểm tra, xác minh nếu hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu của tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự, nếu hành vi không có dấu hiệu của tội phạm thì quyết định không khởi tố vụ án hình sự và thông báo cho người tố giác, báo tin về tội phạm biết.

Đây là một vụ việc có kế hoạch và tổ chức thực hiện việc tháo dỡ nhà. Vì vậy, trong vụ việc này, cơ quan điều tra cần phải đấu tranh làm rõ ai là người chủ mưu thực hiện việc tháo dỡ nhà, động cơ, mục đích...

Việc xác định những nội dung này là cơ sở để xem xét có dấu hiệu của tội phạm hay không. Dựa trên quy định của pháp luật  có hai giả thiết được đặt ra trong vụ việc này là

Thứ nhất: Nếu xác định được vụ việc này là do các đối tượng chủ nợ của ông Chính tổ chức xiết nợ thì hành vi của những người tổ chức tháo dỡ nhà có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự.

Thứ hai: Nếu việc tháo dỡ và bán nhà là do ông Chính tổ chức thực hiện nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đối với phía Ngân hàng NNo (Bên nhận thế chấp tài sản) thì hành vi của ông Chính và những người liên quan có dấu hiệu của tội  lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự.


Theo Duy Quang Vietnamnet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây