Hà Tĩnh: Cận cảnh đội sà lan hùng hậu của “cát tặc” trên sông La

Thứ bảy - 10/06/2017 11:34
Trung bình một ngày đêm, trên dòng sông La và khúc sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (đoạn tiếp giáp Sông La) thuộc địa bàn huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) có tới gần 40 chiếc sà lan thường xuyên hút cát trái phép. Tình trạng này đã dẫn đến nhiều hệ lụy như: sạt lở sông, hủy hoại các bờ sông vốn được kè bằng đá ở hai bờ; Nhà nước mất nguồn tài nguyên, nhân dân thì mất niềm tin vào lực lượng chức năng chống nạn “ cát tặc”!
Hùng hậu sà lan đội quân “cát tặc”!

Từ trên bờ sông Ngàn Sâu, chúng ta rất dễ phát hiện các sà lan hút cát hoạt động ngang nhiên giữa ban ngày mà không bị cơ quan chức năng nào can thiệp. Ban đêm thì tấp nập hơn rất nhiều, tiếng máy nổ phát ra từ những cổ máy xé vang từng khoảng sông.

Một người làm nghề hút cát ở xã Tùng Ảnh cho biết: Trước tết Nguyên Đán vừa rồi việc hút cát khó khăn hơn do có đội Liên ngành tuần tra, bắt bớ, xử lý. Còn sau tết trở lại nay, không ai tuần tra trong khi nhu cầu xây dựng nhiều nên giá cát cao, hoạt động khai thác cát cũng nhiều hơn.

  
   Cảnh tấp nập cát tặc ở cống Trung Lương và cống Bùi Xá 
  
  Bãi cát trái phép ở xã Tùng Ảnh 

Người này cũng hé lộ, từ xã Đức Hoà xuống tận Đức Thanh (Đức Thọ) có chừng trên dưới 40 sà lan. Trước thì một số sà lan nằm bờ, giờ thì được sử dụng hết. Đã khai thác trộm thì chỗ nào cát đẹp, dễ khai thác, và làm được nhanh thì các tàu tập trung làm. Cát trước thì bán cho các bến gần, giờ cát được vận chuyển bằng sà lan qua cống Bùi Xá và cống Trung Lương bán tại các huyện Can Lộc, Thạch Hà. Giá cát bán tại bến ở Đức Thọ chỉ 40 ngàn/m3 còn bán ở các bến tại huyện Can Lộc, Thạch Hà lên tới 100-120 ngàn/m3.

Theo tìm hiểu thì hoạt động khai thác cát lậu ở đây được núp dưới hình thức bảo kê. Theo đó, những chủ tàu không nằm trong nhóm được bảo kê thì luôn bị gây khó khăn, và bị báo cho lực lượng chức năng bắt phạt. Nhóm bảo kê này cũng nắm rất rõ lịch trình của các cơ quan chức năng để thông báo khi có tuần tra, kiểm soát, cho nên khi nhận được thông tin từ người dân, lực lượng chức năng đến thì các sà lan hút cát cũng đã neo đậu an toàn?

Việc hút cát trái phép trên sông được dân trong nghề ví là “1 vốn, 4 lời”. Chỉ việc hút cát lên và đưa đi bán, không phải chịu thuế má gì, chỉ đầu tư con tàu (sà lan); Và mỗi đêm chở 50m3 cát một chuyến, trừ chi phí xăng dầu, tiền luật lệ ra thì cũng được 3 triệu đồng. Có gia đình còn làm 2, 3 chuyến mỗi đêm. Họ làm được như thế vì hút cát 2 chuyến đầu lên bán tại bến gần đó, còn chuyến sau cùng sẽ chở qua cống thuỷ lợi Bùi Xá vào Can Lộc bán, chiều lại quay về để tối hút cát tiếp.

  
  Náo loạn cả khúc sông 
  
  
  
 Các sà lan theo sông chở cát về các bến ở huyện Can Lộc, Thạch Hà và những sà lan đang nằm chờ được vào sông để tiếp tục được hút cát 

Chúng tôi đến cống thuỷ lợi Bùi Xá (Đức Thọ) và cống Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh)  đúng lúc nước lên thì chứng kiến hàng chục chiếc sà lan đầy ắp cát nối đuôi nhau xếp thành hàng trên cửa kênh dẫn qua cống. Những chiếc sà lan này đang chờ cán bộ thuỷ lợi mở cống để đi vào kênh. Từ đó, những chiếc sà lan này sẽ theo kênh nước về các bến cát tập kết ở các huyện Can Lộc và Thạch Hà. Phía bên ngoài cống, những chiếc sà lan đã tập kết cát xong ở bãi cũng đang hối hả chờ vào sông để tiếp tục nạo vét cát.

Có một điều “lạ”, tại 2 cống này, chúng tôi thấy thuyền của Phòng CSGT đường thủy đậu bên bờ kênh nhưng không xử lí. 

Loạn bến cát, thất thoát tiền tỷ!

Huyện Đức Thọ hiện có 21 bến cát đang hoạt động, trong đó có 1 mỏ cát và 2 bến cát được cấp phép; 6 bến đang trong quá trình xin cấp phép theo diện xây dựng NTM. Còn lại là các bến hoạt động bất hợp pháp.

Mỗi đêm nếu 40 sà lan (sà lan lớn chứa trên 100m3 cát, xà lan nhỏ từ 30-60m3) hoạt động 1 chuyến thì  dòng sông La sẽ bị lấy mất 2000m3 cát. Thực tế số lượng cát sẽ bị khai thác nhiều hơn vì có nhiều sà lan có trọng tải lớn, và hoạt động nhiều chuyến. Nếu số cát trên được khai thác hợp pháp và nộp thuế Nhà nước với mức 25000 đồng tiền thuế/ m3 cát thì mỗi ngày Nhà nước thu về 50 triệu đồng.

  
 6 sà lan cát ngang nhiên trước mặt cơ quan chức năng 

Các xã có sông  đi qua đều được tổ chức lực lượng và tập huấn, trang bị để bắt phạt nạn khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, thẩm quyền của xã chỉ xử phạt khi phương tiện khai thác dưới 5m3 cát, trong khi đó các sà lan thường có trọng tải trên 50m3. Sự chồng chéo này đã khiến đã khiến cho lực lượng địa phương không mặn mà gì với việc chống nạn “cát tặc”, vì có bắt cũng phải bàn giao lại cho ngành chức năng khác. Hơn nữa phương tiện truy bắt cũng chẳng có?

Gia đình chị Liễu ở xã Tùng Ảnh, sống bên bờ sông kể rằng: Ban đếm tàu hút cát chạy máy nổ ầm ầm, con cái ngồi trong nhà không tập trung học được. Tàu hút cát nhiều quá, nhiều đoạn sông bị sạt lở, tôi và các gia đình ở đây sợ một ngày nào đó cũng bị sạt lở nương vườn nhà cửa. Thấy có tàu hút cát, chúng tôi gọi báo cho cơ quan chức năng nhưng  thấy xử lí rất chậm và không hiệu quả.

  
 Cát từ sông La đi qua cống Trung Lương về tập kết tại các bến ở huyện Can Lộc, Thạch Hà một cách ngang nhiên trước mắt lực lượng chức năng 

Rất nhiều người dân than rằng, các đội Liên ngành, Đội cơ động xử lí nạn khai thác cát trên sông đều được trang bị xuồng máy có vận tốc lớn nhưng khi nghe báo thì lại phản ứng rất chậm. 

Chẳng lẽ xuồng máy ấy chạy chậm hơn các sà lan chất đầy cát?

(Còn tiếp)

Theo Lê Thông - Quốc Hoàng Tầm nhìn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây