Theo kết luận điều tra, Công ty Haprosimex là doanh nghiệp do UBND TP Hà Nội là chủ sở hữu, Chi nhánh Haprosimex là đơn vị kinh tế phụ thuộc, chịu sự chỉ đạo và quản lý của Công ty Haprosimex.
Từ tháng 7-2010 đến tháng 3-2016, khi được bổ nhiệm chức danh kiêm Giám đốc Chi nhánh Haprosimex, ông Tẩm đã chỉ đạo các bộ phận, cá nhân liên quan chi tiền phụ cấp sai qui định từ nguồn quĩ của Nhà máy dệt kim Haprosimex cho cá nhân ông, với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Do số tiền không hạch toán trên quĩ tiền lương dẫn đến hụt quĩ tiền mặt của Nhà máy.
Để che đậy việc làm trên, ông Tẩm đã chỉ đạo cấp dưới hạch toán một phần số tiền trên vào chi phí quản lý doanh nghiệp. Khi bị cơ quan điều tra hỏi, ông Tẩm biện mình rằng, mặc dù việc nhận tiền phụ cấp là không đúng qui định, nhưng ông tự thấy bản thân có cống hiến với doanh nghiệp, ông cũng đã nộp thuế thu nhập cá nhân về số tiền nêu trên.
Tuy nhiên, “cống hiến” của ông Tẩm đâu không biết, chỉ biết rằng, từ năm 2010 đến nay, Nhà máy Haprosimex do ông quản lý làm ăn thua lỗ. Hành vi của ông Nguyễn Cự Tẩm đã cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo qui định tại Điều 281 Bộ luật hình sự (BLHS) 1999 và Điều 356 BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Bị can Nguyễn Cự Tẩm. |
Năm 2012, Nhà máy dệt kim Haprosimex khó khăn về tài chính, ông Tẩm đề nghị các cán bộ chủ chốt nếu có tiền thì cho nhà máy vay hoặc vay hộ nhà máy. Lợi dụng chủ trương này, ông Tẩm đã chỉ đạo nhập quĩ tiền mặt nhà máy để hạch toán khoản vay đứng tên 3 cá nhân gồm Nguyễn Hồng Vân, Đào Thanh Lê và Trần Bích Huệ. Song kết quả xác minh cho thấy, 3 cá nhân có tên trên không có tiền cho Nhà máy dệt kim Haprosimex vay.
Ngày 24-6-2014, ông Tẩm chỉ đạo Phạm Thị Minh Phương hạch toán ghi tăng công nợ cho khách hàng Nguyễn Hồng Vân bằng khoản vay 600 triệu đồng. Ngày 1-7-2014, hạch toán trả lãi cho Đào Thanh Lê số tiền 600 triệu đồng.
Hai bút toán này không làm thay đổi số tiền trên sổ quĩ tiền mặt của nhà máy, không có tiền lưu chuyển qua quĩ tiền mặt của Nhà máy và được xác lập bằng 2 chứng từ khống có chữ ký xác nhận của ông Tẩm, Phạm Thị Minh Phương và Đinh Trọng Đức. Song các bút toán đã làm phát sinh khoản vay mới dẫn đến phải trả lãi.
Tính từ 27-4-2015, sau khi hạch toán khoản vay 600 triệu đồng khống, khoản vay Đào Thanh Lê phát sinh các khoản lãi vay Nhà máy dệt kim Haprosimex phải trả. Ông Tẩm đã nhận hơn 260 triệu đồng tiền lãi vay của 2 khoản vay trên. Hành vi này của ông Tẩm đã cấu thành tội “Tham ô tài sản” theo Điều 278 BLHS năm 1999, nay là Điều 353 BLHS nă 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Hành vi của Phạm Thị Minh Phương giữ vai trò đồng phạm với ông Nguyễn Cự Tẩm về tội “Tham ô tài sản”. Riêng với Đinh Trọng Đức, tuy là kế toán thanh toán theo dõi xuất, nhập kho, mặc dù đã ký vào các phiếu thu, chi tiền, nhưng thực hiện theo chỉ đạo của ông Tẩm và Phương, không biết cụ thể việc lập khống chứng từ vay và nhận lãi vay của khoản vay 600 triệu đồng nên Cơ quan ANĐT không đủ căn cứ xem xét xử lý hình sự.
Cơ quan điều tra còn xác định ông Tẩm đã tham ô 156 triệu đồng từ quĩ của Nhà máy dệt kim Haprosimex. Theo ông Tẩm, đây là số tiền ông sử dụng để chi phí ngoại giao, tiếp khách nhưng không trình bày đã sử dụng cụ thể vào việc ngoại giao gì.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra còn làm rõ 6 hành vi có dấu hiệu sai phạm liên quan đến ông Nguyễn Cự Tẩm, như sử dụng trái mục đích số tiền 8 tỷ đồng là tiền hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng; sử dụng số tiền 5,9 tỷ đồng tiền bán phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Haprosimex Thăng Long; tạm ứng gần 2,5 tỷ đồng chưa có chứng từ hoàn ứng… Những sai phạm này sẽ được trích rút tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra tiếp.
Đào Minh Khoa
Theo Công an Nhân dân
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn