Hà Nội: Bi kịch về người phụ nữ bị chồng “hờ” hành hung dã man

Thứ năm - 08/06/2017 20:58
(Hatinhnews) – Công an phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình vừa có thông báo về việc giải quyết đơn tố cáo của một phụ nữ bị chồng “hờ” đánh đập dã man và có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.

Bị hành chồng “hờ” hung dã man

Theo đơn tố cáo đề ngày 10/4/2012 của bà Đái Thị Thúy Hạnh, trú tại số 21, ngõ 102, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội gửi đến Báo Dân trí phản ánh:

Năm 2008, bà Hạnh có gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với ông Trịnh Đình Vũ. Thương hoàn cảnh “gà trống nuôi con” của ông Vũ, bà Hạnh đã “lén” cho bố con ông Vũ đến chung sống tại ngôi nhà ở số 8, ngách 371/9 Kim Mã phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là nhà thuộc sở hữu hợp pháp của bố mẹ đẻ bà Hạnh (ông Đái Xuân Tòng và bà Nguyễn Thị Thanh Trúc).

Tuy nhiên mong ước cùng xây dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc của bà Hạnh đã không thể thực hiện khi ông Vũ thường xuyên đánh đập, nhục mạ người đã yêu thương, cưu mang hai cha con ông. Đặc biệt ngày 19/08/2011, ông Vũ đã chuẩn bị đầy đủ dao, dây xiết cổ … rồi đóng hết cửa nhà, đánh đập bà Hạnh dã man bằng các hành vi: dùng dao dọa đâm, dùng dây để siết cổ, lấy tóc đập đầu vào tường bê tông… khiến bà Hạnh bị chấn thương nặng phải điều trị hàng tháng trời trong bệnh viện, đến nay vẫn bị ảnh hưởng ở vùng đầu và mắt.

Quá ê chề, đau đớn và kinh sợ, ngay sau khi xảy ra sự việc, bà Hạnh và gia đình đã làm đơn tố cáo tới Công an phường Ngọc Khánh để được giải cứu và đề nghị trừng trị hành vi phạm pháp của ông Vũ; đồng thời đề nghị giám định thương tật để có căn cứ giải quyết vụ việc.

Nhưng thật trớ trêu, ngày 8/11/2011, sau gần 3 tháng bị dánh đập, khi vết thương trên thân thể của bà Hạnh đã gần như hồi phục thì cơ quan công an phường Ngọc Khánh mới cấp giấy tờ để đi giám định thương tật và kết quả là: tỷ lệ thương tật của bà Hạnh ở mức 6%.
Đơn kêu cứu của bà Hạnh gửi đến Báo Dân trí

Ai cũng biết kết quả giám định thương tật không bao giờ còn chính xác sau 3 tháng điều trị, ai cũng có thể nhẩm tính tỷ lệ thương tật mà bà Hạnh phải mang lẽ ra phải cao hơn nhiều so với con số 6%. Và với mức tỷ lệ thương tật dưới 11% này, ông Vũ nghiễm nhiên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý gây thương tích mà chỉ phải chịu xử phạt vi phạm hành chính theo điểm k khoản 3 điều 7 Nghị định 73CP với số tiền là 1.500.000 đồng.

Bố mẹ bị “vạ lây”

Sau “kỷ niệm” đầy đau thương, bà Hạnh trở về từ bệnh viện lại lâm vào cảnh… không biết về đâu! Bởi vì, ông Vũ không hề có ý định dời đi, không hề có ý định trả lại nhà cho ông Đái Xuân Tòng và bà Nguyễn Thị Thanh Trúc (bố mẹ của bà Hạnh), thậm chí ông Vũ còn không có ý định để bà Hạnh quay về. Cho nên, có lần ông Vũ đã tự ý thay khóa cửa ngôi nhà và cứ “ung dung” sinh sống tại đây. Còn bà Hạnh, đến nay vẫn cứ mang nỗi ê chề đi ở nhờ khắp nơi!

Hóa ra, trong thời gian bà Hạnh điều trị, ông Vũ đã kịp thời giao nộp cho Công an phường Ngọc Khánh một số giấy tờ về việc ông đã bỏ 300.000.000 đồng tiền đặt cọc khi giúp ông Tòng, bà Trúc mua bán căn nhà này. Ông Vũ yêu cầu ông Tòng hoàn trả số tiền trên thì mới chuyển đi. Ngược lại, để chứng minh cho sự trong sạch của mình, ông Tòng cũng đã xuất trình đầy đủ các giấy tờ cần thiết chứng tỏ việc mua bán cũng như quyền sử hữu nhà đất hợp pháp của ông bà. Pháp luật sẽ xác minh độ chân thực của các giấy tờ do các bên giao nộp. Thế nhưng, chỉ bằng việc cung cấp một tờ giấy chưa được xác nhận là thật hay giả của ông Vũ mà khiến cho cả gia đình bà Hạnh lâm vào cảnh thiệt thòi trăm bề như vậy liệu có hợp lý hay không?
Công văn của Công an phường Ngọc Khánh trả lời khiếu nại của bà Hạnh

Cha con bà Hạnh lại cõng thêm một hành trình kêu cứu trong nỗi hoang mang tột độ. Vì từ đó đến nay, không biết bao nhiêu đơn từ đã được gửi đi đến rất nhiều các cơ quan chức năng như: Công an phường Ngọc Khánh, công an quận Ba Đình, Viên kiểm sát nhân dân quận Ba Đình,... nhưng sự việc vẫn giậm chân tại chỗ. Dù hiện nay ông Vũ đã bị buộc phải giao chìa khóa ngôi nhà cho cả bà Hạnh sử dụng nhưng bà Hạnh không thể quay về sinh sống sau bao trận đòn roi nếu ông Vũ vẫn “được quyền” ở lại. Còn ông Tòng và bà Trúc thì vẫn cay đắng đứng nhìn khối tài sản của mình bị xâm phạm trắng trợn mà không thể yêu cầu ông Vũ dời đi.

Quyền sở hữu tài sản của ông Tòng và bà Trúc là không thể phủ nhận. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được nhà nước cấp hợp pháp cho ông bà từ năm 2008. Và ông Vũ cũng hoàn toàn thừa nhận ngôi nhà trên thuộc sở hữu hợp pháp của ông bà Tòng. Nếu ông Vũ có căn cứ cho rằng, ông Vũ có quyền lợi liên quan đến ngôi nhà thì theo quy định của pháp luật, ông Vũ buộc phải chứng minh. Thế nhưng, hình như trong trường hợp này, quyền sở hữu hợp pháp vẫn còn chưa đủ điều kiện để pháp luật bảo vệ!
Vết thâm tím do bị hành hung trên cổ bà Hạnh
Vậy là không chỉ bị giám định thương tật sau những 3 tháng bị xâm hại, bà Hạnh “bỗng dưng” trở thành người vô gia cư! Có hay không âm mưu chiếm đoạt tài sản, có hay không việc các cơ quan công quyền làm ngơ, dung túng cho những hành vi vi phạm pháp luật của ông Vũ, có hay không việc bỏ lọt tội phạm, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Bát đĩa còn có lúc xô, việc hai người yêu thương chung sống cùng nhau thỉnh thoảng cáu giận, xô xát âu cũng không phải là chuyện hiếm. Thế nhưng, xô xát đến mức bị đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng thì không còn là “chuyện trong nhà” nữa. Tại sao Công an phường Ngọc Khánh không tiến hành các thủ tục giám định thương tật ngay khi bà Hạnh có yêu cầu? Ai có lợi trong việc này? Có lẽ, dư luận cũng không quá khó khăn để suy đoán.
Theo Dân trí



Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây