Đằng sau sự hoạt động công khai của đội ngũ xe này là nạn móc túi, “chặt chém” tiền của bệnh nhân. Và nguy hại hơn là nó đã gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và an toàn cho bệnh nhân cấp cứu. Điều đáng nói, các xe cứu thương “dù” này hoạt động chui bằng nhiều hình thức như tự trang bị còi hụ, đèn ưu tiên, dán chữ thập đỏ, giả mác 115. Thậm chí còn có cả sự móc nối với cán bộ công nhân viên của một số bệnh viện để chèo kéo khách.
Tại BVĐK Hà Tĩnh “đội quân” xe cứu thương giả sắp hàng trước cửa BV để đón, trả bệnh nhân. |
Phóng viên đã có nhiều ngày rong ruổi cùng ống kính để độc giả có thể rõ hơn về vấn nạn này đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, ngoài xe cấp cứu của các bệnh viện và xe cứu thương của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Tĩnh được cấp phép đủ điều kiện hành nghề thì cũng đang tồn tại hàng chục chiếc xe cứu thương “dù” tuy không có giấy phép hành nghề của Sở Y tế nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động công khai trên địa bàn. Đội quân "xe dù" 115 này có mặt khắp các nơi từ trạm y tế xã, các bệnh viện tuyến huyện và thậm chí là cả bệnh viện tuyến tỉnh để chèo kéo, đưa đón bệnh nhân. Không chỉ có thế “đội ngũ” xe không phép này còn tranh dành bệnh nhân với các xe cứu thương của xe cứu thương của các bệnh viện và Trung tâm cấp cứu 115 Hà Tĩnh.
Tại một số bệnh viện đa khoa (BVĐK) trên địa bàn Hà Tĩnh như BVĐK Hà Tĩnh, BVĐK Hồng Lĩnh, BVĐK huyện Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê… tình trạng xe cứu thương giả 115 hoạt động một cách ngang nhiên. Đặc điểm các xe cứu thương giả này là xe của tư nhân, thậm chí xe riêng của một số cán bộ đang công tác tại bệnh viện mua về rồi trang bị còi hú, đèn ưu tiên, dán chữ thập đỏ để hợp thức thành xe cứu thương. Có người còn cho rằng đây là đội ngũ xe “bốn không”: không có giấy phép hành nghề Y tế, không có trang thiết bị cấp cứu tối thiểu, không có nhân viên y tế chăm sóc, hộ tống và không có bảng giá cước phí công khai, ổn định…
Tệ hại hơn, phần lớn các xe dởm này là những chiếc xe đã cũ nát, giá rẻ được mua về sửa chữa, lắp một số thiết bị cứu thương như cáng, bình Oxy, dán hình chữ thập đỏ, còi đèn ưu tiên để hoạt động nhằm đánh lừa người nhà bệnh nhân, chất lượng thấp kém, rất dễ mất an toàn cho người bệnh. Việc xe cứu thương giả lộng hành trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh không những đe dọa về sự an toàn đến tính mạng của người cấp cứu, kinh tế của gia đình bệnh nhân mà gây hiểu nhầm, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín về chất lượng dịch vụ chung của ngành Y tế.
Khi chủ "xe dù" 115 dù là… bác sỹ
Tại bệnh viện ĐK Hà Tĩnh, BVĐK huyện Kỳ Anh tình trạng xe cứu thương giả lộng hành vẫn là một vấn đề nan giải và chưa có phương án giải quyết dứt điểm tình trạng này. Nguy hại hơn khi chính bác sỹ cũng nhảy vào làm "xe dù" 115.
Cụ thể, chiếc xe BKS 38H-0847 là của một bác sỹ đang làm việc tại BVĐK huyện huyện Hương Sơn. Mặc dù không được cấp phép làm xe cứu thương nhưng vẫn trang bị như xe cứu thương để đón trả bệnh nhân tại BVĐK huyện Hương Sơn và các trạm y tế. Lãnh đạo bệnh viện đã nhiều lần nhắc nhở nhưng vị bác sỹ không những không tiếp thu ngược lại vẫn tiếp tục hùn vốn với một số đối tượng khác để mua thêm xe về để hoạt động. Việc làm của vị bác sỹ này đã khiến người nhà bệnh nhân hết sức bức xúc. Rất nhiều chủ "xe dù” sau khi đã chèo kéo được bệnh nhân lên xe thì ngay lập tức nhà xe bắt đầu ra với mức giá “cắt cổ”.
Đứng trước tình thế mạng người quan trọng nên người nhà bệnh nhân cũng phải gật đầu đồng ý. Bà Nguyễn Thị Hương ở Kỳ Giang (Kỳ Anh) tâm sự, tháng trước bà đưa người nhà ra Hà Nội trên chiếc xe 37S – 8029 (xe đậu trước cửa BVĐK Kỳ Anh) ra đến Vinh yêu chủ xe cầu người nhà tăng thêm 500 nghìn đồng vì giá xăng đột ngột tăng. Sau một lúc lời qua tiếng lại, bà Hương đành phải chịu trả thêm tiền để cho kịp đưa người nhà đi cấp cứu.
Dù không được cấp phép nhưngvị bác sỹ ở BVĐK huyện huyện Hương Sơn cũng hùn vốn với một số bác sỹ khác mua xe về trang bị như xe cứu thương để đón trả bệnh nhân tại BVĐK huyện Hương Sơn. |
Bà Phan Thị Xuân Liễu - Giám đốc BVĐK huyện Kỳ Anh tỏ ra bất lực trước đội quân xe cứu thương giả đang hoành hành trong bệnh viện. Bà Liễu cho biết: “Hiện tại BVĐK Kỳ Anh có 4 chiếc xe cứu thương được cấp phép hành nghề. Các xe này được trang bị đầy đủ các thiết bị cấp cứu đến đội ngũ y tá nên phần lớn đáp ứng việc vận chuyển bệnh nhân đi cấp cứu khi cần thiết. Nhưng hiện nay có một số xe cứu thương tư nhân vẫn đang hoạt động đón trả bệnh nhân trong và ngoài bệnh viện gây ra tình trạng khó kiểm soát. Các xe này nhiều lần vào trong bệnh viện đưa đón bệnh nhân. Ban lãnh đạo bệnh viện đã nhắc nhở, nghiêm cấm nhưng họ vẫn không chấp hành, thậm chí đòi ăn thua với lực lượng bảo vệ…”
Ai quản lý "xe dù" 115 ?!
Theo quy định tại thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT/CA-QP-YT-GTVT-KH-CN của Liên bộ Công an - Quốc phòng - Y tế - Giao thông Vận tải – KHCN thì xe cứu thương bao gồm: xe cứu thương của tất cả các bệnh viện (công lập và tư nhân ), xe cứu thương của các trung tâm cấp cứu 115 các tỉnh, thành phố làm nhiệm vụ chuyên trách về hoạt động cấp cứu ngoại viện. Việc cấp phép và kiểm tra, giám sát hoạt động của xe cứu thương phải được tuân thủ theo quy định của Bộ y tế như cho các cơ sở hành nghề y & dược, cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện về con người, cơ sở vật chất (máy móc trên xe, phương tiện đảm bảo…) và được kiểm soát nghiêm ngặt.
Một "xe dù" 115 tại BVĐK Kỳ Anh đang chờ khách |
Ông Võ Trọng Hùng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Hà Tĩnh cho rằng, các xe cứu thương đủ điều kiện hành nghề hay không thì do Sở Y tế cấp phép. CSGT chỉ cấp phép lưu hành cho những xe đủ tiêu chuẩn còn khi các xe này đón bệnh nhân lúc nào, về lúc nào thì Sở Y tế phải nắm chứ CSGT không biết được…
Theo ông Hùng việc kiểm tra, kiểm soát các xe cứu thương chạy trên đường đối với lực lượng CSGT nó rất khó khăn, bởi các xe này bật còi, đèn ưu tiên chạy trên đường nếu lực lượng CSGT dừng lại kiểm tra mà chậm việc cấp cứu của bệnh nhân, nếu xẩy ra vấn đề gì thì lực lượng CSGT phải chịu trách nhiệm…”
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh lại cho rằng, việc kiểm tra kiểm soát các xe cứu thương thuộc về ngành CSGT. Sở Y tế chỉ cấp phép quản lý những xe đủ điệu kiện được cấp phép hành nghề chứ những xe tư, xe dởm chạy ngoài đường thì công an phải kiểm tra xử lý. Xe nào cấp phép, xe nào thật, xe nào giả, xe cứu thương nào đang chở người đi cấp cứu thì CSGT nắm rõ!
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn