Gia cảnh khốn khó của cựu sinh viên cắn lưỡi tự tử

Thứ tư - 02/05/2018 01:00
Ra trường với tấm bằng giỏi, chưa xin được việc chính thức nên Hằng từng xin đi dạy hợp đồng rồi đi làm may, cuối cùng về nhà phụ giúp mẹ trông quán nước nhỏ. Trước khi có hành động dại dột, Hằng đã có biểu hiện trầm cảm.
Chuyện buồn của một cử nhân bằng giỏi

Phạm Thị Thu Hằng (26 tuổi), lớn lên tại ở khu tập thể 4 tầng, phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Cô gái nhỏ bé, xinh xắn đạt được nhiều thành tích trong học tập và Hằng là cựu sinh viên khoa 44 Giáo dục thể chất, Trường ĐH Thể dục - Thể thao Bắc Ninh với tấm bằng loại giỏi.

Khu tập thể nơi Hằng sinh sống

Theo thầy Nguyễn Đại Dương, hiệu trưởng nhà trường - sau bốn năm ra trường Hằng vẫn thất nghiệp dẫn đến suy nghĩ nhiều rồi mắc bệnh trầm cảm dẫn đến cắn lưỡi tự vẫn.

Kể về con gái mình, ông Phạm Văn Bằng cho biết: Hằng là con gái cả trong gia đình có 2 chị em. Tốt nghiệp loại giỏi nhưng không xin được công việc đúng với chuyên môn.

Ông Bằng kể, sau khi ra trường được hơn 1 năm thì cháu xin đi dạy hợp đồng cho một trường cấp 3 trên địa bàn nhưng bản tính nó nhát, hiền lành nên bị các em học sinh trêu trọc, có lúc còn khóc nên làm ở đó được một thời gian thì xin nghỉ. Sau gia đình vay mượn hơn 10 triệu cho cháu đi học nghề may".

Gặp bà Hoàng Thị Mì (sinh năm 1956)-mẹ của Hằng tại BV Tâm thần Bắc Ninh sáng 16/3, người mẹ già cho biết thêm: "Lúc đi học may xong Hằng xin vào làm ở một xưởng tư nhân, sáng làm từ 7h-13h, chiều làm từ 14h-22h. Nhưng người chủ luôn miệng chê Hằng làm chậm, không bằng họ may vội. Tự ái, làm được gần 3 tuần thì cháu xin nghỉ mà không nhận đồng tiền công nào".

Từ đó đến nay, cháu ở nhà phụ giúp mẹ bán trứng, nước chè cho sinh viên gần nhà sống qua ngày. Do ít tiếp xúc với tiền bạc nên theo bà Mì có lần Hằng bị khách lừa không trả tiền, quỵt nợ hoặc trả tiền giả nhưng không biết.

Nỗi đau một gia đình

Dịp gần Tết nguyên đán vừa qua, theo bà Mì, Hằng bắt đầu có những dấu hiệu của trầm cảm. "Cháu lúc nào cũng trong bộ dạng chậm chạp, lừ đừ như đang suy nghĩ gì. Có hôm vợ chồng tôi bận, dặn con ở nhà nấu cơm nhưng Hằng lại quên. Bố mẹ hỏi Hằng chỉ lặp đi lặp lại câu nói "con xin lỗi bố, con cảm ơn bố".

Ông Bằng nhìn con đau khổ hỏi sao con lại thế này. Trong lòng nghi ngại, ra Tết mấy hôm vợ chồng bà Mì đưa con gái đi khám ở BV Đa khoa Từ Sơn, Bắc Ninh. Tại đây Hằng được các bác sĩ kết luận đã trầm cảm ở mức độ nặng và tạo điều kiện ngay để gia đình chuyển Hằng đến BV Tâm thần tỉnh Bắc Ninh.

Hầng đang được cấp cứu trong bệnh viện

"Biết con thế rồi nhưng trong lúc nhà chẳng có gì, chúng tôi định đợi cho các cháu sinh viên đi học mấy hôm sau Tết để nhặt ít tiền nợ gom góp đưa con lên tỉnh khám. Nào ngờ cháu lại xảy ra chuyện như thế" - bà Mì rơm rớm nước mắt tâm sự.

Nhớ lại lúc xảy ra sự việc ông Bằng nói, “Ngày 11/3, Hằng có biểu hiện khác thường, cứ liên tục chắp tay vái lạy chúng tôi, khóc lóc rồi bảo con sắp chết rồi bố ơi. Nghe con nói gở mồm, tôi mắng cho một trận nhưng nó vẫn cứ liên tục vái lạy".

Nhà ông Bằng có hai người con, dưới Hằng là em trai Phạm Văn Tiến, sinh năm 1994. Cách đây 2 năm, đang theo một trường cao đẳng nghề về dân dụng Tiến cũng có biểu hiện trầm cảm phải nghỉ học. Gia đình đưa đi khám ở BV Tâm thần tỉnh Bắc Ninh, bác sĩ cho biết tình trạng của Tiến hiện đã nặng nên cho về nhà, ngày ngày phải uống thuốc điều trị. Mỗi tháng Tiến được nhà nước trợ cấp 270.000 đồng. Tiến giờ lúc tỉnh lúc lại rơi vào trầm cảm, tâm lí không ổn định.


Cậu em trai mắc bệnh tâm thần của Hằng

Hôm 11/3, theo bà Mì, Tiến đã lén lấy một lon bia uống trước khi ông Bằng về. Trong trạng thái không kiểm soát được hành vi, còn ông Bằng đang đi làm về mệt, không biết con như vậy nên bố và con trai xảy ra xô xát nhẹ.

Bà Mì lúc đó đang phải đút từng thìa cơm cho con gái ăn phải vào ngăn. "Rồi thoáng cái tôi lấy cháu nó nằm đừ ra, miệng đầy máu nên hô hoán mọi người xung quanh giúp đỡ. Vậy là nhà tôi 2 đứa con giờ thành ra tàn tật rồi" - người mẹ già giọng buồn bã nói trong tuyệt vọng.

Hằng được đi cấp cứu tại Bệnh viện thị xã Từ Sơn nhưng do quá nặng nên Hằng được đưa lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh rồi chuyển sang Bệnh viện tâm thần tỉnh Bắc Ninh tiếp tục điều trị. Bước sang ngày thứ 5, Hằng hiện vẫn phải ăn qua ống xông và được tiêm thuốc an thần mới ngủ được. Cứ tỉnh dậy Hằng lại chấp tay vái lậy hoặc tự đấm tay vào miệng.

Thành tích học tập của Hằng

Ngồi ở bên con trên giường bệnh, bà Mì nói trong đau khổ: "Hai đứa con đang lành lặn, ngoan ngoãn bỗng đổ bệnh trầm cảm thế này có lẽ là do trước đây tôi từng là thanh niên xung phong đi thu dọn chiến trường sân bay từ Đà Nẵng vào đến Tây Nguyên. Chất độc da cam đã ngấm vào người tôi, giờ đây là hai đứa con phải chịu nỗi đau thay mẹ".

Bà Mì cho biết mình cũng muốn đi làm thủ tục để xác nhận việc này mong các con được thêm những giúp đỡ nhưng hồ sơ, thủ tục quá phức tạp, phải đi nhiều nơi nên đành thôi.

Sẽ bán nhà để chữa bệnh cho con



Căn phòng nhỏ tại khu tập thể 4 tầng cũ kỹ ở phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh là nơi cư trú của 4 thành viên trong gia đình ông Phạm Văn Bằng, ngoài hai vợ chồng ông còn có Phạm Thị Thu Hằng (nạn nhân cắn lưỡi tự vẫn) và cậu con trai Phạm Văn Tiến mắc bệnh tâm thần.

"Mấy ngày nay chị nó nằm viện cấp cứu, tôi phải nhờ hàng xóm trông hộ, mọi người thương tình người thì cho cơm, người thì mang canh cho cháu ăn", ông Bằng cho biết.

Trước đó, tiền vợ chồng ông Bằng kiếm được chỉ đủ lo sinh hoạt trong nhà. Họ hàng nội ngoại hàng tháng vẫn phải gửi tiền gửi gạo giúp đỡ ông bà nuôi con. Hai con đổ bệnh, tiền vay lãi thời sinh viên lo cho Hằng đi học đại học giờ cũng đến kỳ phải trả nhưng ông bà Mì chưa biết tính sao.

"Thế mà năm ngoái khi bình bầu gia đình hộ nghèo, cái Hằng còn tỉnh táo nó bảo nhà tôi không nhận là hộ nghèo dù khu phố đã đồng ý hết. Nó nói nhà ta còn khá hơn bao nhiêu gia đình khi còn có cơm ăn áo mặc, có nơi để mà ở. Nhiều người còn khó hơn nên để dành tiền đó giúp họ trước" - bà Mì kể trong nước mắt.

Mãi đến năm nay khi Hằng có dấu hiệu trầm cảm, gia đình lâm vào cảnh khốn khó, địa phương tiếp tục xác nhận gia cảnh nên ông bà Mì mới nhận là hộ nghèo để hưởng trợ cấp của nhà nước.

Nhìn trong căn nhà cũ kỹ của 4 con người không vật dụng gì đáng giá ngoài 2 chiếc tivi, mọi đồ vật trong gia đình không có cái gì giá trị.



“Gia đình tôi giờ không còn cái gì nữa, nhà có mở cửa cả tuần cũng chẳng mất mát gì vì cũng chẳng có gì để mà lấy” – ông Bằng nói..

Vay mượn giờ cũng khó khăn nên ông Bằng cho biết: "Nhiều khả năng tôi phải bán cái chung cư này để chữa bệnh cho cháu, còn ở đâu cũng được quan trọng là cứu được nó.

Bà Nguyễn Thị Liên, chi hội phụ nữ khu phố Mới, phường Trang Hạ cho biết, gia đình ông Bằng rất khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định.

"Người dân ở đây ai khi nghe tin cháu nó như vậy đều rất đau buồn. Mong sao cháu nhanh khỏi bệnh. Còn hiện tại bà con khu phố cũng đang cố gắng huy động giúp đỡ thêm cho gia đình ông Bằng vượt qua khó khăn này", bà Liên cho hay.

Theo Văn Chung - Nhị Tiến Vietnamnet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây