Trả lời, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, lương hưu được tính theo mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Do đó, mức đóng hàng tháng thấp, thời gian tham gia BHXH ngắn, thì mức lương hưu sẽ thấp. 

Đối với giáo viên mầm non tham gia BHXH trước đây có mức lương hưu thấp, ông Dung lý giải: Từ ngày 19/8/1999, với Nghị định 73/1999, giáo viên mầm non mới thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Đồng thời, để tạo điều kiện cho giáo viên mầm non khi tới tuổi hưu đạt điều kiện hưởng lương hưu, nếu ai thiếu năm đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu (tối thiểu 15 năm đóng), sẽ được đóng bù phần thời gian còn thiếu (và từ năm 2011 được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đóng).

“Như vậy, nhóm giáo viên mầm non tham gia và mức đóng BHXH thấp, chủ yếu trên mức tiền lương tối thiểu chung nên lương hưu thấp”, ông Dung khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Dung, nhà nước đã có chính sách để hỗ trợ những đối tượng trên. Theo đó, để hỗ trợ giáo viên mầm mon về hưu nhưng lương thấp, từ năm 2016, những người có mức lương hưu dưới 2 triệu đồng/tháng, hoặc thấp hơn lương cơ sở sẽ được nhà nước cấp thêm để bằng mức lương cơ sở. Hiện mức lương cơ sở là 1,3 triệu đồng/tháng, và từ 1/7/2018 tăng lên 1,39 triệu đồng/tháng.

Trước đó, dư luận từng xôn xao khi một cô giáo mầm non Trương Thị Lan (Hà Tĩnh), với hơn 22 năm đóng BHXH, nhưng khi về hưu chỉ nhận được mức lương 1,3 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, vì những lý do giải thích như trên (mức đóng BHXH thấp và thời gian tham gia BHXH ngắn), thậm chí mức lương của cô Lan còn chưa được 1,3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do thuộc khu vực nhà nước, nên ngân sách cấp bù thêm 37.000 đồng/tháng, để bằng mức lương cơ sở.

Trong khi, theo thống kê của BHXH Việt Nam, cả nước còn nhiều người có mức lương hưu thấp hơn cô Lan, nhưng không được cấp bù do ngoài khu vực nhà nước. Cụ thể, năm 2017, cả nước có hơn 3.000 người nhận mức lương hưu từ 1,3 triệu đồng/tháng trở xuống.