Ông Lôi, cha của nạn nhân |
Thay đổi tính nết vì gánh nặng mưu sinh
Làng Đáp là một bản làng heo hút chỉ có hơn chục nóc nhà của xã Kông Lơng Khơng. Ở nơi đó, cậu bé Đinh Thuế được sinh ra và lớn lên như chim rừng cá suối. Cha Thuế là ông Đinh Văn Lôi (SN 1963) vốn thật thà tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người nên được bà con trong làng bản đặc biệt quý mến.
Tuy nhiên, trong cuộc sống gia đình thì do cái nghèo đeo bám nên ông Lôi chỉ có thể đưa con đến trường vài năm để cho biết mặt con chữ. Như những đứa trẻ thất học khác, Thuế phải gùi cơm lên rẫy từ sáng sớm, làm đến chiều tối mới lững thững bước về.
Dù sống trong cảnh bữa đói bữa no nhưng Thuế vẫn lớn lên mạnh khỏe như con mãnh thú trên rừng. Năm 2005, Thuế ưng cái bụng khi gặp chị Đinh Thị Réch (SN 1988, ngụ huyện Kông Chro) nên về nhà giục cha đi hỏi cưới. Một đám rước dâu đã được tổ chức với sự có mặt của đầy đủ già làng trưởng bản và dân làng. Hôm đó, cả làng tưng bừng mừng cho hạnh phúc của Thuế uống rượu cho tới 2h đêm mà vẫn chưa tan tiệc. Lâng lâng trong men rượu và hạnh phúc, Thuế hứa với dân làng sẽ chăm chỉ làm ăn để nuôi gia đình nhỏ của mình.
Nhưng nào ngờ cuộc sống hôn nhân không được ngọt ngào như những gì Thuế mơ tưởng. Mọi gánh nặng trong gia đình đè trên lưng Thuế. Hai vợ chồng làm thuê làm mướn đủ đường nhưng không thoát được sự đeo bám của cái đói cái nghèo.
Lâu dần, những thiếu thốn trong cuộc sống đã biến chàng trai vui vẻ ngày nào thành một người đàn ông cáu bẳn. Đầu tiên, Thuế cứ bực tức chuyện gì là lôi vợ ra chửi. Về sau, việc chửi bới cũng chẳng mang lại tiền bạc nên gã cũng thôi.
Tiếp đến, bị ám ảnh bởi đồng tiền, Thuế nghĩ đến món lợi của mấy sào rẫy mà hàng ngày cha mẹ hắn vẫn canh tác. Thế là, gã bắt đầu về nhà cha mẹ gây sự và vòi vĩnh đòi chia chác đất đai bất chấp việc khi Thuế cưới vợ, gia đình đã cắt cho hai vợ chồng gã một mảnh đất dựng nhà và ít sào đất rẫy.
Trước đòi hỏi vô lý của Thuế, người cha từ chối cũng là điều dễ hiểu. Thấy con ngỗ ngược không chịu làm lụng nuôi thân nuôi vợ mà cứ năm ba hôm lại về nhà gây sự, người cha lựa lời khuyên mong con thức tỉnh. Tuy nhiên, Thuế chẳng chịu nghe mà còn nhiều lần đuổi đánh cha mình khiến ông này phải “chạy té khói”.
Vợ con nạn nhân |
Mảnh đất cắt đứt tình cha con
Mâu thuẫn giữa hai cha con Thuế cứ dùng dằng như thế và cho đến 16/5/2013 thì nó bùng phát. Sáng hôm đó, Thuế đi bơm thuốc ruộng lúa trả công cho một người trong làng. Xong việc sớm nên buổi trưa, Thuế được chủ nhà mời ở lại dùng cơm, uống rượu. Cuộc nhậu còn có cả đám thanh niên trai tráng trong làng.
Ăn nhậu đến giữa buổi chiều thì Thuế ra về. Khi mọi người hỏi đi đâu, Thuế bảo về giúp cha một số việc. Lúc này ông Lôi đang phụ làm nhà cho hàng xóm. Thuế đến giúp đỡ ông và hai người vừa làm vừa chuyện trò to nhỏ.
Nhưng Thuế chỉ làm một lát rồi bỏ đi, sau đó kéo đám bạn đến nhà cha đẻ tiếp tục nhậu nhẹt. Mâm nhậu đang cao hứng thì ông Lôi đi làm về. Vì mệt nên ông không uống mà vào góc nhà nằm nghỉ. Thuế mời rượu nhưng ông Lôi không đáp lại.
Trước đám bạn bè, Thuế cảm thấy ấm ức mất sĩ diện khi mời cha nhậu mà cha tỏ ra không hề nghe thấy. Chén rượu vẫn cứ thế quay vòng chỉ càng làm cho sự tức tối trong lòng Thuế lớn thêm. Tiếp đó, ông Lôi đang nằm nghỉ thì bị Thuế dựng dậy để nói về chuyện chia gia tài.
Một lần nữa, ông Lôi lại từ chối vì đất đai thì đã cho Thuế rồi, giờ ông chỉ còn vài sào để cày cuốc nuôi hai đứa con út. Lời qua tiếng lại, hai cha con cãi nhau dữ dội, không ai nhường ai. Ông Lôi sau nhiều lần nhịn nhục nay cơn giận trào ra. Thuế thì cho rằng cha không thương mình nên cũng chẳng còn coi cha ra gì.
Quen thói hung bạo với cha, Thuế không cãi nữa mà lạnh lùng nói: “Tôi chặt đầu ông bây giờ!”. Quá uất ức vì vô phúc có thằng nghịch tử thế này, ông Lôi tự chỉ tay vào cổ mình và nói: “Đầu tao đây, mày có chặt thì chặt đi!”.
Nghe cha thách, Thuế lập tức đứng dậy đi tìm rựa nhưng mọi người đã kịp thời giấu đi nên không tìm thấy. Tưởng không tìm thấy rựa thì Thuế sẽ ngồi xuống và bình tĩnh lại. Nào ngờ trong lúc đi lục lọi, Thuế lại tìm thấy con dao làm nương ở trên trần nhà.
Thế là Thuế cầm con dao lăm lăm trên tay, trừng mắt nhìn cha mà nói: “Mạng ông không đáng bao nhiêu tiền để tôi phải chặt cả!”. Sau khi dứt câu nói, hình như có chút men trong người làm cho Thuế thêm “dũng khí”, anh ta liền quay mũi con dao đâm vào bụng mình để tự sát!
Nỗi lòng người cha
Thuế ngay sau đó được mọi người đưa lên Bệnh viện huyện Kbang cấp cứu nhưng vừa đến nơi thì đã tử vong vì vết thương quá sâu gây mất máu cấp. Nghe tin con mất, người cha chết điếng, không tin nổi sự thật phũ phàng đó. Gần 2 tháng sau ngày con trai mất, người cha vẫn ngày ngày nhớ mong, luôn ở trong trạng thái mộng mị. Chiều đến, ông lại nhìn về phía đầu bản, nếu Thuế còn sống thì có lẽ ông đã thấy con mình từ trên nương trở về.
Mỗi lần nhìn thấy vợ con Thuế lủi thủi trong căn nhà lạnh lẽo, ông Lôi vừa đau đớn vừa oán trách chính mình. Ông hối hận vì làm cha mà không biết nhường nhịn con để đến nỗi xảy ra sự việc đau lòng. Nhìn những bức ảnh Thuế chụp khi còn là bộ đội, là chú rể hạnh phúc trong đám cưới, ông lại khóc thút thít như đứa trẻ.
Ông Lôi tâm sự: “Cha con mâu thuẫn cũng chỉ vì vài sào đất rẫy. Thuế nằng nặc xin bằng được nhưng vì vợ chồng tôi còn ít đất lại phải để dành lo cho hai đứa em Thuế nữa nên chưa cho nó được. Sau này hai em nó lớn lên mới có thể chia được cho nó. Hôm đó tôi nghĩ rằng Thuế tức giận nên dọa mồm vậy thôi chứ ai lại đi chém cha. Có đau đớn nào hơn là chuyện nhìn con trai chết trước mặt của mình. Từ bé đến lớn, có khi nào nó bị tôi đánh đâu. Sau này nó hỗn hào, nhiều bận say rượu đuổi đánh tôi, tôi cũng chỉ biết chạy vì nghĩ rồi Yàng thương, nó sẽ tu tâm đổi tính. Có ai ngờ nó lại làm điều dại dột như vậy...”.
Thuế giờ đã yên nghỉ dưới lớp cỏ xanh nhưng những người ở lại vẫn phải sống trong nỗi ám ảnh và sự dày vò về tâm lý. Ông Lôi lòng đau thắt ruột gan trước cái chết của con, nay lại tự ám ảnh mình bằng suy nghĩ mình đã gián tiếp ép con tự sát. Chính vì lẽ đó mà không biết đến bao giờ ông mới có thể thoát khỏi sự dằn vặt lương tâm dù ông không hề có lỗi.
Ngoài ra, Thuế mất đi còn để lại người vợ mang bầu gần đến ngày sinh. Đứa con trai đầu của Thuế mới 8 tuổi, vẫn còn quá ngây thơ để biết thế nào là nỗi đau mất cha. Nhiều lúc vì tự cho rằng mình hại chết con, ông Lôi cũng không đủ can đảm để nhìn vào mắt con dâu. “Cũng là lỗi một phần ở tôi mà cháu nội sắp chào đời sẽ không biết mặt cha. Không biết khi chúng lớn lên chúng có oán trách ông nội bạc tình khiến chúng mồ côi không hả cô chú?”, ông Lôi chua xót nói.
Cái nghèo cái khó dễ khiến người ta trong lúc túng bấn mà đánh mất bản thân, làm những điều rồ dại, trái đạo lý. Người làng Đáp bao đời nay vốn sống nặng tình mặc cho người đời bon chen, vậy mà nay họ đã phải chứng kiến một thảm cảnh gia đình xuất phát từ mâu thuẫn về lợi ích vật chất. Hy vọng chuyện buồn này sẽ là bài học để người ta biết giữ gìn tình cảm gia đình một cách thật cẩn trọng.
Theo Đại Chơn - Uyên Thu (PLVN)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn