Mỏ đá núi Nam Giới thuộc địa phận xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà đã được khai thác từ lâu.
Sau tháng 3/1996 trở đi, việc khai thác mỏ chính thức được Nhà nước quản lý, lần lượt được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Cty METECO, Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh vật liệu Sơn Hà.
Cuối năm 2008, UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 3526/GP-UBND cho Cty Cổ phần Xây dựng I Hà Tĩnh với diện tích 7,3 ha, thời hạn 5 năm. Giai đoạn mở rộng, UBND tỉnh đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1131/GP-UBND (sau thay thế bằng Giấy phép số 546) cho Cty này nâng diện tích lên 14,3ha, rút ngắn thời gian khai thác.
Quá trình cấp phép mở rộng này đã vấp pháp sự phản ánh, kiến nghị của cử tri về việc phá vỡ cảnh quan quần thể di tích văn hóa, lịch sử Đền thờ Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và việc cấp phép khai thác mỏ trùng lên rừng phòng hộ.
Theo Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh, quá trình cấp phép và tổ chức khai thác mỏ giai đoạn 1 theo Giấy phép số 3526/GP-UBND, Cty Cổ phần Xây dựng I Hà Tĩnh đã không thực hiện nhiều trách nhiệm: Chưa ký quỹ phục hồi môi trường, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, còn nợ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.
Về phía cơ quan chức năng, chỉ có Sở Công thương tiến hành kiểm tra phục vụ cấp giấy phép sử dụng. Các đơn vị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng và UBND huyện Thạch Hà, UBND xã Thạch Bàn không tổ chức kiểm tra theo qui định.
Quá trình cấp phép và tổ chức khai thác mỏ giai đoạn 2 theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 1131/GP-UBND phù hợp với Qui hoạch sử dụng đất, phù hợp với qui hoạch 3 loại rừng nhưng nằm ngoài qui hoạch khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Từ khi cấp Giấy phép số 1131 đến nay, có 1 đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2 đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh và 3 lần Sở Công thương kiểm tra.
Tuy nhiên, Cty thiếu chủ động, chỉ thực hiện khi có yêu cầu của UBND tỉnh. Cty cũng chỉ thực hiện một phần trách nhiệm trong quá trình khai thác mỏ: Chưa ký quỹ phục hồi môi trường, nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nợ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, chỉ thực hiện ký hợp đồng thuê đất đối với 50% diện tích mỏ được cấp phép, còn lại 7ha chưa làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và chưa ký hợp đồng thuê đất nhưng đã tác động khai thác.
Kiểm tra thực tế hiện trường khu vực cấp mỏ, Thanh tra tỉnh kết luận, khu vực cấp mỏ không vi phạm khu vực bảo vệ an toàn di tích lịch sử, văn hóa đền thờ Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi.
Khu vực cấp mỏ có 1,5ha nằm ngoài qui hoạch đất lâm nghiệp và 6,8ha nằm trong qui hoạch rừng phòng hộ. Trên diện tích cấp phép là 14,3ha, Cty Cổ phần Xây dựng I Hà Tĩnh đã tác động khai thác 7,1ha trong đó có 2,77ha nằm ở khu vực chưa được thuê đất.
Trên diện tích đất được UBND tỉnh cho thuê xây dựng khu chế biến đá, Cty đã xây dựng một số công trình không phù hợp như: Nhà điều hành, nhà ở công nhân, nhà bếp, căng tin, kho chứa xăng dầu, khu chăn nuôi gà, bể chứa nước sạch, trồng cây xanh…
Ngoài ra, Cty còn sử dụng thêm 6,81ha đất bãi ven sông (đất chưa sử dụng do UBND xã quản lý) để làm bãi tập kết vật liệu, chế biến đá và tự ý san lấp, đắp lấn ra phía sông với diện tích 1,57ha.
Về tài chính, theo Thanh tra tỉnh, Cty Cổ phần Xây dựng I Hà Tĩnh còn nợ chưa nộp trên 6,4 tỷ đồng cho các khoản: Ký quỹ môi trường, cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở hồ sơ đoàn thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu tiếp tục đình chỉ việc khai thác mỏ đá núi Nam Giới trên diện tích mở rộng (7ha).
Trong thời hạn 90 ngày, Cty Cổ phần Xây dựng I Hà Tĩnh phải thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra số 412 ngày 3/10/2012 và Văn bản số 718 ngày 28/2/2014 của UBND tỉnh; di chuyển việc xây dựng, lắp đặt các hạng mục của khu gia công chế biến đá xây dựng sai mặt bằng qui hoạch được duyệt; trả lại nguyên trạng mặt bằng các sai phạm do tự ý san lấp, lấn chiếm đất để xây dựng công trình phục vụ chế biến khai thác; nộp ký quỹ bảo vệ môi trường và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đến 31/12/2017.
Nếu Cty Cổ phần Xây dựng I Hà Tĩnh không khắc phục triệt để các lỗi, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hoặc cưỡng chế theo qui định.
Trong trường hợp Cty khắc phục xong các vi phạm, các cơ quan tham mưu UBND tỉnh xem xét, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động khoáng sản.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về quá trình xử lý sai phạm này.
Xác định rõ trách nhiệm của các sở, ngành địa phương liên quan Theo Thanh tra tỉnh, tại Sở Tài nguyên và Môi trường: Giám đốc, phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực và các trưởng phòng chức năng qua các thời kỳ đã chưa thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước trong việc tham mưu cấp phép và quản lý hoạt động khai thác khoáng sản. Tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Giám đốc, phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Hà (nay là Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ) và các trưởng phòng chức năng liên quan qua các thời kỳ đã chưa thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, thiếu chỉ đạo các đơn vị chủ rừng trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đất rừng tại các khu vực cấp phép khai thác mỏ. UBND huyện Thạch Hà, UBND xã Thạch Bàn chưa thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ quản lý đất đai tại mỏ, không tổ chức kiểm tra định kỳ. Sở Xây dựng chưa thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc xây dựng các hạng mục công trình theo qui hoạch được duyệt. Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa thực hiện tốt công tác thẩm định, xác nhận vốn chủ sở hữu và kiếm tra thông tin trong quá trình tham mưu cấp phép Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở Nội vụ căn cứ kết luận thanh tra, mức độ vi phạm và thẩm quyền phân cấp quản lý cán bộ, tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoặc hướng dẫn thủ trưởng các cơ quan liên quan kiểm điểm nghiêm túc và nhận các hình thức kỷ luật hành chính tương xứng. |
Thân Giang
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn