Sắp tới, tùy theo đặc thù của ngành học mà sinh viên đại học chỉ phải học từ 3 - 4 năm. Ảnh: Q.Anh
Giảm những môn học không cần thiết
Cùng với sự phát triển của xã hội, công tác đào tạo đại học cũng đặt ra những thách thức để đáp ứng nhu cầu xã hội, hội nhập quốc tế. Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo khi mà mỗi năm có rất nhiều tân cử nhân, kỹ sư không đáp ứng được yêu cầu của công việc dẫn đến thất nghiệp, khó cạnh tranh trên thị trường lao động khu vực và thế giới. Bài toán cần có lời giải đó là hiện trạng sinh viên học lâu, học nhiều nhưng vẫn yếu kém, nhất là ở khâu thực hành. Do đó, cần phải thay đổi, rút ngắn số môn, rút ngắn năm học để tạo điều kiện nhiều hơn cho sinh viên được học đi đôi với hành?
Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), giáo dục của nước ta hiện nay khá “lộn xộn” trong nhiều cấp học. Ngay cả ở bậc phổ thông, các em đã phải học quá nhiều môn học không cần thiết. Đối với bậc đại học, sinh viên cũng vất vả để hoàn thành một số môn học mà được cho là không cần thiết, không tạo hứng thú cho sinh viên, có những môn chỉ cần tham khảo tài liệu, đọc sách là có thể hiểu được mà không cần phải cả buổi ngồi ở giảng đường, hoàn thành bài thi…
“Theo tôi, cần thiết để giảm thiểu môn học không cần thiết, rút bớt thời gian học cho sinh viên, song giảm môn nào, thời gian bao lâu lại phải tính toán kỹ dựa trên đặc thù của ngành học. Có những ngành có thể còn 3 năm, nhưng có ngành thì không thể dưới 5 năm. Tuy nhiên, cũng cần phải đẩy mạnh công tác phân luồng đối với học sinh phổ thông. Làm sao để học sinh đi học nghề sớm hơn, ra trường sớm hơn để có việc làm tốt, thay vì cứ phải vào học đại học, học xong lại thất nghiệp vì dư thừa lao động”, PGS Văn Như Cương chia sẻ.
Việc giảm số năm học trên thực tế cũng đã được một số trường đại học áp dụng, chủ yếu là các trường theo hình thức đào tạo tín chỉ. Một số trường đại học đã mạnh dạn thí điểm hình thức học vượt năm cho các sinh viên theo học hệ tín chỉ, nghĩa là sẽ được hoàn thành trước chương trình học và có thể được cấp bằng sớm hơn một năm so với thông thường. Từ thực tiễn này cho thấy, rút ngắn thời gian đào tạo đại học không còn là chuyện phi thực tế hay đáng lo ngại về chất lượng “đầu ra”. Rất nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến cũng không còn “đóng khung” đào tạo đại học cứ phải từ 4 năm trở lên.
Học vượt và giảm năm đào tạo
Có thể đưa ra ví dụ một số trường cho sinh viên học vượt năm như: ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Ngân hàng TPHCM, ĐH Hồng Đức, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội)… Dù số lượng các sinh viên theo mô hình này ra trường không nhiều, chỉ áp dụng cho những sinh viên đào tạo theo tín chỉ, nhưng đây cũng có thể coi là hình thức đào tạo “mở” được sinh viên hào hứng, nâng cao quyết tâm để được ra trường sớm, giảm chi phí học tập cho gia đình. Tuy nhiên, mới chỉ rất ít trường thực hiện thí điểm này và chỉ dành cho những sinh viên có lực học tốt. Đa phần các trường đại học vẫn áp dụng hình thức đào tạo “cổ điển” ở bậc đại học từ 4 - 6 năm.
Chỉ ra những bất cập không chỉ ở khâu đào tạo, hay số năm đào tạo đại học kéo dài từ 4 - 6 năm như hiện tại, TS Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng) cho biết: “Giáo dục nước ta không có sự phân luồng học sinh sau THCS, sau THPT, khiến cho học sinh chỉ mong muốn thi vào đại học. Về đào tạo đại học sẽ tiến tới đào tạo từ 3 - 4 năm, phân thành 3 luồng: Định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, các trường đại học có sự uyển chuyển hơn trong vấn đề thiết kế nội dung chương trình đào tạo để đáp ứng các nhu cầu của thị trường nhân lực một cách nhanh chóng hơn”.
Trước những bất cập trong cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, nhất là ở đào tạo đại học, Bộ GD&ĐT đã tập trung lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các trường để thay đổi lại cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Theo dự thảo Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Bộ GD&ĐT, hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục bậc cao; giáo dục thường xuyên - học tập suốt đời. Trong đó, giáo dục đại học sẽ chỉ đào tạo trong vòng 3 - 4 năm.
Theo giải thích của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp không thay đổi về tên các trình độ và phân tầng giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học, nhưng có điều chỉnh về thời gian đào tạo trình độ đại học (đề xuất 3-4 năm khác với quy định tại Khoản 2, Điều 38 Luật Giáo dục là 4-6 năm) và trình độ tiến sĩ (đề xuất 3-4 năm khác với quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật Giáo dục là 2-4 năm). Điều chỉnh này sẽ giúp cho hệ thống giáo dục đại học tiếp cận hơn với chuẩn mực chung của quốc tế trong tổ chức đào tạo đại học và sau đại học.
Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT trong Đề án hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, có các cấp học, đào tạo như sau: Giáo dục mầm non gồm nhà trẻ và mẫu giáo; giáo dục phổ thông cơ bản không thay đổi, gồm: Tiểu học 5 năm; THCS 4 năm; THPT 3 năm. Giáo dục nghề nghiệp gồm đào tạo sơ cấp 1-3 năm; Trung cấp 3 năm; Cao đẳng 2-3 năm; Giáo dục bậc cao gồm: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, đại học học 3-4 năm, thạc sĩ học 1-2 năm. |
theo Quang Anh Báo Gia đình & Xã hội
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn