Lần theo thông tin phản ánh của nhiều bạn đọc, chúng tôi tìm tới một số địa chỉ bán mật gấu, mật khỉ trên địa bàn huyện Kỳ Anh để mục sở thị. Quả nhiên, chính những điều mắt thấy tai nghe qua quá trình tìm hiểu sự việc khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn.
Cách thị trấn Kỳ Anh khoảng 3km, lưu thông theo dọc tuyến quốc lộ 1A, hướng Bắc – Nam, có hai địa điểm treo biển quảng cáo rao bán mật gấu, mật khỉ. Niềm nở, với những lời ngon ngọt, bà chủ quán Đồng Nguyên giới thiệu cho chúng tôi về sản phẩm mật gấu, mật khỉ “chất lượng” mà bà ta đang có bán.
Ngang nhiên bày biển quảng cáo, rao bán mật gấu, mật khỉ.
Trên tay cầm một túi đựng nhiều mật gấu, mật khỉ, vị chủ quán này đon đả: “Số “hàng” này chị lấy tận Tây Nguyên về, một số thì lấy từ Lào. Toàn bộ là “hàng” có chất lượng, ở đây chị bán nhiều lắm nên có thương hiệu, người dân xung quanh đây đều sử dụng. Chú cứ yên tâm mua mà dùng”. Đề cập tới vấn đề giá cả, bà chủ quán cho biết, mật khỉ giá 200 nghìn/cái, còn mật gấu gần 20 triệu/cái.
Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi đã liên hệ theo số điện thoại 0906105xxx ghi trên tấm biển rao bán mật gấu. Bắt chuyện với chúng tôi là một người phụ nữ, qua giọng nói thì còn khá trẻ. Chị này vui vẻ khi nghe việc chúng tôi đang cần mua mật gấu, mật khỉ với số lượng lớn. Chị ta cho biết: “Em cần số lượng bao nhiêu chị cũng có, về chất lượng của mật thì cứ yên tâm. Mật khỉ thì chị không có, nhưng chị có thể giới thiệu cho em chỗ mua, toàn chỗ quen biết thân tình với chị…”.
Đây mới chỉ là hai trong nhiều địa điểm rao bán mật gấu, mật khỉ mà chúng tôi tìm hiểu. Tất cả những địa địa điểm buôn bán mật gấu, mật khỉ nói trên đều không có giấy tờ kinh doanh hợp pháp về sản phẩm của những loài động vật quý hiếm theo quy định. Rõ ràng, người mua có thể mua phải hàng rởm từ các điểm bán này, bởi không có căn cứ nào khẳng định số mật động vật được bày bán kia là thật hay giả.
Một thực tế vì mật gấu có giá thành cao, người buôn loại “hàng” này tất nhiên sẽ được hưởng lợi rất lớn. Đồng nghĩa đó trong thời gian qua trên địa bàn một số tỉnh đã xuất hiện tình trạng buôn bán mật động vật giả. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ thì mới tá hỏa rằng mật gấu được rao bán là mật bò, mật chó,…
Các cơ quan chức năng khẳng định đây là mật gấu, mật khỉ giả.
Sao không xử lý?Ông Nguyễn Đình Khoa- Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 4, đóng trên địa bàn huyện Kỳ Anh khẳng định: “Mật đấy là mật giả, làm gì có chuyện mật thật, bọn nó lừa các anh đấy.”. Có nghĩa rằng những lo ngại mua phải hàng giả của người tiêu dùng rõ ràng là có căn cứ.
Khi được hỏi: Biết là giả sao các cơ quan chức năng không vào cuộc xử lý, để tình trạng trên vẫn ngang nhiên diễn ra, những kẻ buôn bán trái pháp luật vẫn “tự tung, tự tác”? Ông Khoa cho rằng: “Buôn bán mật gấu, mật khỉ không thuộc sự quản lý giải quyết của cơ quan chúng tôi. Việc này thì bên phía cơ quan Kiểm lâm giải quyết.”. Rõ ràng câu trả lời này chỉ là cái cớ đùn đẩy trách nhiệm, vì nếu liên quan đến hàng hóa thì trách nhiệm thuộc về cơ quan Quản lý thị trường.
Còn ông Lê Khắc Hưng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh cũng cho biết: “Đấy là hàng giả cả đấy, không phải là hàng thật đâu. Về trách nhiệm quản lý thì thuộc bên cơ quan Quản lý thị trường…”. Vấn đề buôn bán công khai sản phẩm từ động vật rừng quý hiếm mà không có giấy phép, không đúng quy định thì ông Hưng cho rằng, vì là bán chui nên cơ quan Kiểm lâm khó phát hiện xử lý. Điều này là không đúng bởi thực tế nhiều địa điểm dùng những biển hiệu quảng cáo lớn, đặt ngay bên đường quốc lộ 1A rao bán mật gấu, mật khỉ.
Hai cơ quan Hạt Kiểm lâm và Quản lý thị trường số 4 huyện Kỳ Anh đã đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, bên nào cũng cho rằng không thuộc sự quản lý, giải quyết. Cũng bởi vậy thật dễ hiểu vì sao việc buôn bán mật gấu, mật khỉ trái quy định lại có thể công khai như vậy, đơn giản vì chẳng có cơ quan nào quản lý.
Đây không chỉ là hành vi buôn bán sản phẩm từ động vật quý hiếm, mà việc buôn bán nếu thực tế đúng là hàng giả như lời của hai vị lãnh đạo nói thì những người buôn bán kia còn thêm hành vi kinh doanh lừa đảo. Và rất có thể trong thời gian qua người tiêu dùng khi mua phải hàng giả, lại phải chuốc thêm bệnh từ những loại mật giả kia.
Trong sự việc này, chúng tôi cho rằng, việc quản lý, giải quyết không chỉ riêng cơ quan nào. Mà cả hai cơ quan quản lý cần phải phối kết hợp cùng giải quyết.
Cần nói thêm rằng, tình trạng bày bán công khai sản phẩm từ những loài động vật rừng quý hiếm nói trên vi phạm nghiêm trọng quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30-03-2006 về việc quản lý động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Cụ thể, tại chương II, Điều 9 của Nghị định này chỉ rõ: Nghiêm cấm kinh doanh, chế biến động thực vật rừng quý hiếm và các sản phẩm của chúng vì mục đích thương mại; cá nhân, tổ chức chế biến, kinh doanh sản phẩm động thực vật rừng quý hiếm phải có giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp,…
Đề nghị phía các cơ quan chức năng huyện Kỳ Anh nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung cần vào cuộc, xử lý nghiêm việc buôn bán trái pháp luật nói trên.